Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra 'nghịch lý' vé máy bay

(PLO)- Vé máy bay nội địa luôn neo ở mức cao, đặc biệt trong dịp lễ 30-4 vừa qua vé nhiều chặng bay vượt sức mua của người dân.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thắng, Cục Hàng không vừa quyết định lập đoàn kiểm tra hoạt động bán vé, kê khai, niêm yết giá vé máy bay của các hãng hàng không trong nước.

Kiểm tra các hãng trong ba ngày

Đoàn kiểm tra Cục Hàng không gồm 10 thành viên do ông Đỗ Hồng Cẩm, Phó cục trưởng Cục Hàng không làm trưởng đoàn. Thời hạn tiến hành kiểm tra là ba ngày làm việc từ ngày 7-5 đến 9-5.

Nội dung, đoàn sẽ kiểm tra là hoạt động bán vé nội địa của các hãng từ đầu năm 2024 đến nay.

Như PLO đưa tin, sáng 3-5, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng yêu cầu Cục Hàng không và Vụ Vận tải khẩn trương tiến hành rà soát, kiểm tra giá vé máy bay.

Theo Bộ GTVT, thời gian vừa qua, tình trạng giá vé máy bay của các hãng hàng không nội địa tăng cao, ảnh hưởng trực tiếp tới nhu cầu đi lại của người dân, nhất là trong dịp cao điểm như kỳ nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa qua.

Vì vậy, Bộ trưởng giao Cục Hàng không khẩn trương rà soát, kiểm tra ngay công tác bán vé, thực hiện kê khai, niêm yết giá, công khai, minh bạch thông tin về giá vé máy bay của các hãng hàng không. Trường hợp phát hiện bất thường, kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh và xử lý ngay vi phạm theo thẩm quyền (nếu có).

Phải xem xét lại giá trần vé máy bay khi các hãng đang lãi lớn

Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra nghịch lý vé máy bay
Cục Hàng không lập đoàn kiểm tra "nghịch lý" vé máy bay

Theo ghi nhận của phóng viên, giá vé máy bay từ đầu năm đến nay tăng hơn cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt từ khi Bộ GTVT nới giá trần vé máy bay theo hướng tăng thêm giá trần từ 50.000 đồng đến 250.000 đồng (tùy từng chặng) từ ngày 1-3.

“Tôi cảm nhận rất rõ việc tăng giá vé máy bay của các hãng hàng không vì thường xuyên di chuyển vào TP.HCM. Mức tăng của các hãng so với năm ngoái tầm 15%” - anh Trương Hà Anh, ngụ ở quận Nam Từ Liêm nhận định.

Đáng chú ý, dịp lễ 30-4 và 1-5, chị Trần Thị My, ngụ ở quận Thanh Xuân, Hà Nội khẳng định giá còn cao hơn cùng kỳ năm ngoái khoảng 20-30%.

“Kỳ nghỉ lễ năm ngoái tôi mua một vé khứ hồi chặng Hà Nội - Phú Quốc chỉ hết hơn 4 triệu đồng, nhưng năm nay rẻ nhất cũng hơn 6,5 triệu đồng đến gần 12 triệu đồng tùy hãng. Các chặng Hà Nội - Huế , Hà Nội - Đà Nẵng giá một vé khứ hồi cũng dao động từ 3 triệu đến 5 triệu đồng; vé Hà Nội - Côn Đảo còn lên tới hơn 7,2 triệu đồng một vé” - chị My nói.

Anh Nguyễn Văn Kiên, ngụ ở quận Đống Đa, Hà Nội, cũng cho rằng dịp lễ 30-4 vừa qua vé máy bay chỉ để phục vụ cho những gia đình "giàu có". Chặng Hà Nội – Sài Gòn có thời điểm vé còn đắt hơn bay sang các nước trong khu vực.

Ngược lại với khó khăn của người dân và ngành du lịch, ba tháng đầu năm 2024, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt doanh thu hợp nhất gần 28.270 tỉ đồng, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, công ty mẹ Vietnam Airlines thu hơn 22.100 tỉ đồng. Đây cũng là mức doanh thu một quý cao nhất kể từ khi Vietnam Airlines chuyển mô hình thành công ty cổ phần từ năm 2015.

Tương tự, hãng hàng không giá rẻ Vietjet cũng ghi nhận những tháng đầu năm lãi hợp nhất gần 540 tỉ đồng khi doanh thu vận chuyển hàng không tăng 38% so với cùng kỳ, lên 17.765 tỉ đồng.

Theo một chuyên gia giao thông, kết quả kinh doanh của các hãng bay thời gian qua cho thấy một nghịch lý là giá vé máy bay vượt sức mua của người dân, từ đó khiến ngành du lịch chao đảo, nhưng các hãng bay đang lãi lớn.

“Tất nhiên là các hãng đang bán vé máy bay không vượt mức trần, theo luật họ không vi phạm quy định. Tuy nhiên, cơ quan chức năng cần làm rõ có phải chúng ta đã vội vàng khi nới giá trần cho các hãng từ đầu năm hay không, đồng thời xem xét trách nhiệm của bên đã tham mưu cho Bộ GTVT về việc tăng giá trần vé máy bay, xác định có hay không vấn đề lợi ích nhóm” - vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm