Bị truy tố tội hủy hoại rừng, cặp vợ chồng kêu oan

Ngày 22-8, TAND tỉnh Hà Tĩnh mở phiên tòa hình sự xử sơ thẩm vụ án hủy hoại rừng đối với các bị cáo: Phạm Lê Huân, Phan Thị Tâm (vợ ông Huân), Trần Văn Năng, Phạm Đình Cầu, Nguyễn Phi Trường và Phạm Thị Huyền (trú huyện Hương Khê, Hà Tĩnh).

Thuê người phát thực bì rừng để trồng cây tràm

Rất đông người dân đến tham dự phiên tòa nên hội trường xét xử không đủ chỗ cho người dân ngồi dự khán.

Bị cáo Phạm Thị Huyền đứng trước bục khai báo.

Theo hồ sơ, kết luận cáo trạng của VKSND tỉnh Hà Tĩnh, ngày 10-11-2009, Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm ký hợp đồng giao khoán số 32 với vợ chồng ông Huân, bà Tâm. Theo đó, Ban quản lý rừng phòng hộ giao khoán 117 ha đất rừng sản xuất tại các khoảnh 2, 3, 5 thuộc tiểu khu 229 (xã Phú Gia, huyện Hương Khê) cho ông Huân, bà Tâm.

Đến năm 2014, UBND tỉnh Hà Tĩnh có quyết định thu hồi đất lâm nghiệp của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Tiêm để giao lại cho UBND xã Phú Gia quản lý. Ban quản lý rừng phòng hộ đã thông báo cho các hộ nhận khoán đất rừng theo Nghị định 125 của Chính phủ đến làm việc, thống nhất thanh lý, chấm dứt hợp đồng giao nhận khoán, giải quyết quyền lợi các bên liên quan để chuyển hồ sơ về UBND xã Phú Gia thực hiện phương án giao đất, cho thuê đất gắn với giao rừng, cho thuê rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp.

Tuy nhiên, vợ chồng ông Huân, bà Tâm chưa đồng ý thanh lý chấm dứt hợp đồng nhận khoán số 32 mà thuê người vào rừng chặt cây. Trên cơ sở thỏa thuận giữa bà Tâm với nhóm ông Năng (gồm Năng, Cầu, Trường và Huyền) từ việc Tâm thuê nhóm Năng sẻ phát rừng nên ngày 27-2-2016, nhóm Năng cùng đi gặp Huân để nhận rừng và thống nhất các nội dung thuê sẻ phát, chặt phá.

Sau đó, nhóm Năng đến nhà vợ chồng ông Huân (ở thị trấn Hương Khê, huyện Hương Khê) ký hợp đồng kinh tế số 01 (ngày 27-2-2016) với nội dung bà Tâm thuê nhóm Năng sẻ phát thực bì tại rừng Kền Kền thuộc xã Phú Gia. Cầu là người đại diện cho cả nhóm ký hợp đồng với số lượng 25 ha, tiền công 3,5 triệu đồng/ha với tổng tiền 87,5 triệu đồng và thanh toán bằng tiền mặt. Vợ chồng ông Huân yêu cầu phải chặt sát gốc thì mới nghiệm thu thanh toán.

Đối với Năng, Trường, Cầu và Huyền đi nhận rừng và ký hợp đồng, họ được yêu cầu sẻ phát, chặt sạch các cây to nhỏ, kể cả rừng tự nhiên để lấy đất trồng cây keo tràm.

Quang cảnh phiên tòa.

Ngày 8-4-2016, khi cả nhóm đang chặt phá cây rừng ở mái đồi rừng tự nhiên thì bị anh Thái Trà (kiểm lâm viên địa bàn xã Phú Gia) phối hợp với lực lượng công an, dân quân xã Phú Gia lập biên bản, thu giữ cưa săng và đẩy đuổi ra khỏi rừng. Sau đó các nhóm ra về và yêu cầu bà Tâm vào đo đếm, nghiệm thu, thanh toán.

Đến tháng 6-2016, bà Tâm với hai phụ nữ mới vào rừng để đo đếm nghiệm thu rừng cho Năng và thấy một phần diện tích rừng tự nhiên nhóm Năng chỉ chặt những cây nhỏ, chưa cưa cây gỗ to. Nhóm Năng đã được thanh toán 81,3 triệu đồng.

Kết quả điều tra xác định trong hơn 23 ha rừng đã sẻ phát, chặt phá có 41.400 m2 rừng tự nhiên thuộc khoảnh 2 và 5a - tiểu khu 229, xã Phú Gia; mật độ cây gỗ trung bình 230 cây/ha; đường kính gốc cắt trung bình 20,97 cm; chiều cao gốc cắt trung bình 51,3 cm; đường kính trung bình 17,94 cm; chiều cao vút ngọn trung bình 9,67 m; có trữ lượng rừng 29 m2/ha.

Đến ngày 5-1, Huân bị khởi tố bị can và bị tạm giam tại trại tạm giam Công an tỉnh Hà Tĩnh từ ngày 9-1 đến nay. Bà Tâm, Năng, Cầu, Trường, Huyền bị khởi tố bị can từ ngày 29-3 và đang bị áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú.

Cáo trạng nêu trong vụ án này, Huân và Tâm phải chịu trách nhiệm chính về hành vi hủy hoại rừng, các bị can còn lại chịu trách nhiệm với vai trò đồng phạm là người thực hành. Liên quan vụ án còn có một số người liên quan nhưng chưa đến mức và chưa đủ căn cứ xem xét trách nhiệm hình sự. Ngoài ra còn có trách nhiệm của các cá nhân thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, UBND huyện Hương Khê trong công tác chỉ đạo bảo vệ rừng, chỉ đạo thanh lý hợp đồng giao khoán…

Về trách nhiệm dân sự, buộc sáu bị can trên phải liên đới bồi thường cho Nhà nước số tiền hơn 1,4 tỉ đồng.

Sau khi bị khởi tố bị can, vợ chồng Huân, Tâm cùng kêu oan cho rằng chỉ thuê người phát thực bì để trồng rừng cây keo chứ không hủy hoại rừng. 

Triệu tập thêm một số người làm rõ mâu thuẫn

Phiên tòa có mời điều tra viên (ĐTV) Cao Huy Hoàng nhưng ông Hoàng vắng mặt. Một số người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan được triệu tập nhưng không đến tòa.

Hội trường xét xử không đủ ghế ngồi, nhiều người dân phải đứng ngoài cửa sổ theo dõi phiên tòa.

Luật sư (LS) bảo vệ cho hai bị cáo Huân và Tâm cho rằng: “ĐTV Cao Huy Hoàng rất quan trọng nhưng lại vắng mặt. Qua nghiên cứu hồ sơ vụ án thấy rằng có rất nhiều văn bản xác định vị trí rừng, xác định ai là tư cách chủ rừng, trong thời điểm từ năm 2015 đến 2017 có rất nhiều nội dung mâu thuẫn cần làm rõ tại phiên tòa. Đề nghị HĐXX triệu tập đại diện UBND tỉnh Hà Tĩnh, Sở NN&PTNT, chủ tịch Hội đồng Định giá huyện Hương Khê nhằm làm rõ sự thật khách quan căn cứ vào đâu xác định cây gỗ ở hiện trạng mà cáo trạng đang quy kết có phải là rừng hay không, căn cứ vào đâu để xác định đấy là rừng, tiêu chí nào gọi là rừng, hội đồng định giá căn cứ vào đâu để xác định giá trị thiệt hại hơn 360 triệu đồng”.

LS này cũng cung cấp cho HĐXX tài liệu là Quyết định số 1439 năm 2008 của UBND tỉnh Hà Tĩnh xác định tiểu khu 229 không có rừng.

Một LS khác cũng đề nghị triệu tập thêm một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Ông này nói: "Chúng tôi đã phát hiện thêm các chứng cứ mới mà không có trong hồ sơ vụ án hoặc có mà ĐTV không đưa vào tạo bất lợi cho các bị cáo thể hiện sự lòng thòng, lòng vòng của cơ quan điều tra. Có công văn hỏi lòng vòng để đùn đẩy trách nhiệm cho người khác, trong đó có quyết định của UBND tỉnh Hà Tĩnh và tài liệu chứng cứ xác định rằng tiểu khu 229 không có rừng, đó là đất trống đồi núi trọc nhưng không đưa vào hồ sơ vụ án”.

Đại diện VKSND tỉnh Hà Tĩnh giữ quyền công tố tại phiên tòa cho rằng hồ sơ vụ án đã có đầy đủ tài liệu để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo và xét thấy không cần triệu tập theo yêu cầu của LS. Đối với ĐTV thì chủ tọa phiên tòa quá trình xét xử tiếp theo xét thấy cần triệu tập thì có thể triệu tập đến tòa.

LS đáp lại: “Việc triệu tập ĐTV không chỉ là việc làm rõ quá trình điều tra, cung cấp chứng cứ mà trong quá trình điều tra, tôi được tham gia từ giai đoạn khởi tố bị can thì rất nhiều lần bị can Huân và cả tôi đề nghị thay ĐTV vì cho rằng không khách quan trong giải quyết điều tra vụ án mà không được chấp nhận. Do vậy, đến hôm nay, chúng tôi phát hiện ra một số tài liệu chứng cứ có lợi cho bị cáo Huân và Tâm thì không có trong hồ sơ vụ án. Việc triệu tập ĐTV tại phiên xử hôm nay là cần thiết”.

HĐXX tạm nghỉ vào hội ý rồi ra thông báo: “HĐXX cho rằng phiên tòa mở lần đầu vắng mặt một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng và xét thấy vụ án này phức tạp, cần triệu tập thêm một số người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm rõ mâu thuẫn trong vụ án. Vì vậy, HĐXX quyết định định hoãn phiên tòa”.

HĐXX cũng chưa đưa ra thời gian cụ thể mở lại phiên tòa trên.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm