Lâu nay, khi nói đến nhượng quyền mọi người thường nghĩ ngay đến doanh nghiệp (DN) Việt nhận nhượng quyền từ các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới. Tuy nhiên, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM, nhìn nhận nhiều công ty Việt đã dày công xây dựng thương hiệu, sản phẩm có uy tín và xuất khẩu ra thế giới. Vì vậy các thương hiệu Việt có thể nhượng quyền thương hiệu ra nước ngoài.
DN nào cũng có thể nhượng quyền nếu…
Ông Nguyễn Tuấn Quỳnh, đồng sáng lập kiêm Giám đốc Quỹ đầu tư nhượng quyền Go Global Franchise Fund, cho biết hiện nay có nhiều thương hiệu nước ngoài được nhượng quyền tại Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ các tập đoàn lớn mà ngay cả các DN vừa và nhỏ của Việt Nam cũng có thể nhượng quyền mô hình kinh doanh của mình ra nước ngoài.
Ông Quỳnh dẫn chứng đã có ba công ty trong hệ sinh thái của Go Global Holding tiến hành nhượng quyền cho Philippines. Đối tác Philippines cũng đã qua Việt Nam khảo sát, học hỏi để sẵn sàng mở những cửa hàng đầu tiên vào đầu năm 2024.
“Thừa thắng xông lên, chúng tôi đang tiếp tục đàm phán với các đối tác tại thị trường Indonesia, Trung Đông… Điều này minh chứng cho thấy thương hiệu của Việt Nam hoàn toàn có cơ hội nhượng quyền ra nước ngoài chứ không chỉ nhận nhượng quyền” - ông Quỳnh nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Quỳnh cũng cho rằng nhượng quyền không chỉ dành cho ông lớn hoặc trong ngành dịch vụ, thực phẩm, đồ uống mà còn mở ra cho tất cả DN và lĩnh vực khác nhau.
Cùng nhìn nhận trên, bà Nguyễn Phi Vân, chuyên gia nhượng quyền, kể: Malaysia đã đầu tư 2 tỉ USD cho một chương trình đưa thương hiệu và DN trở thành DN quốc tế để mang ngoại tệ về cho quốc gia này. Kết quả đã có nhiều ngành nghề dịch vụ của Malaysia nhượng quyền thành công ra thế giới.
“Điển hình như một công ty sản xuất hàng gia dụng nồi xoong chảo, máy nước nóng, nồi cơm điện… sau đó đóng gói thành mô hình bán lẻ các kiểu máy móc gia dụng. Đến nay đơn vị này đã nhượng quyền khắp nơi tại Malaysia và một số nước trong khu vực” - bà Vân chia sẻ.
Không bán thô, giá trị tăng 30 lần
Đến nay, Công ty cổ phần Sản xuất thương mại xuất nhập khẩu Cà phê Napoli đã thành lập được gần 30 năm. Ông Nguyễn Đức Hưng, Giám đốc công ty, kể sau khi xây dựng xong mô hình quán cà phê vào năm 2013 công ty bắt đầu nhượng quyền và đến nay đã có hơn 3.000 cửa hàng nhượng quyền với thương hiệu Napoli Coffee. Đáng chú ý, công ty đã xuất khẩu mô hình này ra khoảng 40 nước trên thế giới.
Ông Hưng nhấn mạnh: “Cách đây sáu năm khi tham gia hội chợ nhượng quyền lớn nhất thế giới tại Philippines, tôi nhận thấy các công ty trong lĩnh vực ẩm thực, ăn uống của Philippines hoạt động vận hành theo mô hình nhượng quyền và nó đã góp phần làm thay đổi bộ mặt của quốc gia này. Trong khi tại Việt Nam, dù luật pháp tạo điều kiện nhưng về số lượng, quy trình, truyền thông… về nhượng quyền chưa nhiều. Do đó, để nhượng quyền thương hiệu Việt phát triển không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài thì cần truyền thông mạnh mẽ hơn nữa” - ông Hưng nói.
Nhượng quyền máy bay không người lái
Ngay cả những công ty có xuất phát điểm sản xuất sản phẩm nông sản như hành ngò, thịt heo, hủ tiếu… nếu đóng gói được mô hình kinh doanh của mình là có thể nhân rộng. Khi nhân rộng được thì nhà kinh doanh có thể nhượng quyền được.
Ví dụ, vừa rồi tôi làm việc với một công ty sản xuất máy bay không người lái và nhận thấy nếu bán sản phẩm rất khó vì không ai biết sử dụng, tìm người vận hành cũng khó khăn. Sau đó, công ty này đóng gói thành dịch vụ sử dụng máy bay không người lái và hiện dịch vụ này nhượng quyền khắp nơi trên thế giới.
Bà NGUYỄN PHI VÂN, chuyên gia nhượng quyền
Đồng quan điểm, chuyên gia nhượng quyền Nguyễn Phi Vân khẳng định: Từ DN siêu nhỏ đến tập đoàn lớn đều có thể nhượng quyền. Quan trọng là làm sao “đóng gói thành mô hình” vì DN chỉ có thể nhượng quyền mô hình chứ không phải sản phẩm. Ví dụ tại Việt Nam mô hình nhượng quyền sản phẩm dịch vụ cho thú cưng rất phát triển.
“Ưu điểm nổi bật trong nhượng quyền là chúng ta không phải bán sản phẩm thô mà qua kênh này nhà kinh doanh bán tất cả nguyên phụ liệu mình sản xuất để chạm đến khách hàng đầu cuối với giá trị tăng 30-70 lần. Đây là tầm quan trọng của ngành nhượng quyền” - bà Vân chia sẻ.
Coi chừng hợp đồng nhượng quyền bị vô hiệu
Dù nhượng quyền mang lại nhiều lợi ích nhưng luật sư (LS) Trần Duy Cảnh, Công ty luật Dentons, lưu ý: Tại Việt Nam hay ở bất cứ nước nào, lập hợp đồng nhượng quyền là bước rất quan trọng và chứa đựng nhiều rủi ro mà các nhà kinh doanh cần chú ý.
Cụ thể, pháp luật quy định đối với nhượng quyền từ nước ngoài thì người nhận phải đăng ký hoạt động nhượng quyền với Bộ Công Thương. Nếu bên nhận không đăng ký, khi có tranh chấp thì hợp đồng nhượng quyền đó bị tuyên vô hiệu.
Bên cạnh đó, luật quy định bên nhượng quyền phải có hệ thống nhượng quyền hoạt động tối thiểu một năm; nếu chưa hoạt động ngày nào mà đi nhượng quyền là vi phạm.
“Hệ thống nhượng quyền khác với tuổi đời của DN. Ví dụ có công ty đã có mặt ở thị trường 10 năm nhưng chỉ mới đóng gói mô hình để nhượng quyền ba tháng hoặc chưa hoạt động là vi phạm pháp luật” - LS Cảnh dẫn chứng.
Vị LS này cũng cho hay Luật Thương mại và các nghị định hướng dẫn liên quan đến nhượng quyền quy định bên nhận phải có giấy đăng ký kinh doanh phù hợp với ngành nhượng quyền. Ví dụ công ty sản xuất không liên quan đến lĩnh vực ẩm thực, ăn uống mà nhận nhượng quyền thì khi có tranh chấp ra tòa, khả năng sẽ bị tuyên vô hiệu.
“Vừa qua, TAND TP.HCM tuyên vô hiệu hợp đồng nhượng quyền trà sữa do bên nhận là một hộ kinh doanh cá thể không có chức năng kinh doanh ngành nghề trà sữa” - LS Cảnh dẫn chứng.
Kiếm bộn tiền nhờ nhượng quyền
Theo các chuyên gia, nhượng quyền là một trong 10 công cụ, mô hình mang tiền về cho nhà kinh doanh.
Thứ nhất là phí nhượng quyền ban đầu. Đây là phí sở hữu trí tuệ, được trả cho quyền sử dụng thương hiệu tại quốc gia đó trong vòng 10 năm.
Mức phí này phụ thuộc vào giá trị của thương hiệu. Nếu là thương hiệu nước ngoài có tiếng thì mức phí từ 300.000 USD đến 1 triệu USD; đối với thương hiệu Việt Nam, mức phí dao động từ vài chục ngàn USD đến 100.000 USD. Khi thương hiệu của công ty Việt phát triển hơn thì mức phí này tiếp tục tăng.
Thứ hai, phí duy trì thương hiệu, kinh doanh dao động 6%-10% tổng doanh thu. Ví dụ doanh thu một chi nhánh nhượng quyền là 1 tỉ đồng thì công ty nhượng quyền thu về 100 triệu đồng. Doanh thu này tỉ lệ thuận với số lượng chi nhánh của đơn vị nhượng quyền.
Ngoài ra, sau khi hỗ trợ đối tác nhượng quyền, DN thu phí tuyển dụng, phí đào tạo, phí sử dụng phần mềm hoặc nền tảng số…