TAND TP.HCM vừa xử phúc thẩm vụ tranh chấp tài sản là căn hộ giữa cụ ông C. (sinh năm 1936) với bà L. (sinh năm 1968). Trước đó, TAND quận 6 xử sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của cụ C.
Từ mối tình già qua mạng
Tháng 10-2017, cụ C. nộp đơn kiện cho rằng vào năm 2016 cụ mua căn hộ tại tầng 31 Trung tâm thương mại dịch vụ Lucky Palace (phường 2, quận 6, TP.HCM) với giá hơn 2,2 tỉ đồng. Khi ký hợp đồng mua căn hộ, cụ đã thanh toán 50 triệu đồng tiền đặt cọc cho chủ đầu tư.
Đến ngày 9-11-2016, vì lý do đang đứng tên một căn hộ, nếu tiếp tục đứng tên mua thì phải chịu thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng nên cụ đã nhờ bà L. đứng tên giùm. Việc nhờ vả này không có giấy tờ chứng minh. cụ C. tin tưởng là do hai người có quan hệ tình cảm. Cụ C. quen bà L. trên mạng Internet, đến đầu năm 2016 thì quyết định về sống như vợ chồng tại căn hộ này.
Về số tiền mua căn hộ, cụ C. nói có được do bán căn nhà ở đường Hồng Bàng (quận 10) với giá hơn 4,3 tỉ đồng. Nay cụ C. yêu cầu bà L. phải thực hiện việc sang tên và giao lại căn hộ cho mình và phải tự tháo dỡ tất cả đồ đạc trong căn hộ đi. Cụ C. không yêu cầu bà L. phải trả tiền thuê nhà và đồng ý hỗ trợ 100 triệu đồng cùng một số khoản phí khác…
Tại tòa, bà L. thừa nhận quen cụ C. qua mạng và sống chung với nhau như vợ chồng không đăng ký kết hôn. Trong thời gian chung sống, cụ C. có hỏi bà nguyện vọng gì không thì bà nói là nếu có đủ tiền thì cụ chuyển nhượng cho bà căn hộ.
Bà L. cho biết thời điểm tháng 10-2016, cụ C. có bàn với bà mua căn hộ và nói nếu thiếu một ít tiền thì cụ sẽ cho thêm. Sau đó bà gom được 20 lượng vàng và 1,4 tỉ đồng tiền mặt, tổng cộng khoảng 2 tỉ đồng. Do cụ C. nói sẽ làm hợp đồng đứng tên bà nên bà không yêu cầu làm giấy tờ gì và không có người làm chứng việc giao tiền và vàng này. Bà L. nói lúc đó bà hoàn toàn tin tưởng vào cụ C. và tổng số tiền mua căn hộ bao nhiêu thì bà L. không biết chính xác vì cụ C. lo tất cả.
Cuối năm 2016, hai người phát sinh nhiều mâu thuẫn nên ngày 29-7-2017, bà L. không chung sống với cụ C. nữa mà bỏ về nhà mình cho đến nay. Bà L. kể khi bà bỏ đi, cụ C. nói: “Tôi sẽ cho bà ra đi tay trắng” và còn lấy giấy chứng minh và sổ hộ khẩu của bà. Đến ngày 1-8-2017, cụ C. đã trả lại giấy tờ cho bà tại công an phường, trong khi cụ C. tới cơ quan của con trai bà L. và tới nhà chồng bà L. để nói xấu bà.
Bà không đồng ý với việc cụ C. cho rằng mình đứng tên giùm để tránh thuế thu nhập cho cụ. Vì cụ C. biết bà đã đứng tên một căn nhà ở đường Cách Mạng Tháng Tám và một lô đất ở Củ Chi…
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện
Về nguồn tiền mua căn hộ, bà L. nói là của vợ chồng, con cái bà đã dành dụm 20 năm nay. Chồng bà đã chết năm 2008, trước khi mất làm thợ điện, lương nhận mỗi tháng khoảng 6,7 triệu đồng. Bản thân bà làm nhân viên công ty may, lương cũng khoảng 6 triệu đồng/tháng và nghỉ lúc 49 tuổi với lý do cụ C. yêu cầu ở nhà chăm sóc cụ như vợ chồng. Cạnh đó, bà L. có con trai đang đi làm và từ năm 2011 đều đưa cho bà 5-6 triệu đồng/tháng để dành dụm.
Cũng theo bà L., khi chồng còn sống, vợ chồng bà có mua một miếng đất ở huyện Long Khánh (Đồng Nai) rồi bán xong lại mua miếng đất ở quận Gò Vấp (TP.HCM). Năm 2014, vợ chồng bà lại mua hai lô đất ở Củ Chi sau khi có 10 lượng vàng, năm 2009 bà bán một lô được 400 triệu đồng.
Ngoài ra, bà L. còn có nguồn thu nhập từ tiền cho thuê căn nhà từ năm 1998 đến 2010, công an khu vực và tổ dân phố nơi có nhà cho thuê đều biết. Bà L. khẳng định với những khoản thu nhập chính của gia đình như trên thì tiền mua căn hộ là của bà.
Trong khi cụ C. cho rằng vì mình là người bỏ tiền ra mua nên cụ đang giữ bản chính hợp đồng mua bán căn hộ và phiếu thu tiền. Không có chuyện bà L. nhờ cụ cất giùm số giấy tờ này, vì thực tế là cụ nhận giấy tờ bản chính tại nhà.
HĐXX phúc thẩm nhận định rằng yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở chấp nhận nên tuyên y án sơ thẩm. Trước hết, lời khai của cụ C. về việc mua căn hộ cũng như nguồn tiền mua nhà phù hợp với các giấy tờ, chứng cứ và lời khai của người làm chứng.
Trưởng nhóm kinh doanh bất động sản công ty có căn hộ trên khẳng định tất cả giao dịch mua bán đều do cụ C. thực hiện. Anh này đã cùng tài xế chở cụ C. ra ngân hàng rút số tiền bán căn nhà ở đường Hồng Bàng để thanh toán mua căn hộ. Thời điểm đó, cụ C. cũng nhờ anh này bán giùm căn nhà và một căn chung cư khác để mua hai căn hộ.
Bị đơn cho rằng mình tin tưởng cụ C. và không hiểu biết về việc mua bán nhà, đất nên nhờ cụ C. mua. Vì sống chung với cụ C. như vợ chồng nên tin tưởng và đưa số tiền mà không làm bất cứ giấy tờ gì, không có người làm chứng. Về lập luận này, HĐXX cho rằng thời điểm đó bà L. đã hơn 50 tuổi, có đầy đủ khả năng nhận thức làm chủ hành vi.
Bà L. biết rõ số tiền 1,4 tỉ đồng và 20 cây vàng ở thời điểm đó rất lớn nhưng đưa hết cho cụ C. mà không biết chính xác là bao nhiêu là không thuyết phục. Bà L. chỉ biết số tiền đó khoảng 2 tỉ đồng và không yêu cầu bất kỳ một giấy biên nhận nào.
Hơn nữa, tại các buổi hòa giải, bà L. không khai rõ về nguồn gốc số tiền đã đưa, cũng như không biết rõ đưa loại vàng gì, dù bà khẳng định đây là toàn bộ tài sản của gia đình mình. Bà L. cũng không cung cấp được bất kỳ hợp đồng chuyển nhượng đất nào ở huyện Củ Chi. Do đó, lời trình bày của bà L. về nguồn gốc số tiền mua căn hộ là không đủ căn cứ để chấp nhận.
Con trai bà L. nói gì tại tòa? Tại tòa, con trai bà L. (là người liên quan trong vụ án) cho rằng khi mẹ dự định mua căn hộ trên thì có nói rõ nội tình. Ông đồng ý chuyện tình cảm giữa hai người vì khi tiếp xúc với cụ C. vài lần thì thấy cụ tốt tính. Thực tế là từ khi mẹ ông về ở với cụ C. thì thấy tinh thần vui vẻ hơn trước. Theo ông, vì tin tưởng cụ C. là người tốt và căn hộ là do mẹ đứng tên nên gia đình đã không nghi ngờ hay nhờ người làm chứng khi mẹ ông giao tiền và vàng cho cụ C. Ông cho rằng tiền mua căn hộ là của gia đình tích góp 30 năm qua và là thành quả của cha mẹ và ông làm lụng, đề nghị bác yêu cầu khởi kiện của cụ C. |