Hôm nay, 14-12, TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới, TP.HCM, cho biết gần hai tháng qua bệnh viện tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Văn Pha (77 tuổi, xã Bình Minh, TP Tây Ninh) do viêm màng não nấm, kèm viêm phổi và tiểu đường tuýp II rất nặng. Bệnh nhân đã trải qua nhiều cơn “thập tử nhất sinh”, dù các bác sĩ đã giành lấy sự sống cho bệnh nhân nhưng hiện tại bệnh nhân rất nghèo, không có tiền chi trả viện phí.
Theo TS-BS Châu, bệnh nhân nhập viện ngày 19-10, có những lúc glassgow (thang điểm hôn mê) bệnh nhân chỉ còn khoảng 5-6/15 điểm (hôn mê) nhưng với sự tích cực và tận tình cứu chữa của tập thể y, bác sĩ khoa Nhiễm Việt Anh, đến nay bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Hiện tại bệnh nhân vẫn đang phải thở máy, sốt cao 39°C, glassgow ước 8 điểm. Bệnh nhân được điều trị phối hợp kháng nấm, kháng sinh liều cao theo kháng sinh đồ, nuôi dưỡng tĩnh mạch toàn thân và qua ống thông dạ dày…
Bệnh nhân Pha đang được điều trị tại khoa Nhiễm Việt Anh, BV Bệnh Nhiệt đới đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng.
Trước đó, vào tháng 9-2015, bệnh nhân Pha có những biểu hiện sốt, đau đầu dữ dội, vào BV tỉnh Tây Ninh điều trị khoảng một tuần bớt sốt và xuất viện. Vài ngày sau bệnh nhân sốt trở lại, tiếp tục nhập viện BV tỉnh Tây Ninh điều trị, sau đó được chuyển lên BV 115 (TP.HCM) điều trị. Cũng khoảng một tuần thì bệnh tình bớt và xuất viện. Tuy nhiên, bốn ngày sau khi xuất viện bệnh nhân lại có những triệu chứng như cũ nhưng mức độ nặng hơn, người nhà đưa đi cấp cứu tại BV tỉnh Tây Ninh sau đó dược chuyển lên BV Phạm Ngọc Thạch (TP.HCM). Tại đây các bác sĩ cho biết bệnh nhân bị bệnh viêm màng não nấm và chuyển sang khoa Nhiễm Việt Anh BV Bệnh Nhiệt đới điều trị từ ngày 19-10, với chẩn đoán: Viêm màng não nấm/viêm phổi/tiểu đường tuýp II.
Theo lời kể của bà Lê Thị Ánh, vợ của bệnh nhân Pha, hai vợ chồng không có công ăn việc làm ổn định, hằng ngày ông bà tự làm thuê, làm mướn để kiếm sống dù tuổi cao. Mặc dù ông bà có ba người con trai và một người con gái nhưng đều đã lập gia đình và ở xa, bản thân những người con cũng quá nghèo. Từ ngày chồng bị bệnh, bà Ánh phải đi vay mượn khắp nơi, đến nay số nợ đã lên đến hơn 30 triệu đồng nhưng số tiền này chẳng thấm vào đâu so với số tiền cần để mua thuốc men ông cần sử dụng và thời gian còn kéo dài nữa.
“Nghe bác sĩ báo chồng tôi đã qua cơn nguy kịch và bắt đầu có ý thức trở lại, biết chớp mắt khi bác sĩ hỏi, tôi mừng lắm nhưng nghĩ đến cảnh phải lo tiền thuốc thang cho những ngày điều trị tiếp theo cho chồng tôi không biết phải làm sao, nếu như cái đà này chắc tôi phải xin bác sĩ rút máy thở và đem ông về nhưng nếu như thế thì chồng tôi chết mất!” - bà Ánh khóc…