ÔNG VŨ QUỐC HÙNG, CỰU PHÓ CHỦ NHIỆM UBKT TRUNG ƯƠNG:

Cuộc chiến chống ‘nội xâm’ của Đảng là chân chính

Nhận định về quyết tâm đấu tranh, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm của Đảng trong thời gian qua, ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương, nói với Pháp Luật TP.HCM: “Hoạt động của Đảng, nhất là công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng có biểu hiện mới đáng mừng, có những bước tiến vững chắc, tuy mới chỉ là bước đầu”.

Đảng đang “nói đi đôi với làm bằng một tiến độ vững chắc”

. Phóng viên: Ông có nhận định gì khi kể cả những ủy viên trung ương về hưu cũng bị xử lý, kỷ luật như từ đầu khóa XII tới nay?

+ Ông Vũ Quốc Hùng: Đảng đã nhìn thẳng vào sự thật và các nghị quyết của Đảng đã đặt ra những nguyên tắc nền móng cho công tác xây dựng, chỉnh đốn. Đảng đang nói đi đôi với làm bằng một tiến độ vững chắc. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh đó mới chỉ là bước đầu bởi 27 biểu hiện suy thoái trong Đảng và định tính, định lượng các vấn đề cần tiếp tục làm rõ.

Trung ương vừa rồi đã có sự gương mẫu, làm từ trên xuống nên dù là ủy viên Bộ Chính trị vừa được bầu, ủy viên Trung ương, cán bộ cao cấp, dù là về hưu cũng bị xử lý. Trước đây cũng có những người về hưu bị xem xét kỷ luật nhưng bây giờ việc này mạnh hơn, kiên quyết hơn với số lượng nhiều hơn.

. Tức là nguyên tắc “không có vùng cấm, vùng tránh” thể hiện rõ trong hành động, thưa ông?

+ Quy mô xây dựng, chỉnh đốn mà Nghị quyết Trung ương 4 nói “một bộ phận không nhỏ”, theo nhân dân là vẫn chưa hết. Tuy vậy, quyết tâm chính trị của Trung ương, trực tiếp là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng, Nhà nước là kết quả bước đầu đáng ghi nhận…

Ai cũng mong đợi tới đây vấn đề chỉnh đốn Đảng cần làm tiếp, sâu sắc hơn. Kinh nghiệm như ta thấy trường hợp bà phó bí thư tỉnh Đồng Nai, sau khi bị kỷ luật, bà có đơn khiếu nại. UBKT Trung ương đã vào cuộc xem xét và thấy rằng các vi phạm còn nghiêm trọng hơn nên cách xử lý cũng kiên quyết hơn.

. Có điều tôi nghĩ chưa bao giờ cuộc chiến này dễ dàng, bằng phẳng, thuận lợi dù nó diễn ra ở bất cứ nơi đâu, trong bất cứ thể chế nào.

+ Loại bỏ cái cũ, thay bằng cái mới đã khó rồi, phương chi đây là “cuộc chiến đấu tranh xây dựng đảng”. Lực lượng bị đấu tranh bao giờ cũng có phản kháng. Những người trung gian cũng không loại trừ có tâm lý e ngại, sợ liên lụy… Đó là một lẽ tự nhiên. Đúng là làm sao cần có sự thống nhất cao hơn, người ủng hộ chống tiêu cực phải nhiều hơn.

Ông Vũ Quốc Hùng, cựu Phó Chủ nhiệm Ủy ban  Kiểm tra Trung ương

Các giải pháp thì các nghị quyết nêu rồi nhưng tôi nhấn mạnh: Những người cầm cân nảy mực, từ Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các ban đảng, trong đó có UBKT Trung ương phải vào cuộc thực sự. Nhân dân muốn chúng ta hành động chứ không phải hô khẩu hiệu.

. Những việc xử lý cả ủy viên Bộ Chính trị, cả những ủy viên Trung ương về hưu cho thấy đây không phải là khẩu hiệu...

+ Điều đó, như tôi đã nói, đã khôi phục, tăng cường từng bước niềm tin với Đảng, Nhà nước dù vẫn còn có người hoài nghi. Cũng bởi một lẽ đơn giản rằng: Nếu chúng ta cứ mở hội nghị, hô khẩu hiệu thì dân càng chán. Phương châm của Đảng thể hiện qua các hành động thời gian qua luôn là: Hành động, hành động, hành động hơn nữa. Cẩn trọng, cẩn trọng, cẩn trọng hơn nữa. Quyết liệt, quyết liệt, quyết liệt hơn nữa. Quan trọng nhất, những người “chỉ huy” tham gia cuộc chiến chống nội xâm phải trong sáng và phải có trình độ để phán xét sai phạm.

“Đây là cuộc chiến chống nội xâm chân chính”

. Có điều là, thưa ông, nhiều ý kiến vẫn lo ngại đây không hẳn là cuộc chiến chống tham nhũng…

+ Ý kiến trái ngược nhau cũng là bình thường. Và ngay trong nội bộ cũng có người nhụt chí, rồi còn có người xuyên tạc, rồi người hiểu nhầm. Tuy vậy, ta phải nói với nhau rằng: Đây là cuộc chiến chống nội xâm và giải quyết vấn đề trong nội bộ. Sẽ xảy ra trường hợp có người hôm trước là đồng chí, là lãnh đạo của mình nhưng hôm sau họ thành bị can, bị cáo. Làm sao để chuyển đổi cái đó? Chắc chắn không phải “lấy yêu nên tốt, lấy ghét nên xấu”.

Chỉ có một cách là phải căn cứ vào các quy định và xử lý thật công minh. Lâu nay việc thực hiện công minh, chính xác, kịp thời của UBKT Trung ương đã bước đầu tạo niềm tin cho dân.

. Tôi và chắc nhiều người cũng băn khoăn cuộc chiến chống nội xâm ông nói sẽ đi đến đâu, Đảng có làm đến cùng không, mục tiêu cuối cùng của cuộc chiến này là gì?

+ Điều băn khoăn ấy cũng là tự nhiên. Tôi khẳng định động cơ tiến hành cuộc chiến này là chân chính, là đúng ý dân. Không có chuyện phe này, phe kia, mà đó là cuộc chiến của những người chống tiêu cực tích cực.

Đây là việc đấu tranh xây dựng nội bộ, đan xen nhiều mối quan hệ khác nhau. Bởi vậy những người có trách nhiệm phải đặt cái chung lên trên hết, không thể quyến luyến. Dĩ nhiên, cũng có những trường hợp “há miệng mắc quai”… Thế nhưng Tổng Bí thư đã nói: “Nhụt chí thì đứng sang một bên”. Không phải chỉ bản thân những người nhụt chí phải đứng sang một bên, mà ngay cả tổ chức cũng phải để họ đứng sang một bên.

. Xin cám ơn ông.

Phải xây dựng thế hệ cán bộ lãnh đạo tương lai thế nào?

. Thiết nghĩ song song với cuộc chiến chống nội xâm thì cũng cần xây dựng đội ngũ cán bộ chiến lược, đủ tầm, đủ năng lực xứng với nhiệm vụ như Hội nghị Trung ương 7 thảo luận.

+ Đây là vấn đề hết sức quan trọng hiện nay. Ông cha ta dạy hiền tài là nguyên khí quốc gia. Qua các giai đoạn lịch sử, cha ông ta đã làm sâu sắc, cụ thể hơn các cách thức tuyển dụng hiền tài. Bởi vậy việc tìm kiếm, đào tạo, bồi dưỡng lãnh đạo chiến lược gồm những phẩm chất gì cần phải tham khảo, noi gương cha ông…

Nhưng cũng không nói đâu xa, tấm gương của các đồng chí cách mạng tiền bối sẽ là những mẫu gương để các lãnh đạo, nhất là lãnh đạo trẻ phải học tập. Các vị luôn học trong dân, bám sát dân, tiếp thu ý kiến của dân. Tâm của các vị trong sáng, gắn bó với dân, không sợ hy sinh… Ngày mai có thể lên máy chém thì hôm nay vẫn không sợ. Khí tiết ấy vẫn còn nguyên giá trị.

Thế nhưng bây giờ có cái kiểu “con ông cháu cha, con vua lại làm vua”, muốn có chức phải có tiền, không tính đến tiêu chuẩn, tiêu chí, không thử thách, không hỏi dân... thì chỉ có “chết” thôi.

Các lãnh tụ, lãnh đạo trước đây giáo dục con cái thế nào? Họ không xăm xăm đặt con mình vào các vị trí. Tôi có thời gian phục vụ trong quân đội, rất nhiều con của các lãnh đạo cao cấp chọn con đường đi bộ đội, phục vụ trong quân đội và có người đã hy sinh…

Thế tại sao giờ nhiều lãnh đạo phải chọn chỗ “ngon” cho con bất chấp kỷ cương, nguyên tắc, thủ tục? Một vài người thôi chưa đủ, lại còn kéo theo bầy, hình thành “lợi ích nhóm”.

Vì vậy tôi cho rằng từ truyền thống dân tộc đến thực tiễn, cùng với các quy định của Đảng, chống nội xâm, đấu tranh xử lý nội bộ để xây dựng Đảng vững mạnh thì không có gì phải phân vân. Tháo gỡ những khó khăn hiện nay, nếu căn cứ vào các quy định của Đảng và thực sự vì dân thì không có gì khó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm