Cụ ông hít sặc thức ăn gây viêm phổi, phải thở máy

(PLO)- Bệnh viện Thống Nhất liên tục tiếp nhận nhiều ca hít sặc thức ăn phải điều trị hồi sức tích cực, chỉ trong một tuần có 2 ca tử vong trước khi vào bệnh viện.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 27-6, Bệnh viện Thống Nhất cho biết gần đây bệnh viện tiếp nhận khá nhiều bệnh nhân lớn tuổi hít sặc thức ăn, nước uống gây nguy kịch. Đáng chú ý, có trường hợp tử vong hay phải điều trị hồi sức tích cực.

BS CKI Trịnh Hải Hoàng, khoa Hồi sức tích cực - chống độc (Bệnh viện Thống Nhất), chia sẻ khoa này đang điều trị một bệnh nhân hít sặc thức ăn rất nặng. Đây là ca thứ 5 khoa tiếp nhận điều trị từ đầu năm đến nay.

Bệnh nhân là NVN (90 tuổi, ngụ Vĩnh Long) bị di chứng tai biến nên nằm tại chỗ hai năm nay, ăn phải có người đút. Ba ngày trước, bệnh nhân ăn uống bị hít sặc gây ho, khó thở, người nhà đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Thống Nhất.

Vì tình trạng nặng nên bệnh nhân được chuyển khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Tại đây, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị viêm phổi hít, rửa phế quản thấy có nhiều đồ ăn và dịch đàm, phải thở máy.

Sau ba ngày điều trị, hiện bệnh nhân vẫn đang thở máy, tiên lượng tạm ổn.

hít sặc thức ăn - 1
BS CKI Trịnh Hải Hoàng, khoa Hồi sức tích cực - chống độc, thăm khám cho bệnh nhân hít sặc thức ăn, viêm phổi phải thở máy. Ảnh: BVCC

ThS-BS CKII Nguyễn Thụy Trang, Phụ trách khoa Cấp cứu (Bệnh viện Thống Nhất), cho hay trước đây một tuần khoa chỉ tiếp nhận cấp cứu 1-2 ca hít sặc thức ăn.

Gần đây mỗi ngày hầu như đều tiếp nhận 1-2 ca hít sặc thức ăn. Có trường hợp rất nặng, đã ngưng tim trước khi vào bệnh viện. Những ca nhẹ thường để lại di chứng viêm phổi, phải chuyển khoa Nội hô hấp tiếp tục điều trị, ca nặng phải chuyển khoa Hồi sức tích cực - chống độc. Riêng tuần vừa rồi khoa có hai ca đã tử vong trước khi vào bệnh viện.

Theo bác sĩ Trang, hít sặc thức ăn thường xảy ra ở những trường hợp có nhiều bệnh nền như di chứng đột quỵ não, sa sút trí tuệ, Alzheimer (suy giảm trí nhớ),… làm rối loạn chức năng nuốt, suy giảm khả năng ho gây ra hít sặc.

Những trường hợp lạm dụng thuốc an thần, thuốc ngủ làm giảm phản xạ nuốt cũng tăng tỉ lệ bị hít sặc. Người được chăm sóc tại nhà, đặt ống thông dạ dày cũng là một trong những yếu tố gây tăng tỉ lệ hít sặc. Có trường hợp người trẻ dùng lượng lớn rượu bia, không kiểm soát được khi ăn, mất đi phản xạ ho, nuốt ra gây ra hít sặc.

“Người khỏe mạnh nếu vô tình bị sặc thức ăn sẽ có phản xạ ho để tống thức ăn ra ngoài. Còn người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, khi hít sặc thức ăn mà không ho được, thức ăn bị đẩy vào đường thở gây khó thở” - BS Trang nói.

Hít sặc thường không có dấu hiệu rõ ràng, chỉ có triệu chứng ho. Đối với người lớn tuổi có nhiều bệnh nền, bị suy giảm chức năng ho thường sẽ khó phát hiện. Hít sặc lượng lớn thức ăn sẽ gây khó thở, cần nhập viện để đặt ống thở, bơm rửa lấy thức ăn ra.

Nếu hít sặc lượng nhỏ thức ăn, dần dần ứ đọng gây ra nhiễm trùng. Trường hợp này khi bơm rửa thấy rất nhiều dịch làm vi khuẩn phát triển, gây viêm phổi, phải điều trị kháng sinh.

“Khi hít sặc thức ăn phải vào bệnh viện sớm để điều trị kịp thời. Nếu điều trị trễ, dịch trong phổi nhiều, vi khuẩn nặng, khả năng điều trị khó khăn hơn, đặc biệt người có bệnh nền” - bác sĩ Trang khuyến cáo.

Theo bác sĩ này, dự phòng hít sặc thức ăn cho người lớn tuổi điều trị tại nhà bằng cách khi cho ăn phải ngồi thẳng trên ghế, nếu không ngồi được phải nâng đầu giường vuông góc 90 độ. Không nên cho ăn quá nhanh, đợi nuốt rồi mới đút tiếp. Kích thước đồ ăn nên nhỏ, cho ăn luân phiên giữa thức ăn lỏng và đặc. Người chăm sóc cần theo dõi người lớn tuổi ít nhất 30 phút sau khi ăn.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm