Xung quanh vụ năm công dân cưa cây gỗ trắc chết khô tại rừng đặc dụng Đắk Uy bị Phó Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Trí Tuệ kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu xử lý tội trộm cắp tài sản, PVPháp Luật TP.HCM đã tìm hiểu thực tiễn xử lý hình sự hành vi này ở địa phương. Chúng tôi đã tìm được hai vụ án mà TAND huyện Đắk Hà (Kon Tum) kết án người cưa gỗ trắc trong rừng đặc dụng Đắk Uy về tội hủy hoại rừng (không phải tội trộm cắp tài sản).
Đều xử tội hủy hoại rừng
Vụ thứ nhất, tháng 4-2012, Lê Văn Tùng và tám người khác mang theo hai xe cộ (xe đạp thồ tự chế), bốn cưa tay vào rừng đặc dụng Đắk Uy chia nhau đi tìm cây gỗ trắc và đã cưa hạ được hai cây gỗ trắc. Khi nhóm Tùng vận chuyển gỗ trắc đưa đi tiêu thụ thì bị Công an xã Đắk Mar (huyện Đắk Hà) phát hiện, truy bắt. Tổng cộng nhóm Tùng đã cưa 12 khúc gỗ trắc có tổng khối lượng là 0,963 m3 (trị giá hơn 157 triệu đồng).
Tháng 8-2013, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm đã phạt Tùng và tám đồng phạm từ ba năm sáu tháng tù đến bốn năm chín tháng tù về tội hủy hoại rừng theo Điều 189 BLHS. Sau đó, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm đã giữ nguyên tội danh hủy hoại rừng đối với chín bị cáo và chỉ giảm án cho một người.
Vụ thứ hai, khuya 9-11-2014, Nguyễn Văn Q. cùng ba người khác vào rừng đặc dụng Đắk Uy cưa gỗ trắc, khi đang cắt từng đoạn ngắn để tiện cho việc vận chuyển ra ngoài đi tiêu thụ thì bị lực lượng kiểm lâm thuộc Hạt Kiểm lâm rừng đặc dụng Đắk Uy phát hiện, truy đuổi nên tất cả bỏ chạy. Cây gỗ trắc nhóm này cưa hạ có khối lượng 1,307 m3 (trị giá hơn 160 triệu đồng).
Nhóm Q. bỏ trốn và đều bị truy nã. Ba đồng phạm của Q. lần lượt bị bắt trước và bị khởi tố, truy tố, xét xử về tội hủy hoại rừng. Tháng 9-2017, đến lượt Q. bị TAND huyện Đắk Hà phạt 36 tháng tù về tội hủy hoại rừng...
Năm công dân từng được tuyên trắng án, nay lại phải đối mặt với tương lai bất ổn. Ảnh: NN
Quyết định kháng nghị không thuyết phục
Như vậy, có thể thấy việc áp dụng pháp luật hình sự của chính TAND huyện Đắk Hà (tòa xử sơ thẩm kết án năm công dân về tội trộm cắp tài sản) đã có sự không thống nhất. Bởi lẽ cùng một hành vi cưa gỗ trắc trái phép trong rừng đặc dụng, vụ này TAND huyện Đắk Hà xử về tội hủy hoại rừng, vụ kia lại xử về tội trộm cắp tài sản.
Nhận xét về vụ án của năm công dân, luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM) khẳng định quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao không phù hợp với quy định của pháp luật, gây hoang mang cho những người thực thi công tác xét xử.
Theo luật sư Nghiêm, hành vi cưa gỗ trắc của năm công dân là sai nhưng chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự bởi những lý do sau:
Thứ nhất, Điều 12 Nghị định 157/2013 của Chính phủ (quy định xử phạt vi phạm hành chính về quản lý rừng, phát triển rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) quy định rất rõ người có hành vi lấy lâm sản trong rừng không được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc được phép nhưng đã thực hiện không đúng quy định cho phép bị xử phạt tiền từ 2 triệu đến 8 triệu đồng đối với hành vi khai thác trái phép gỗ trắc dưới 0,3 m3 trong rừng đặc dụng thuộc loài nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA. Trong vụ án này, năm công dân chỉ cưa 0,123 m3, nên không thể xử lý hình sự về hành vi khai thác rừng trái phép theo Điều 175 BLHS 1999.
Thứ hai, theo Thông tư liên tịch số 19/2007 giữa Bộ NN&PTNT, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, VKSND Tối cao, TAND Tối cao (hướng dẫn một số điều của BLHS về các tội phạm trong lĩnh vực quản lý rừng, bảo vệ rừng và quản lý lâm sản) thì chỉ có thể xử lý năm công dân về các tội xâm phạm sở hữu (trong đó có tội trộm cắp tài sản) khi cây gỗ trắc mà các bị cáo cưa thuộc rừng trồng hoặc rừng khoanh nuôi tái sinh. Trong khi đó, rừng đặc dụng Đắk Uy không phải là rừng trồng, rừng khoanh nuôi tái sinh.
“Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của TAND Tối cao không phân tích, lập luận mà chỉ dẫn lại nội dung vụ án, hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm. Lẽ ra TAND Tối cao phải chỉ ra được bản án phúc thẩm của TAND tỉnh Kon Tum áp dụng sai pháp luật ở điểm nào thì mới có tính thuyết phục. Tôi cho rằng kháng nghị giám đốc thẩm yêu cầu TAND Cấp cao tại Đà Nẵng phải xử năm công dân về tội trộm cắp tài sản là không có căn cứ, không vận dụng đúng quy định của pháp luật, gây khó khăn cho hoạt động xét xử của các tòa án sau này. Để pháp luật được hiểu một cách chính xác, tôi sẽ có văn bản kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát kháng nghị này của TAND Tối cao” - luật sư Nghiêm cho biết.
Bốn phiên tòa chưa xong vụ án Theo hồ sơ, anh Phan Tiến Dũng là kiểm lâm Ban quản lý rừng đặc dụng Đắk Uy. Tháng 4-2016, Lê Quốc Khánh xin Dũng vào rừng Đắk Uy cưa cây gỗ trắc chết khô, Dũng cả nể nên đồng ý. Hôm sau, Khánh cùng ba người khác cưa cây gỗ trắc chết khô thì bị phát hiện. Khúc gỗ các bị cáo lấy là 0,123 m3 (trị giá hơn 19 triệu đồng). Tháng 9-2016, TAND huyện Đắk Hà phạt năm bị cáo 12-15 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Năm bị cáo kháng cáo kêu oan, được TAND tỉnh Kon Tum hủy án sơ thẩm. Tháng 9-2017, TAND huyện Đắk Hà xử sơ thẩm (lần hai) vẫn phạt năm bị cáo 11-14 tháng tù về tội trộm cắp tài sản. Tháng 6-2018, TAND tỉnh Kon Tum xử phúc thẩm (lần hai) đã tuyên năm bị cáo không phạm tội. |