Cục CSGT nêu lí do phải tách Luật Giao thông đường bộ

Chiều 10-3, Công an TP.HCM đã tổ chức Hội thảo khoa học: “Nội dung trọng tâm các dự án luật liên quan đến công tác công an”.

 Phát biểu khai mạc, Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM nhấn mạnh vai trò và tầm quan trọng của bốn dự án Luật: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Cảnh sát cơ động.

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (C08) - Bộ Công an đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quy định về trật tự, an toàn giao thông (ATGT) tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 (Luật GTĐB).

Luật GTĐB không quy định rõ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm chính về trật tự, ATGT đường bộ, dẫn đến quá trình thực hiện thiếu nhất quán, đồng bộ, nhất là giữa cơ quan quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và cơ quan quản lý về hạ tầng, kinh tế, kỹ thuật.

Theo ông Bình, qua nghiên cứu, tham khảo pháp luật của nhiều quốc gia, cho thấy không có quốc gia nào ban hành Luật GTĐB bao gồm cả 3 lĩnh vực ATGT, kết cấu hạ tầng và vận tải đường bộ…

Do đó, cần thiết phải tách Luật GTĐB thành hai luật: Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (Luật TTATGTĐB).

Luật TTATGTĐB để xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, mang tính ổn định lâu dài…

Trong khi đó, Luật Đường bộ để phát triển hạ tầng giao thông, quản lý vận tải…

Trình bày tham luận tại hội thảo, một đại biểu ở Công an TP.HCM cho biết: Qua ba năm triển khai thực hiện, Luật Công an nhân dân năm 2018 (Luật CAND) đã tạo cơ sở pháp lý tương đối đầy đủ, toàn diện để lực lượng CAND thực hiện chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho Đảng, Nhà nước về bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật…

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, quá trình thực hiện Luật CAND đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND là cần thiết…

Ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM, ĐBQH Khóa XV cho biết án hình sự tại TP.HCM chiếm từ 1/5 đến 1/6 của cả nước. Việc ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ góp phần một cách tích cực, có hiệu quả vào việc đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương, cơ sở.

Ngoài ra, các ý kiến đều nhất trí cao về sự cần thiết phải ban hành Luật Cảnh sát cơ động…

Một số hình ảnh tại Hội thảo:

Đồng chủ trì hội thảo: GS-TS Nguyễn Thiện Nhân, Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Nguyên Bí thư Thành ủy TP.HCM, ĐBQH Khóa XV; Ngô Minh Châu, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM; Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM.

Thiếu tướng Lê Hồng Nam, Giám đốc Công an TP.HCM phát biểu khai mạc Hội thảo

Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó cục trưởng Cục CSGT (C08) - Bộ Công an 

Các đại biểu nhất trí cao với các dự án Luật liên quan đến công tác công an

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm