Ngày 27-4, UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có cuộc họp với ông Vương Hữu Tấn (Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ KH&CN), lãnh đạo Nhà máy thép Pomina3 xoay quanh việc tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất. Tại cuộc họp, cơ quan chức năng đã thông báo kết quả thanh tra của Cục An toàn hạt nhân và bức xạ đối với Nhà máy Pomina3 và xác dịnh nhà máy thép đã vi phạm khi không báo cơ quan chức năng về sự cố mất nguồn phóng xạ trong vòng 24 giờ như quy định.
Khi nói nguy hiểm, lúc bảo vô hại
Trong khi cục phóng xạ bặt vô âm tín nhiều tháng thì đoàn của Cục An toàn bức xạ và hạt nhân thông tin nguồn phóng xạ bị mất không còn… nguy hiểm nữa. Theo ông Tấn, nghiên cứu của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho thấy nguồn phóng xạ thất lạc thuộc nhóm 4 thì không có bất kỳ phát tán nào có nguy hại tới con người, cho dù nó bị cháy nổ. Nếu ai đó nhặt phải, cầm trực tiếp hay đứng gần cục phóng xạ ấy trong nhiều ngày thì mới có thể bị tác động nhưng mức độ ảnh hưởng cũng rất thấp.
Ông Vương Hữu Tấn (đội nón lá, bên phải) dẫn đầu một đoàn dò tìm cục phóng xạ mất ở bãi rác Tóc Tiên (huyện Tân Thành). Ảnh: HUY PHONG
Tuy vậy, thông tin này chưa làm nhiều người hoàn toàn yên tâm. Bởi trước đó, trong cuộc họp khẩn hôm 6-4 cũng ở tỉnh này, chính ông Tấn đã nhấn mạnh nguồn phóng xạ này nếu nằm yên trong bình chì thì không sao nhưng chẳng may khi người dân phá ra sẽ rất nguy hiểm. “Do vậy, tôi phải tham mưu Bộ trưởng Bộ KH&CN ra văn bản khẩn đề nghị nhanh chóng tìm kiếm. Tôi cũng trực tiếp bay vào để phối hợp, chỉ đạo việc tìm kiếm” - ông Tấn nói. Tương tự, trong lúc tìm kiếm, trả lời phóng viên về thông tin phía nhà máy nói liều xạ của nguồn đã giảm sau khi gần hết hạn sử dụng, ông Tấn khẳng định nhà máy nói chưa đúng.
Cũng theo ông Tấn, so với nguồn phóng xạ bị thất lạc ở TP.HCM vào tháng 9-2014 thì nguồn này có cường độ nhỏ hơn nhưng không phải nó không nguy hiểm. Vớihoạt động hiện tại, nguồn bị mất có thể gây ra liều chiếu xạ khoảng 2,5 mSv/giờ trong khoảng cách tiếp xúc 10 cm. Trong khimột người bình thường trong một năm chỉ được phép chịu một liều bức xạ1 mSv trong một giờ. Việc bị ảnh hưởng tùy thuộc vàothời gian, khoảng cách tiếp xúc.
Chuyển hướng điều tra mất trộm
Chiều 27-4, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho hay quan điểm của tỉnh là vẫn phải tập trung tìm kiếm, chấn chỉnh việc quản lý, sử dụng các nguồn phóng xạ. Bởi Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong các địa phương có các đơn vị sử dụng nguồn bức xạ lớn nên không để người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý chủ quan trong việc sử dụng, bảo quản. “Hiện việc tìm kiếm nguồn phóng xạ bị mất vẫn được tiến hành. Tuy nhiên, phương thức tìm kiếm sẽ thay đổi để tránh kéo dài mà không đạt hiệu quả. Sắp tới công an tỉnh sẽ tập trung vào điều tra như một vụ mất trộm tài sản”.
Đại tá Bùi Văn Thảo, Phó Giám đốc Công an tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cho biết thêm công an tỉnh đã làm việc với lãnh đạo, cán bộ, công nhân của nhà máy thép. Qua đó có thể khẳng định thời điểm mất nguồn phóng xạ (phát hiện mất ngày 17-11-2014) theo tường trình của ông Đào Hữu Hùng, nhân viên an toàn bức xạ cũ của nhà máy thép có cơ sở là đúng. Hiện công an tỉnh cũng đã liên hệ với Cục Truy nã tội phạm (C52, Bộ Công an) và công an các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương để nắm danh sách các cơ sở nấu chì, tiếp tục tìm kiếm nguồn phóng xạ. Ngoài ra, liên quan đến sai phạm của cá nhân, tổ chức trong việc để mất phóng xạ thì công an cũng đang trao đổi với VKSND tỉnh để có hướng xử lý.