Chiều 5-5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 4 gồm ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP và ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Tư Pháp TP, đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận 12 trước kỳ họp thứ ba, QH khoá XV.
ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM vắng mặt.
|
Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 12 của ĐBQH TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA |
Tại buổi tiếp xúc, cử tri quận 12 đã nêu ý kiến về thông tin môn Lịch sử sẽ là môn tự chọn ở cấp THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu áp dụng từ năm học 2022-2023 mà Bộ GD&ĐT đưa ra.
Cử tri Nguyễn Ngọc Phương, phường Thạnh Lộc, cho rằng đây là điều không phù hợp với điều kiện thực tế tại nước ta mà nên đưa môn Lịch sử làm môn học bắt buộc.
|
Cử tri Nguyễn Ngọc Phương, phường Thạnh Lộc, nêu ý kiến về môn Lịch sử. Ảnh: LÊ THOA |
Theo cử tri Phương, nếu học sinh ít học về lịch sử thì sẽ không hiểu hết lịch sử Việt Nam. Trong khi đó để bảo vệ nền độc lập dân tộc thì học sinh phải am hiểu lịch sử nước nhà.
“Trên thực tế, nhiều bạn trẻ khi hỏi đến lịch sử Trung Quốc có khi nhớ rõ lắm, vì xem phim rất nhiều, còn khi hỏi đến lịch sử Việt Nam thì không biết” - cử tri Phương nhìn nhận. Ông cho rằng nếu để môn Lịch sử làm môn tự chọn thì nhiều học sinh sẽ không chọn… Do đó, ông đề nghị ĐBQH nên có ý kiến với QH về vấn đề này.
Bày tỏ sự băn khoăn và bức xúc trước thông tin môn Lịch sử sẽ trở thành môn tự chọn, cử tri Trần Thị Hằng, phường Trung Mỹ Tây, cho biết nhiều người dùng từ ngữ rất nặng nề, đó là “khai tử” môn học này.
|
Cử tri Trần Thị Hằng, phường Trung Mỹ Tây, phát biểu tại buổi tiếp xúc. Ảnh: LÊ THOA |
“Phải chăng môn Lịch sử không tạo ra của cải vật chất thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội, không thúc đẩy sự phát triển kỹ thuật, công nghệ cho đất nước nên không cần quan tâm?” - cử tri Hằng đặt vấn đề.
Theo cử tri Hằng, hàng ngàn năm nay, các quốc gia, dân tộc đều phát triển hay suy vong dựa trên nền tảng lịch sử để lại. Lịch sử không trực tiếp tạo ra của cải vật chất nhưng là môn để phát triển xã hội, phát triển dân tộc, con người. Không có một quốc gia chân chính nào, không một con người chân chính nào quay lưng với lịch sử.
“Nếu bỏ môn Lịch sử e là sẽ tạo ra hệ thống công dân không nhớ, không biết tới quá khứ và cội nguồn của mình” - cử tri Hằng lo lắng.
Bà cũng nhìn nhận, khi đưa môn Lịch sử vào môn tự chọn thì học sinh ai chọn thì học, không chọn thì thôi; trong khi lâu nay nhiều học sinh không còn thích học môn này, có học sinh rất sợ môn Lịch sử. Điều này đặt ra vấn đề có phải do cách truyền thụ của giáo viên chưa hấp dẫn hay cách biên soạn sách của Bộ GD&ĐT quá khô khan.
Bà dẫn chứng các sự kiện lịch sử chỉ nêu nguyên nhân, diễn biến, kết quả, khó khơi dậy truyền thống dân tộc và ý thức tự học, yêu thích môn học của học sinh.
Bà mong muốn cần có nhiều chuyên gia đầu ngành góp ý cho việc này, để thực trạng thờ ơ, kiến thức nghèo nàn về lịch sử Việt Nam của học sinh sẽ không còn, để người học thực sự thấy ý nghĩa thiết thực của môn học này.
|
ĐBQH Trần Hoàng Ngân trả lời ý kiến cử tri quận 12. Ảnh: LÊ THOA |
Trả lời cử tri về vấn đề cử tri quan tâm, ĐB Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM, nhìn nhận đúng là môn Lịch sử cần được quan tâm nhiều hơn. Trong đó cần thay đổi cách dạy học để môn lịch sử được các bạn học sinh yêu thích nhiều hơn.
Thông tin với cử tri, ĐB Ngân cho biết hiện nay môn Lịch sử không chỉ được dạy ở cấp 3, mà còn đưa vào cấp 1, còn cấp 2 là môn học bắt buộc.
“Ý kiến của Bộ GD&ĐT mà cử tri không đồng ý, tôi cũng không đồng ý thì sẽ có ý kiến góp ý Bộ xem xét lại” – ĐB Ngân nói và khẳng định ý kiến cử tri đúng mực, ĐBQH sẽ quan tâm và Đề nghị Bộ GD&ĐT quan tâm hơn nữa đối với môn Lịch sử.
ĐB Ngân cũng chia sẻ mới đây Nhật Bản đã chính thức đưa môn Lịch sử là môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy. Đây là thông tin hành lang giúp cho Bộ GD&ĐT xem xét, cơ cấu lại môn học ở THPT.
Ngăn biến tướng trong xây dựng nhà giá rẻ cho công nhân
Vừa qua, TP.HCM có chủ trương, chính sách phát triển nhà ở giá rẻ cho công nhân, người lao động có thu nhập thấp, nhằm tạo điều kiện cho nhóm này ổn định chỗ ở, yên tâm làm ăn. Những động thái của TP là bước ngoặt đột phá để giữ chân người lao động.
Để người có thu nhập thấp có thể tiếp cận được với nhà ở giá rẻ, cần có cơ chế, chính sách, giải pháp bắt nguồn từ thực tiễn đời sống người dân; đồng thời phải gắn với hành lang pháp lý chặt chẽ ngăn ngừa các lỗ hổng làm biến tướng, sai lệch chủ trương này.
Có như vậy, người lao động có thu nhập thấp thực sự có nhu cầu mua nhà có cơ hội được tiếp cận, lựa chọn được dự án nhà ở; giải quyết được phần nào giấc mơ an cư lạc nghiệp cho người dân.
Cử tri VÕ PHONG LƯU, phường Tân Chánh Hiệp, quận 12
Phải đấu tranh để tỉ lệ ngân sách để lại cho TP.HCM nhiều hơn
Đoàn ĐBQH TP.HCM nhiều lần đấu tranh với trung ương làm sao tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP.HCM.
Vừa qua TP được điều chỉnh cho một năm, tăng từ 18% lên 21%. Kỳ họp thứ tư của QH vào tháng 10-2022 sẽ quyết định tỉ lệ để lại cho TP giai đoạn 2023-2026 là bao nhiều %, góp phần tăng nguồn thu ngân sách cho TP.
Trong giai đoạn 2016-2020, TP thu hơn 1.800.000 tỉ đồng nhưng TP chỉ được chi 360.000 tỉ đồng, còn lại phải chuyển về trung ương để thực hiện nhiệm vụ an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, đầu tư cho các vùng sâu vùng xa; khiến TP thiếu nguồn lực, thiếu nguồn vốn đầu tư.
Do đó, chúng ta phải đấu tranh để tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách để lại cho TP nhiều hơn để TP đầu tư các vấn đề an sinh xã hội, y tế, nạo vét kênh rạch…
ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN,
Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM