'Cử tri than các ông nói nhiều quá…'

Đây là câu hỏi rất lớn trong nhiều nhiệm kỳ qua mà đến nay, khi nhắc đến, cử tri vẫn “chau mày”- Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương phát biểu khi QH cho ý kiến về báo cáo nhiệm kỳ của Chỉnh phủ và Thủ tướng Chính phủ sáng 29-3.

Ông Đương ví von “nước trong không có cá, người trong sạch không ai chơi” và cho rằng nạn chạy chức, chạy quyền tạo ra nhiều bất công lớn.

Ông Đỗ Văn Đương.

“Tôi đề nghị có nhìn nhận, đánh giá lại việc có chạy chức, chạy quyền không, vì nó không chỉ tạo ra bất công lớn và còn “đẻ” ra tham nhũng. Họ mua bán chạy chức, chạy quyền rồi chính họ cũng sẽ vơ vét để bù chi phí đã bỏ ra” - ông Đương nói.

Vị ủy viên Ủy ban Tư pháp này cho rằng đây là vấn đề nhạy cảm nhưng vẫn phải quyết liệt làm, vì nó ảnh hưởng đến sự tồn vong của chế độ.

Theo ông Đương, nếu cứ chỉ ban hành nhiều nghị quyết có khi lại kích thích cho virus tham nhũng phát triển. Ông Đương cho biết đã nhiều lần đề nghị đưa vào tội mua bán chức quyền vào Bộ luật Hình sự nhưng chưa được chấp nhận.

“Cử tri nói các ông nói nhiều quá mà chả xoay chuyển được tình hình nên tốt nhất các ông đừng nói nữa” - ĐB này nói.

Ông Đỗ Văn Đương cũng cho rằng cơ chế, thể chế hiện nay chằng chịt nhiều mối quan hệ nên những tồn tại, hạn chế trong nhiệm kỳ vừa qua có nhiều nguyên nhân, không thể đổ hết lỗi cho Chính phủ.

“Vì sao nói bộ máy nhà nước, biên chế hoạt động bằng ngân sách chẳng giảm mà vẫn phình ra? Ở đây có vấn đề do chính các luật về tổ chức bộ máy sinh ra nhiều bộ máy, chẳng hạn riêng luật tổ chức chính quyền địa phương khiến tăng khoảng 22.000 biên chế của HĐND các cấp” - ĐBQH của TP.HCM nói.

Ngoài ra, ông Đương cũng nêu nguyên nhân từ khâu tổ chức thực hiện. Theo báo cáo hằng năm của các cơ quan bộ, ngành địa phương thì chỉ 1% cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ nên không thể giảm được bộ máy, trong khi dư luận lại râm ran về con số 1/3 số cán bộ không làm được việc, sáng cắp ô đi, tối cắp ô về.

Một vị ủy viên Ủy ban Tư pháp khác, luật sư Trương Trọng Nghĩa cũng đánh giá tình hình tham nhũng nghiêm trọng đã xâm phạm quyền lợi của người dân và làm suy yếu tiềm lực của đất nước.

“Trong nhiệm kỳ vừa qua, cử tri cho rằng nếu Thủ tướng sớm xử lý một vài vụ thì tình hình có thể cải thiện hơn, không nên chờ đến khi đổ bể họ phải ra tòa. Cử tri cũng đề nghị Chính phủ tới đây phải cải tiến cách thức điều hành, Thủ tướng phải mạnh dạn kỷ luật, thậm chí thay thế các bộ trưởng, chủ tịch, phó chủ tịch UBND cấp tỉnh có sai phạm, hoặc không hoàn thành nhiệm vụ, chấm dứt tình trên bảo dưới làm lơ…” - ông Nghĩa nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm