Cục Đường bộ lên tiếng về việc giám đốc trung tâm đào tạo lái xe bị bắt

(PLO)-  Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý hoạt động đào tạo lái xe, cố tình gian dối trong hoạt động này.

Sau vụ việc giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở Hòa Bình bị khởi tố, bắt tạm giam, Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi Sở GTVT tỉnh Hòa Bình yêu cầu làm rõ hoạt động của đơn vị này và kiểm tra rà soát toàn bộ hoạt động kinh doanh đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn.

Theo đó,Cục Đường bộ cho rằng Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ ở Hòa Bình vi phạm nghiêm trọng các quy định về quản lý hoạt động đào tạo lái xe, cố tình gian dối trong hoạt động này.

Vì vậy, Cục Đường bộ yêu cầu Sở GTVT Hòa Bình phối hợp tốt với các cơ quan có liên quan, chủ động kiểm tra rà soát, làm rõ hoạt động của trung tâm này và xử lý nghiêm đúng quy định.

Sở GTVT Hòa Bình cũng được yêu cầu kiểm tra rà soát toàn bộ hoạt động kinh doanh đào tạo và sát hạch lái xe trên địa bàn. Khi phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm, có biện pháp để tăng cường quản lý hoạt động đào tạo sát hạch lái xe.

Trước đó, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình đã phê chuẩn các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam của Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hòa Bình đối với Nguyễn Viết Tuấn, giám đốc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ (thuộc Trường cao đẳng nghề Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội), về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.

Cùng bị khởi tố bắt tạm giam về tội danh trên còn có: Đỗ Hồng Quân, tổ trưởng tổ giáo viên dạy lý thuyết; Nguyễn Ngọc Khuyên, tổ trưởng tổ giáo viên thực hành thuộc Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe cơ giới đường bộ, xã Tân Vinh, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Kết quả điều tra ban đầu do không có đủ giáo viên giảng dạy, Nguyễn Viết Tuấn chỉ đạo phòng đào tạo tuyển người để tương ứng với lượng học viên được nêu trong giấy phép cấp đào tạo lái xe.

Tuy nhiên trong thực tế, hầu hết số giáo viên sau khi ký hợp đồng đều không trực tiếp giảng dạy tại trung tâm, mà chỉ đứng tên trên hồ sơ, tài liệu liên quan đến công tác đào tạo, sát hạch.

Để hợp thức hóa hồ sơ đào tạo cho phù hợp với số giáo viên không giảng dạy trên thực tế, giám đốc trung tâm đã chỉ đạo tổ giáo viên lý thuyết, tổ giáo viên thực hành và nhân viên phòng đào tạo giả mạo chữ ký, chữ viết để ghi khống nội dung vào một số tài liệu nhằm hoàn thiện hồ sơ, thủ tục và tránh bị kiểm tra phát hiện.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới