Cuộc chiến Gaza và sự sốt ruột của ông Biden

(PLO)- Ngày càng sốt ruột về cuộc chiến ở Gaza nhưng để cuộc chiến kết thúc không phải là điều dễ dàng với Tổng thống Mỹ Joe Biden khi thách thức liên tục xuất hiện, từ thực địa chiến trường Gaza đến những thay đổi chính trường Israel.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Những tuần gần đây, Tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực thúc đẩy quá trình đàm phán kết thúc cuộc chiến ở Gaza. Tuy nhiên đây là điều không dễ dàng khi thách thức không ngừng xuất hiện.

Hôm 8-6, quân đội Israel đột kích tại trại tị nạn Nuseirat (TP Deir al-Balah, miền trung Gaza) để giải cứu 4 con tin bị bắt hôm 7-10-2023. Theo Cơ quan Y tế Dải Gaza, chiến dịch giải cứu con tin trên của quân Israel đã khiến 274 người Palestine thiệt mạng và 698 người bị thương.

Cuộc chiến ở Gaza
Tổng thống Mỹ Joe Biden đang sốt ruột chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Ảnh: REUTERS

Ngày 9-6, Bộ trưởng Benny Gantz – thành viên của đảng Liên minh quốc gia – tuyên bố rút khỏi nội các chiến tranh Israel. Ông Gantz cũng cáo buộc Thủ tướng Israel - ông Benjamin Netanyahu ngăn cản Israel đạt được “chiến thắng thực sự” trong cuộc chiến với Hamas.

Hai thế khó song song

Việc 4 con tin được cứu là khoảnh khắc vui mừng cho gia đình họ và cho toàn thể người dân Israel. Tuy nhiên, tổn thất nhân mạng trong chiến dịch này khiến nhiều người phẫn nộ. Theo đó, vụ việc có thể khiến cộng đồng quốc tế thêm cô lập Israel.

Về phía Mỹ, vụ giải cứu 4 con tin có thể đẩy ông Biden thêm xa cách với những người kêu gọi kết thúc cuộc chiến ở Gaza. Những người này phản đối sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel cũng như việc Mỹ không hành động đủ để bảo vệ dân thường.

Về việc ông Gantz từ chức, ông nói rằng sau khi Hamas tấn công Israel vào ngày 7-10-2023, “giống như hàng trăm nghìn người Israel yêu nước, tôi và các đồng nghiệp cũng đã…tham gia” liên minh dù biết "đó là một chính phủ yếu kém. Thật không may, ông Netanyahu đã ngăn chúng ta tiến tới chiến thắng thực sự. Đó là lý do tại sao chúng tôi rời khỏi chính phủ khẩn cấp ngày hôm nay, với trái tim nặng trĩu".

Theo CNN, đảng của ông Gantz không có trong liên minh cầm quyền của Israel hiện tại, nên việc ông từ chức khó có thể khiến chính phủ ông Netanyahu sụp đổ ngay lập tức.

Tuy nhiên, việc ông Gantz rời nội các chiến tranh có thể khiến ông Netanyahu phụ thuộc nhiều hơn vào các thành viên cực hữu trong liên minh hiện tại của ông. Điều này có thể làm tăng nguy cơ leo thang cuộc chiến, thậm chí có thể khiến cuộc xung đột lan rộng ra toàn khu vực.

2024-06-09t175342z-1313985304-rc2t78ajn5wf-rtrmadp-3-israel-palestinians-politics-gantz-copy.webp
Ông Benny Gantz hôm 9-6. Ảnh: REUTERS

Sự rời đi của ông Gantz cũng có thể khiến việc thông qua thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Hamas thêm khó khăn, vì ngoài ông Netanyahu thành viên chủ chốt còn lại của nội các chiến tranh là Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant. Ông Gallant cũng thuộc đảng Likud của ông Netanyahu và có quan điểm cứng rắn về cuộc chiến với Hamas.

Tình trạng này có thể gây cản trở các nỗ lực của chính quyền ông Biden nhằm kết thúc cuộc chiến ở Gaza.

Mỹ có thể tìm lối thoát cho cuộc chiến ở Gaza?

Nói về việc Israel giải cứu 4 con tin, hôm 9-6, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết lực lượng Mỹ đã hỗ trợ Israel trong việc giúp xác định vị trí của những con tin, nhưng khẳng định lực lượng Mỹ không tham gia trực tiếp vào hoạt động trên.

“Những người vô tội đã thiệt mạng một cách bi thảm trong chiến dịch này. Con số chính xác thì chúng tôi không biết, nhưng những người vô tội đã thiệt mạng. Và điều đó thật đau lòng. Điều đó thật bi thảm” – ông Sullivan cho hay.

Ông Sullivan cũng kêu gọi ủng hộ thỏa thuận ngừng bắn hiện tại ở Gaza.

“Cách tốt nhất để đưa tất cả con tin về nhà và bảo vệ thường dân Palestine là chấm dứt cuộc chiến ở Gaza. Và cách tốt nhất để kết thúc cuộc chiến này là Hamas phải đồng ý với thỏa thuận mà Tổng thống Biden đã công bố và Israel đã chấp thuận” – Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan.

Nhưng những bình luận của ông Sullivan không thể làm thay đổi tình hình hiện tại của ông Biden.

Ông Biden đã liên tục bị những người biểu tình ủng hộ Palestine chỉ trích tại các sự kiện vận động tranh cử của ông. Bên cạnh đó, cuộc đột kích giải cứu con tin và diễn biến hỗn loạn mới trên chính trường Israel diễn ra sau khi ông Biden công bố đề xuất thỏa thuận ngừng bắn mới giữa Israel và Hamas đã khiến triển vọng ngừng bắn thêm xa vời.

f37432cf-943e-41f8-a4ae-9d214298a894.jpg
Khói bốc lên sau cuộc không kích của Israel vào TP Gaza (bắc Gaza) vào ngày 11-6. Ảnh: AFP

Đề xuất thỏa thuận ngừng bắn nói trên được các nhà lãnh đạo G7 và phía Hamas hoan nghênh. Trong khi đó, ông Netanyahu khẳng định chiến sự sẽ không kết thúc cho đến khi Hamas bị đánh bại.

Ông Aaron David Mille – nhà đàm phán hòa bình Trung Đông cho nhiều tổng thống Mỹ – cho rằng Thủ tướng Israel sẽ cố gắng cầm cự đến thời điểm bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. “Ông ấy không thể bỏ phiếu trong cuộc bầu cử của Mỹ, nhưng nếu có thể, tôi không biết ông ấy có bỏ phiếu cho ông Joe Biden hay không” – ông Mille nói.

Một số chuyên gia Mỹ tin rằng Israel sẽ không thể đánh bại hoàn toàn Hamas và nhóm này dường như khó có thể chấp nhận thỏa thuận hòa bình dẫn đến việc họ mất quyền lực ở Gaza.

“Để đánh bại Hamas về mặt chính trị, bạn phải đưa vào [quá trình đàm phán] một yếu tố khác. Bạn sẽ cần một số vai trò của Chính quyền Palestine. Tổng thống Biden đã nói rõ rằng Mỹ sẽ là đối tác nhưng cần Israel ủng hộ vai trò này. Tuy nhiên, họ [Israel] không sẵn lòng ủng hộ. Vì vậy, tôi nghĩ những gì chúng ta có thể thấy là cuộc chiến ở Gaza sẽ tiếp tục diễn ra trong một thời gian nữa, mặc dù ở mức độ thấp hơn” – ông Fareed Zakaria, chủ tịch danh dự tổ chức nghiên cứu Council on Foreign Relations (Mỹ), cho biết.

Hamas: Đã sẵn sàng cho một thỏa thuận ngừng bắn toàn diện

Trong bài phát biểu trên truyền hình hôm 16-6, lãnh đạo Hamas – ông Ismail Haniyeh cho biết quan điểm của Hamas phù hợp với các nguyên tắc trong đề xuất thỏa thuận ngừng bắn do Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra hôm 31-5, theo hãng tin Reuters.

“Hamas và các nhóm [vũ trang ở Palestine] đã sẵn sàng cho một thỏa thuận toàn diện, bao gồm lệnh ngừng bắn, rút khỏi dải đất, tái thiết những gì đã bị phá hủy và một thỏa thuận trao đổi toàn diện [tù nhân người Palestine]” – ông Haniyeh nói.

Ai Cập, Qatar, Mỹ là những quốc gia trung gian hòa giải giữa Hamas và Israel trong thời gian qua. Hôm 11-6, đại diện nhóm trung gian hòa giải này cho biết họ đã nhận được phản hồi từ các nhóm vũ trang Palestine đối với đề xuất thỏa thuận ngừng bắn mà ông Biden đề cập, nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết về vấn đề này.

Về phía Israel, đại diện nước này cho biết Hamas bác bỏ các yếu tố chính trong đề xuất thỏa thuận ngừng bắn được phía Mỹ công bố. Tuy nhiên, trả lời Reuters, đại diện Hamas cho biết những ý kiến bác bỏ mà họ đưa ra là “không đáng kể”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm