Trên hai số báo trước, Pháp Luật TP.HCM đã giới thiệu tới bạn đọc đề xuất thí điểm đấu giá biển số ô tô tại dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đang được Bộ Công an lấy ý kiến.
Đây là một chủ trương đúng đắn, nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân cũng như các chuyên gia thông qua các đề xuất về hành lang pháp lý để việc tổ chức đấu giá được thực hiện tốt nhất, hiệu quả cao nhất nhưng vẫn tránh được tiêu cực.
Một trong số đó là đề xuất cho phép người trúng đấu giá được quyền mua, bán, tặng cho, thừa kế biển số xe trúng đấu giá.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp trả lời báo chí về đề xuất đấu giá biển số ô tô. Ảnh: TUYẾN PHAN |
Bộ Công an từng đưa ra phương án cho phép mua, bán
Trả lời báo chí, lãnh đạo Cục CSGT (C08), Bộ Công an cho biết trước đây bộ từng đưa ra hai phương án về quyền của người trúng đấu giá biển số xe.
Trong đó, phương án 1 là người trúng đấu giá được phép sử dụng nhưng không được mua, bán, trao đổi biển số; phương án 2 là cho phép người trúng đấu giá được mua, bán, tặng cho, thừa kế, thế chấp…
Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết về việc thí điểm thực hiện đấu giá biển số, Bộ Công an quyết định đề xuất thực hiện phương án chưa cho phép mua, bán.
Lý do là bởi ở giai đoạn thí điểm, nếu cho phép người trúng đấu giá thực hiện đủ hết các quyền thì sau này khi tổng kết kinh nghiệm mà có sự thay đổi sẽ phát sinh các vấn đề về quyền của những người đã trúng đấu giá ở giai đoạn thí điểm.
Ngược lại, nếu thí điểm không cho phép mua, bán và sau này thực hiện chính thức mà xét thấy cần bổ sung thêm các quyền thì quyền lợi người trúng đấu giá trong giai đoạn thí điểm vẫn được đảm bảo.
Nếu thí điểm cho phép mua, bán biển số xe mà khi tổng kết kinh nghiệm xét thấy cần có sự thay đổi thì sẽ phát sinh vấn đề về quyền của người trúng đấu giá trong giai đoạn thí điểm.
Luật Giao thông đường bộ cấm mua, bán biển số xe
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp, cho biết: Hiện việc đấu giá biển số xe không có vướng mắc gì. Điều 4 Luật Đấu giá tài sản quy định một trong những tài sản đấu giá là “tài sản khác mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá”.
Như vậy, nếu coi biển số xe là một loại tài sản và theo quy định pháp luật chuyên ngành phải bán dưới hình thức đấu giá thay vì bốc số ngẫu nhiên như hiện nay thì đương nhiên nó sẽ được thực hiện bán đấu giá theo quy định.
Về việc người trúng đấu giá biển số có được mua, bán hay không, đại diện Cục Bổ trợ tư pháp cho hay hiện Bộ Công an đang chủ trì xây dựng dự thảo Nghị quyết quy định về đấu giá biển số xe, một trong những nội dung đang được nghiên cứu là quyền của người trúng đấu giá biển số tới đâu.
Dù vậy, theo bà Mai, việc mua, bán biển số xe hiện còn đang vướng quy định tại Điều 8 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, về việc nghiêm cấm mua, bán biển số xe. Do đó, các cơ quan đang nghiên cứu để giải quyết vấn đề này.
Xem xét sửa luật về quyền định đoạt với biển số xe
Biển số xe là một loại tài sản công, có tính đặc thù, bởi ngoài chức năng tài sản thì biển số xe còn là công cụ để quản lý giao thông đường bộ. Chính vì vậy, quyền sở hữu đối với biển số xe bị hạn chế bởi Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Theo quy định pháp luật về dân sự, quyền sở hữu tài sản bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt. Việc hạn chế một trong ba quyền này phải được quy định bằng luật.
Hiện Bộ GTVT và Bộ Công an cũng đang xây dựng hai dự án luật là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, có thể các cơ quan sẽ tính toán việc sửa đổi quy định về quyền định đoạt đối với biển số xe sao cho phù hợp.
Bà Nguyễn Thị Mai, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp, Bộ Tư pháp