Cử tri yêu cầu nghiêm trị cán bộ ‘suy thoái’

Chiều qua (11-10), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số báo cáo như tổng hợp kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp 4 (khóa XII, dự kiến khai mạc vào ngày 23-10 tới đây); giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp 3; báo cáo giải quyết đơn thư, khiếu nại của cử tri…

Trong các báo cáo này, cử tri đặc biệt lên án tình trạng tham nhũng, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành.

Nhiều nơi bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ sai quy định

Dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân tại kỳ họp 4 của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho hay cử tri bày tỏ sự tin tưởng vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước. Nhất là trước việc xử lý hàng loạt cán bộ sai phạm trong các đại án về kinh tế, tham nhũng ở Vinashin, Vinalines, vụ Nguyễn Xuân Sơn, Phạm Công Danh, PVC, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam… thời gian qua.

Tuy nhiên, cử tri phản ánh việc phát hiện tham nhũng chưa kịp thời, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thực sự hiệu quả. Trong khi đó, tham nhũng nhiều nhưng kết quả thu hồi tài sản tham nhũng thấp. Việc công khai tài sản, thu nhập của cán bộ còn hạn chế.

“Cử tri và nhân dân rất bức xúc về tình trạng lợi dụng quyền hạn làm trái quy định về công tác cán bộ. Việc bổ nhiệm sai quy trình, thiếu và không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành và địa phương. Cụ thể như việc phát hiện 9/11 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu, Yên Bái và Đà Nẵng) có 58 trường hợp bổ nhiệm thiếu tiêu chuẩn. Hay như tỉnh Sóc Trăng có tới 108/550 trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đủ một số tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định” - báo cáo này nêu.

Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí vẫn còn bất cập. Ảnh: QH

Phải xử nghiêm cán bộ về hưu sai phạm

Trình bày báo cáo giám sát giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến kỳ họp 3, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cũng chỉ rõ việc giải quyết kiến nghị của cử tri về đấu tranh phòng, chống tham nhũng lãng phí vẫn còn bất cập. Việc thực hiện công khai, minh bạch còn hình thức, nhất là công khai, minh bạch trong bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ...

“Đặc biệt, một số công chức có biểu hiện lạm quyền, quan liêu, vô cảm, gây bất bình trong nhân dân, điển hình như vụ xin cấp giấy chứng tử tại UBND phường Văn Miếu (Hà Nội). Cùng đó là các vụ xảy ra tại xã Duyên Hà (Hà Nội), xã Yên Thịnh (Thanh Hóa), xã An Bình (Hải Dương),… liên quan đến việc chứng thực lý lịch để hoàn thiện hồ sơ nhập học, xin việc làm...” - bà Hải nói.

Tại các buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai đầu tháng 10, nhiều cử tri đã yêu cầu phải bãi nhiệm ĐBQH với bà Phan Thị Mỹ Thanh, phó bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai. Lý do, bà Thanh có nhiều sai phạm, đã bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định kỷ luật cảnh cáo nên không xứng đáng là đại biểu của dân nữa.

Cử tri Đậu Văn Tạo (thị xã Long Khánh) nói thẳng: “Việc xử lý chậm chạp, để bà Thanh đi tiếp xúc với dân, nói chuyện chống tham nhũng, làm sao dân nghe”. 

Trước thực trạng trên, cử tri đề nghị phải “kiên quyết xử lý những đảng viên, cán bộ, công chức có biểu hiện “suy thoái”, có hành vi tham nhũng, lãng phí, kể cả cán bộ đã nghỉ hưu hay chuyển công tác”.

Cùng đó phải hoàn thiện, sửa đổi quy định pháp luật có liên quan nhằm ngăn chặn những kẽ hở trong công tác tổ chức cán bộ; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị để xảy ra sai phạm”…

Cử tri bức xúc về BOT, quy hoạch đô thị kém

Cử tri cũng phản ánh việc phê duyệt, đầu tư, quản lý và vận hành các trạm BOT giao thông còn nhiều bất cập như việc chỉ định thầu các dự án BOT còn sai phạm, thiếu công khai, minh bạch. Hệ thống hành lang pháp lý chưa rõ ràng, công tác quản lý nhà nước về dự án BOT còn bộc lộ nhiều hạn chế, gây lãng phí và thất thoát lớn cho ngân sách nhà nước. Đặc biệt là đặt các trạm thu phí quá dày, không phù hợp, mức phí quá cao, không hợp lý.

Cử tri kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và chính quyền các địa phương khẩn trương thực hiện rà soát, thanh tra, kiểm tra và chấn chỉnh hoạt động của các dự án BOT giao thông, bảo đảm công khai, minh bạch trong đầu tư, hoạt động.

Bên cạnh đó, cử tri cũng cho rằng việc lập quy hoạch các khu đô thị, các dự án lớn thiếu khoa học, tình trạng các chung cư cao tầng tại các khu trung tâm với mật độ dân cư lớn trong khi hạ tầng chưa đồng bộ. Tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài và úng ngập nghiêm trọng, nhất là khi có mưa lớn hoặc triều cường, gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới