Chiều 10-5, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đơn vị 7 gồm bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM; bà Phan Thị Thanh Phương, Bí thư Thành Đoàn TP.HCM và Thiếu tướng Nguyễn Minh Hoàng, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP.HCM đã có buổi tiếp xúc với cử tri quận Gò Vấp trước kỳ họp thứ 3, QH khóa XV.
Tại buổi tiếp xúc, cử tri Đào Hoàng Kiệt góp ý về phí rác thải hiện nay có sự không đồng bộ. Ngay trong khu dân cư ông đang ở, người dân và người thu gom rác thường xảy ra xung đột do không đồng ý với phí rác thải.
Cử tri cũng nêu sự bất hợp lý trong tính phí rác thải. Từ đó, cử tri kiến nghị cần thống nhất một mức giá chung để tránh những tranh cãi không đáng có.
|
Cử tri nêu ý kiến tại buổi tiếp xúc. Ảnh: THANH TUYỀN |
Cử tri Ngô Thị Thanh Lam bày tỏ mối quan tâm về vấn đề cấp phép xây dựng, cấp phép kinh doanh ở trong khu dân cư. Theo cử tri, ngay ở khu dân cư bà đang sống có cơ sở kinh doanh được cấp phép xây dựng 13 tầng, ngày đêm hoạt động gây tiếng ồn, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.
“Người dân phản ánh đến phường nhưng chỉ dừng ở việc lập biên bản, xử phạt...”- cử tri Lam nói và cho rằng chính quyền cần có biện pháp mạnh tay hơn.
Cử tri Nguyễn Đăng Hảo đưa ra góp ý về việc xây dựng luật. Theo cử tri, hiện có rất nhiều luật nhưng việc phổ biến xuống người dân chưa thật sự hiệu quả, luật cũng chưa bám sát đời sống người dân.
Cử tri Hảo cũng cho rằng việc thực hiện chiến dịch làm sạch lòng lề đường chưa đạt hiệu quả. "Tình trạng này vẫn diễn ra và không biết đến khi nào mới dẹp được" - cử tri Hảo nói và đề nghị QH, lãnh đạo TP cần có hướng cụ thể để giải quyết triệt để.
Cử tri cũng quan tâm đến việc cần sớm thực hiện dự án cải tạo kênh Tham Lương- Bến Cát- rạch Nước Lên, không nên để người dân chờ đợi thêm nữa.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM, đại diện tổ đại biểu đã tiếp thu ý kiến góp ý của cử tri. Bà cũng đồng tình với các ý kiến của cử tri về việc triển khai pháp luật xuống với người dân.
“Nếu chỉ tập trung vào việc xây dựng luật mà phó mặc việc triển khai thì việc xây dựng Luật cũng không có ý nghĩa”- bà nói và cho rằng từ một điều luật, để đưa vào cuộc sống có rất nhiều vấn đề.
Trước ý kiến của cử tri về chi phí rác thải, bà Lan chia sẻ, Khoản 1 Điều 70 Luật Bảo vệ môi trường có hiệu từ 1-1-2022, quy định rõ người dân sẽ trả phí môi trường (tức phí rác thải) tùy theo khối lượng rác mà mình xả ra hàng ngày.
“Đó là trên luật, còn từ đó ra thực tế thì không lẽ mỗi lần đi đổ rác lại xách theo cái cân?”- bà đặt vấn đề và cho biết TP đang hết sức tập trung để tháo gỡ chuyện này. Bà thông tin thêm, Sở TN&MT cũng chủ trì nhiều cuộc họp với các sở ngành liên quan và địa phương để họp bàn về nội dung này.
Theo bà Lan, với một đô thị như TP.HCM thì người dân phải chấp nhận việc trả các khoản phí, điển hình là phí rác thải môi trường như hiện nay; chắc chắn các chi phí đó cũng sẽ tăng lên khi đã tham gia vào nền kinh tế thị trường.
“Tuy nhiên, tôi nghĩ sẽ phải tính toán để có thời điểm, lộ trình cho phù hợp dựa trên căn cứ người nào xả nhiều thì trả tiền nhiều, người xả ít thì trả tiền ít”- bà nói.
Về vấn đề mua bán tràn lan ở lòng lề đường mà cử tri phản ánh, ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho hay đây cũng là tâm tư của chính ĐBQH.
Bà dẫn chứng ngay với ngành thực phẩm. Với các cơ sở hợp pháp, có thẩm định, có thanh tra thường xuyên, cơ quan quản lý cũng khá vất vả vì khi đến kiểm tra trực tiếp chỉ thấy mặt hay, còn mặt trái thì đã được giấu nhẹm đi, khó phát hiện ngay được. Bà nhìn nhận, việc quản lý, xử lý các hàng quán buôn bán ở lòng lề đường rất khó kiểm soát.
Một thực tế là trải qua thời gian dài chống dịch, cả TP bước vào đợt giãn cách, người dân không có thực phẩm để dùng. Chính vì vậy, nhiều điểm bán lẻ, nhỏ đã dần mọc lên.
“Đã có nhiều trường hợp kết nối được mối bán thực phẩm rau, củ, quả từ quê lên. Khi đó cả một chung cư, con hẻm ùa vào mua và họ bán hàng như kiểu “điệp viên”, mở cửa he hé để đưa hàng. Hệ lụy, đến giờ tình trạng buôn bán lòng lề đường vẫn cứ tiếp diễn”- bà Lan cho hay.
Bà cho biết, các cơ quan chức năng ở cấp địa phương, UBND TP cũng đã chỉ đạo rốt ráo về việc này. “Tuy nhiên để nó nở rộ ra rồi thì dẹp không phải là chuyện một sớm một chiều, đặc biệt là khi việc này có liên quan đến mưu sinh của rất nhiều người”- bà nói và cho biết đoàn ĐBQH sẽ tiếp tục có kiến nghị về những nội dung mà cử tri bức xúc.