Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng:

Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng: 'Thanh bảo kiếm' chống tội phạm tham nhũng

(PLO)- Lực lượng cảnh sát kinh tế có vai trò nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 8-8, Cục CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) tổ chức gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát nhân dân (20-7-1962 – 20-7-2022), 66 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát kinh tế (10-8-1956 – 10-8-2022) và đón mừng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Chống tham nhũng “không có vùng cấm”

Thiếu tướng Nguyễn Đức Hiển, Cục phó Cục C03, cho biết trung bình mỗi năm gần đây, lực lượng cảnh sát kinh tế điều tra, khám phá trên 16.000 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu.

Riêng Cục C03 từ năm 2012 đến nay đã trực tiếp phát hiện, điều tra làm rõ hơn 600 vụ án tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên lĩnh vực ngân hàng, tài chính, giao thông, xây dựng, bất động sản…; trong đó có hơn 70 vụ thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi chỉ đạo; đã thu hồi, kê biên với tổng giá trị trên 70.000 tỉ đồng.

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: BCA

Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình (trái) và Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Văn Long. Ảnh: BCA

Đặc biệt, từ sau khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng (tháng 2-2013), nhất là sau Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng đến nay, công tác phòng chống tham nhũng được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo quyết liệt với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”...

Tại buổi gặp mặt, ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao, chia sẻ bản thân rất vinh dự đã từng công tác và trưởng thành từ Cục Cảnh sát kinh tế, đã chỉ đạo cũng như trực tiếp tham gia điều tra, khám phá nhiều vụ án lớn, góp phần vào công tác giữ vững an ninh trật tự, xây dựng phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Bình đánh giá cao sự đóng góp quan trọng của lực lượng cảnh sát kinh tế - lực lượng chủ công, nòng cốt trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm về tham nhũng.

Ngày 15-7, Chủ tịch nước ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho tập thể Cục Cảnh sát kinh tế vì đã có thành tích đặc biệt xuất sắc, đột xuất trong công tác giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

Ông đề nghị lực lượng cảnh sát kinh tế trong thời gian tới tiếp tục phát huy tốt truyền thống của đơn vị anh hùng, để nhân dân ngày càng tin yêu và tự hào về lực lượng cảnh sát kinh tế. Đồng thời không ngừng trau dồi, tìm hiểu những hiện tượng mới, những dấu hiệu mới tiềm ẩn nguy hiểm cho xã hội, đặc biệt trong nhóm tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm tài chính... nhằm phòng ngừa, đấu tranh hiệu quả các loại tội phạm kinh tế và tham nhũng.

Thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước

Thay mặt Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Long, Thứ trưởng Bộ Công an, chúc mừng những thành tích mà lực lượng cảnh sát kinh tế đã đạt được.

Chỉ đạo nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thứ trưởng đề nghị lực lượng cảnh sát kinh tế cần bám sát nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước để nắm tình hình, chủ động tham mưu cho Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn hiệu quả tội phạm với phương châm “lấy phòng ngừa là cơ bản, chiến lược, lâu dài; đấu tranh là trọng tâm, thường xuyên cấp bách”.

Lực lượng cần tập trung làm tốt công tác nghiệp vụ cơ bản, sớm nhận diện các vấn đề tiềm ẩn nhiều sai phạm để tập trung phòng ngừa, ngăn chặn; nâng cao chất lượng công tác phát hiện, điều tra các vụ án, tập trung ngăn chặn thất thoát và thu hồi tài sản tối đa cho Nhà nước, tập thể, cá nhân với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.

Cùng đó là tăng cường phối hợp với các bộ, ban ngành ở trung ương và địa phương trong công tác phòng chống tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trên cơ sở phát huy thế mạnh của từng lực lượng, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong công tác này... Đồng thời, xây dựng đội ngũ cán bộ, chiến sĩ cảnh sát kinh tế thực sự vững vàng về chính trị, pháp luật, giỏi nghiệp vụ, trong sáng về đạo đức, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao trong tình hình mới...

Năm đóng góp to lớn của C03

+ Việc đấu tranh hiệu quả đối với tội phạm kinh tế và tham nhũng đã thiết lập kỷ cương trật tự xã hội, tạo dựng môi trường đầu tư trong nước minh bạch, lành mạnh, tin cậy thực sự thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

+ Việc phát hiện, điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, địa vị chủ thể tội phạm cao đã tạo nên điểm sáng trong công tác chỉnh đốn Đảng, nâng cao niềm tin của nhân dân vào lực lượng công an nhân dân.

+ Thông qua các vụ án lớn, lực lượng cảnh sát kinh tế đã phát hiện được những sơ hở, những thiếu sót trong quy định pháp luật để tham mưu, kiến nghị góp phần xây dựng hoàn thiện hệ thống pháp luật và các giải pháp khắc phục hạn chế trong quá trình thực thi pháp luật.

+ Tội phạm luôn biến chuyển, xuất hiện nhiều tội phạm mới, phi truyền thống. Qua điều tra, khám phá những vụ án, lực lượng cảnh sát kinh tế đã tổng kết nhiều bài học, kinh nghiệm để nâng lên thành hệ thống lý luận chuyên ngành điều tra.

+ Lực lượng cảnh sát kinh tế đã ngày càng trưởng thành, hoàn thiện về tổ chức và đội ngũ ngày càng chính quy, chuyên nghiệp, giỏi chuyên môn...

Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án TAND Tối cao
NGUYỄN HÒA BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm