Sáng 11-10, tổ Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị số 1 gồm Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM Nguyễn Thanh Sang đã có buổi tiếp xúc cử tri (TXCT) tại TP Thủ Đức trước kỳ họp thứ 6- Quốc hội khoá XV.
Cán bộ có chức vụ "làm vua một cõi"
Cử tri Trần Canh băn khoăn: Vừa qua một loạt cán bộ cấp cao bị xử lý liên quan đến tham nhũng. Ngay tại địa phương, Ủy ban kiểm tra Thành uỷ TP.HCM vừa qua đã có quyết định kỷ luật Phó Chủ tịch UBND TP Thủ Đức do vi phạm trật tự xây dựng, thông qua các tố cáo, phản ánh của người dân.
Từ đó, cử tri Trần Canh hỏi rằng, công tác quy hoạch cán bộ, nhân sự hiện nay đã thật sự chặt chẽ, loại bỏ ngay từ đầu những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất đạo đức hay chưa.
“Từ cấp cao tới cấp địa phương, họ đều lợi dụng chức vụ để tham nhũng, gây quá nhiều thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp”- cử tri Trần Canh nói và cho rằng, cần nhất hiện nay là cơ chế loại bỏ những người có chức vụ là lại muốn “làm vua một cõi” của một bộ phận cán bộ.
Cử tri này cũng nói thêm, cần ngăn chặn sớm nhất những hành vi, ý định manh nha tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, bất động sản. Vì nguồn lực đất đai rất lớn, rất dễ xảy ra nhũng nhiễu, từ cái nhỏ dẫn đến các sai phạm lớn.
Cùng mối quan tâm, cử tri Trần Việt Trung nhắc lại vụ đăng kiểm, tiêu cực xảy ra ở quy mô cả nước. Từ những thực tiễn như vậy, cử tri nói cần lưu tâm nhiều hơn đến công tác cán bộ hiện nay, làm sao để ngăn ngừa các vi phạm khi vừa mới xuất hiện.
Một số cử tri cũng kiến nghị đến các ĐBQH có ý kiến đề đạt để sớm giải quyết các dự án treo lâu năm tại địa phương này. Dự án có làm hay ngừng cũng phải trả lời cho dân rõ, không thể để lãng phí nguồn lực đất đai và gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân thêm nữa.
Cử tri cũng có ý kiến về thời gian giải quyết thủ tục hành chính tại địa phương kéo dài quá lâu, nhất là trong lĩnh vực cấp phép xây dựng; về hoạt động kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng hiện nay chưa hiệu quả, công tác PCCC ở nhiều nơi vẫn chưa chặt chẽ, các vấn đề về Khu đô thị mới Thủ Thiêm…
Mong cử tri giám sát cán bộ, tố cáo nhũng nhiễu
Đại diện chính quyền địa phương, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng nói rất chia sẻ với bà con bị ảnh hưởng bởi các dự án treo, làm hạn chế nhiều quyền lợi hợp pháp của bà con. Ông Hoàng Tùng cho biết, hiện địa phương đã lập quy hoạch chung, đang trình Bộ Xây dựng và chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000.
TP Thủ Đức cũng có rà soát tại một số nơi đề điều chỉnh quy hoạch, khắc phục vấn đề quy hoạch treo, dự án treo. “Đây là vấn đề tốn nhiều thời gian, đòi hỏi nhiều bên cùng tham gia. Ban Thường vụ Thành uỷ Thủ Đức hết sức quan tâm để giải quyết”- ông Hoàng Tùng thông tin.
Về Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người đứng đầu TP Thủ Đức nói đã tổ chức cuộc gặp trao đổi thông tin, lắng nghe ý kiến của bà con, vẫn còn nhiều ý kiến khác biệt.
Ông Hoàng Tùng cho biết, các nội dung liên quan đến Thủ Thiêm là vấn đề mà chính quyền TP Thủ Đức luôn ưu tiên giải quyết. TP.HCM cũng đã có kế hoạch tiếp xúc, đối thoại với người dân trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cũng chia sẻ ý kiến với cử tri về vấn đề tham nhũng, mong cử tri tăng cường sự giám sát trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ; giám sát các hành vi nhũng nhiễu ngay trong đời sống hàng ngày, kịp thời phản ánh đến các cấp chính quyền.
Đại diện tổ ĐBQH, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân khẳng định, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Trung ương quan tâm, nghiêm khắc xử lý. Việc xử lý, kỷ luật hàng loạt Bí thư tỉnh uỷ trong thời gian qua minh chứng cho quyết tâm này, cũng không còn khoảng trống trong xử lý cán bộ. Chủ trương này đang được thực hiện một cách nghiêm minh.
Cùng 1 dự án, sao giá bồi thường không bằng nửa Bình Dương
Tại buổi tiếp xúc, vấn đề về mức giá bồi thường cho người dân bị ảnh hưởng bởi dự án Vành đai 3 được nhiều cử tri TP Thủ Đức đề cập.
Cử tri Lê Minh Thắng, phường Trường Thạnh cho biết, ông có khu đất nằm ngay mặt tiền đường Nguyễn Xiển và đã xây nhà nhiều năm qua.
Khi thực hiện dự án Vành đai 3, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng có giá bồi thường dao động từ 5,8 triệu đến 7,6 triệu đồng/m2/; với diện tích đất 3.300m2 mà gia đình cử tri này đã bị thu hồi, mức đền bù họ nhận được là 23 tỉ đồng.
Trong khi đó, giá đất mặt tiền tại khu vực này bị giải tỏa đang giao dịch ở mức trên dưới 70 triệu đồng/m2. Nếu bán đi, họ sẽ nhận được 100 tỉ đồng.
Cử tri Thắng nói, ông đồng tình với chủ trương thực hiện dự án này, nhưng ông khó có thể chấp nhận với mức đền bù mà chính quyền đưa ra.
Cử tri Thắng nói thêm, cùng một dự án, giá bồi thường đất nông nghiệp tại TP.HCM chưa bằng một nữa so với Bình Dương. Cùng trục đường Nguyễn Xiển, giá bồi thường tại Bình Dương là 16,7 triệu đồng; trong khi đó phía TP.HCM chỉ bồi thường 7,6 triệu đồng là mức chênh lệch quá lớn.
Nhiều cử tri khác cũng cho rằng, mức giá đền bù giữa đất nông nghiệp nằm trong khu dân cư, khu có quy hoạch đất thổ cư, mặt tiền đường chính của TP Thủ Đức có khoảng cách quá lớn đối với đất thổ cư, chỉ bằng 1/10 đất thổ cư, chênh lệch khoảng 65 triệu đồng/m2. Trong khi đó, tiền thuế chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp lên đất thổ cư chỉ 2,7 triệu đồng/m2. Như vậy người dân có đất nông nghiệp bị thiệt thòi quá lớn, dù đất nông nghiệp đó nằm cùng tờ bản đồ, cùng thửa đất, sát ranh, cùng mặt tiền với những khu đất thổ cư.
Chia sẻ với cử tri, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức nói bản thân thấu hiểu về những điều mà người dân thắc mắc về mức giá đền bù.
“Cá nhân tôi mong muốn có giá bồi thường hợp lý cho người dân, làm sao hài hoà được lợi ích, giảm thiệt hại cho người dân. Riêng Vành đai 3, chúng tôi đã có 6 tổ công tác để giải quyết từng câu chuyện cụ thể. Lãnh đạo TP.HCM cũng rất quan tâm, nhưng phải cân nhắc rất nhiều để có mức giá phù hợp”- ông Tùng nói, ở cấp thẩm quyền địa phương.
Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM Vũ Hải Quân cho hay, các đại biểu, chính quyền địa phương đã có nhiều đề đạt với lãnh đạo TP. Đây là các vấn đề khó, để tạo được sự đồng bộ, hài hoà và đáp ứng yêu cầu của bà con cũng không phải dễ, mong bà con chia sẻ.