'Không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và mang tính xây dựng. Nội dung phong phú, đa dạng, khá sâu sắc và toàn diện”.
Trước diễn đàn QH, đại biểu (ĐB) Dương Trung Quốc (Đồng Nai) cho rằng: “Chúng ta thảo luận về cải cách hành chính nhưng dường như chưa ai nói đến việc có hay không tình trạng mua quan bán chức, kể cả thông tin liên quan đến bản án của một cựu ĐBQH xem có chạy làm ĐBQH được không. Tôi nghĩ QH cũng phải làm rõ cho dân để tăng cường lòng tin đối với bộ máy của Nhà nước ta”.
Theo ĐB Quốc, suy thoái đạo đức là vô cùng nguy hiểm bởi kinh tế chúng ta có thể vực dậy được, đôi khi chỉ nửa nhiệm kỳ nhưng suy thoái đạo đức không dễ vực dậy. “Phải quan tâm nhiều hơn đến lĩnh vực này để chúng ta nhìn nhận nó mà phát triển một cách bền vững” - ông Quốc đề nghị.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa đang phát biểu. Ảnh: QH
Về công tác cán bộ và hiệu lực bộ máy hành chính, ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cho hay nhiều cử tri nhìn nhận “trên đã nóng nhưng dưới còn lạnh”. “Nhưng trên tiếp tục nóng thì dưới phải nóng theo, ai không nóng thì thay người khác” - ông Nghĩa nói thế và cho rằng “Chúng ta đã chứng kiến và đang giải quyết hậu quả khủng khiếp của nạn cán bộ yếu kém, hư hỏng và tham nhũng, móc ngoặc với những nhóm lợi ích xấu để chiếm đoạt các tài nguyên và cơ hội ở diện rộng, quy mô lớn, để lại những món nợ công khổng lồ vài chục năm sau chưa thể trả xong... Đây là giặc nội xâm đúng nghĩa”.
Theo ĐB Nghĩa, nhân dân hoan nghênh việc công khai, minh bạch về những dự án thua lỗ, nợ công, vi phạm về kinh tế, môi trường; việc xử lý trách nhiệm của các cá nhân. “Nhưng nhiều cử tri từ dân thường đến lão thành cách mạng đều đề nghị là phải tịch thu các tài sản bất minh nếu không chứng minh được nguồn gốc hợp pháp, bởi bỏ tù hay tử hình cũng không giảm được thiệt hại cho đất nước. Kế đó, cần kiên quyết hơn và triệt để hơn trong các vụ án tham nhũng vì nếu không sẽ phản tác dụng” - ông Nghĩa đề nghị.
Cuối cùng, ĐB Trương Trọng Nghĩa cho rằng quan trọng nhất vẫn là cần đột phá trong tinh giản bộ máy cán bộ, công chức. “Nhất là phải có biện pháp đồng bộ, hợp lý nhưng kiên quyết bởi cỗ xe hành chính đã sắp chết máy vì chở quá nhiều người, chở quá nặng và sẽ hết xăng” - ông Nghĩa nói.