Cả Trung Quốc (TQ) và Ấn Độ đều đang nỗ lực hết sức trong cuộc chiến ngoại giao vaccine COVID-19 để tranh thủ sự ủng hộ cũng như mở rộng ảnh hưởng của mình ở các nước trong khu vực. Điều thú vị là Ấn Độ đã cho thấy sự thắng thế rõ rệt trước TQ trong cuộc chiến này khi thu hút được nhiều nước khu vực ngả sang mình hơn.
Bộ trưởng Y tế và Dân số Nepal - ông Hridayesh Tripathi (trái) và Đại sứ Ấn Độ tại Nepal - ông Vinay Mohan Kwatra (phải) trong buổi nhận vaccine COVID-19 từ Ấn Độ gửi sang ngày 21-1. Ảnh: Tài khoản Twitter của Ngoại trưởng Ấn Độ S. Jaishankar
Với Trung Quốc, vaccine COVID-19 là công cụ
Với một nước lâu nay luôn tận dụng từng cơ hội để mở rộng sự hiện diện và ảnh hưởng ở khu vực thì dĩ nhiên TQ không bỏ qua công cụ vaccine COVID-19. Hơn nữa với TQ, ngoại giao vaccine đặc biệt quan trọng khi nước này cần phải sửa chữa hình ảnh mình là nơi khởi phát đại dịch.
Tới thời điểm này không có nhiều thông tin chuyện TQ hỗ trợ vaccine cho các nước. Campuchia, theo mô tả của báo South China Morning Post là nước thân thiết nhất với TQ trong khối Đông Nam Á đã nhận một triệu liều từ TQ nhưng sau đó lại hỏi một triều liều nữa từ Ấn Độ.
Theo hãng tin Reuters, Pakistan cho biết TQ sẽ gửi tặng 500.000 liều vaccine của Sinopharm vào ngày 31-1. 500.000 liều nữa sẽ được gửi sang trong tháng 2.
TQ có nói sẽ gửi miễn phí cho Bangladesh 110.000 liều vaccine của Công ty Sinovac Biotech nhưng kèm điều kiện Bangladesh phải chia sẻ phí phát triển vaccine (chính sách TQ áp dụng với tất cả các nước). Tới giờ Bangladesh vẫn chưa chịu góp tiền nên TQ vẫn chưa gửi vaccine sang.
TQ cũng tranh thủ Nepal với lời hứa sẽ giúp đối phó đại dịch, đồng thời hứa hẹn sẽ gửi vaccine sang tặng một khi Nepal phê duyệt sử dụng vaccine của Công ty Sinopharm. Tuần trước, phía Nepal tiếp tục yêu cầu Sinopharm “gửi thêm tài liệu và thông tin”.
TQ đã đề nghị được hỗ trợ vaccine miễn phí cho Myanmar và Philippines. Theo báo New York Times, tại Philippines, nhiều nghị sĩ chỉ trích quyết định của chính phủ mua vaccine của Sinopharm. Người dân ở Malaysia, Singapore lo ngại hiệu quả của vaccine TQ khiến quan chức các nước này phải lên tiếng rằng sẽ chỉ phê duyệt vaccine TQ một khi chứng minh nó an toàn và hiệu quả. Ít nhất 24 nước ký thỏa thuận mua vaccine của TQ.
Tôi sẽ chỉ tiêm vaccine Ấn Độ. Tôi sẽ không tiêm vaccine nào khác. Cựu bộ trưởng Viễn thông và Thông tin Bangladesh TARANA HALIM nói với báo This Week in Asia |
Với Ấn Độ, vaccine COVID-19 là cơ hội
Nếu với TQ vaccine COVID-19 là công cụ để mở rộng ảnh hưởng ở khu vực thì với Ấn Độ đây là một cơ hội. Việc TQ đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ Sáng kiến Vành đai và Con đường, như xây dựng cảng biển, đường sá, nhà máy điện… ở các nước Sri Lanka, Nepal, Maldives đã khiến Ấn Độ rất bất an thời gian qua. Giờ Ấn Độ đã có cơ hội ngăn ảnh hưởng của TQ ở khu vực với việc đáp ứng nhu cầu vaccine COVID-19 của các nước.
Ấn Độ bắt tay gửi vaccine cho các nước chỉ bốn ngày sau khi khởi động chiến dịch tiêm chủng trong nước. Reuters dẫn nguồn tin chính phủ Ấn Độ cho biết nước này dành riêng tới 20 triệu liều vaccine hỗ trợ miễn phí cho các nước láng giềng trong một tháng tới. Loại vaccine mà Ấn Độ dành gửi cho các nước là Covishield được sản xuất theo công thức của ĐH Oxford và hãng dược AstraZeneca (Anh) - loại vaccine được đánh giá cao nhất ở Ấn Độ hiện nay. Theo chương trình Vaccine Maitri của Ấn Độ, các thùng vaccine tên Covishield đã và đang đến các nước Maldives, Nepal, Bhutan, Bangladesh, Myanmar, Mauritius, Seychelles, Sri Lanka. Campuchia sẽ nhận vào tháng tới.
Ngày 20-1, Ấn Độ đã gửi 150.000 liều sang Bhutan, gửi 100.000 liều sang Maldives. Trong khi TQ đợi Bangladesh góp phí phát triển mới gửi vaccine thì ngày 21-1 Ấn Độ đã gửi miễn phí hai triệu liều cho nước này. Bangladesh đã nói rõ ngoài số được hỗ trợ miễn phí thì nước này sẽ mua thêm 30 triệu liều nữa từ Ấn Độ.
Trong khi lần lữa phê duyệt vaccine của TQ thì Nepal đã phê duyệt vaccine Covishield của Ấn Độ và ngày 21-1 Ấn Độ đã gửi sang Nepal một triệu liều. Sau động thái này, Nepal cho biết khả năng sẽ mua thêm bốn triệu liều nữa từ Ấn Độ.
Ngoài các nước láng giềng, Ấn Độ cũng lên kế hoạch cung cấp vaccine cho các nước ngoài khu vực như Brazil, Morocco, Saudi Arabia, Nam Phi. Ấn Độ đã hứa sẽ gửi cả tỉ liều vaccine cho chương trình Covax của Tổ chức Y tế Thế giới để cung cấp cho các nước nghèo. Tuần trước, Ngoại trưởng Ấn Độ Harsh Vardhan Shringla cho biết đã có 92 nước muốn ký hợp đồng mua vaccine từ Ấn Độ.
Lợi thế của Ấn Độ
Theo báo Japan Times, quy mô hỗ trợ vaccine của Ấn Độ là không có đối thủ. Không nước nào cung cấp miễn phí hàng triệu liều vaccine cho nước khác, ngay cả TQ.
So với TQ, Ấn Độ có lợi thế là một trong những nước sản xuất thuốc lớn nhất thế giới với sáu nhà sản xuất vaccine và cung cấp tới 60% lượng vaccine toàn thế giới. Trước thời điểm chính phủ Ấn Độ duyệt sử dụng hai loại vaccine Covishield và Covaxin (đầu tháng 1) thì Viện Huyết thanh Ấn Độ - đơn vị sản xuất vaccine lớn nhất thế giới đã có sẵn trong kho 70-80 triệu liều vaccine Covishield, đủ để chia sẻ với các nước khác.
Không giống một số loại vaccine khác - như của Pfizer/BioNTech - cần phải trữ độ lạnh sâu hơn, vaccine Covishield có lợi thế lớn nhờ có thể trữ và vận chuyển ở nhiệt độ tủ lạnh thông thường. Ấn Độ còn giúp huấn luyện nhân viên y tế ở các nước trong việc dựng các trung tâm vaccine đúng chuẩn, trữ lạnh vaccine thế nào, đến việc tiêm chủng và theo dõi phản ứng.
Một lợi thế không nhỏ nữa là Ấn Độ không phải chịu cách nhìn nhận tiêu cực liên quan đến nguồn gốc COVID-19 như TQ. Nhiều người ở Ấn Độ thậm chí đã lợi dụng điểm này đưa ra các câu tuyên truyền dạng như nước (TQ) gieo rắc dịch bệnh, nước (Ấn Độ) cung cấp cách phòng ngừa.•
Theo nhiều nhà quan sát, hỗ trợ miễn phí vaccine COVID-19 là cơ hội tốt để Ấn Độ cải thiện quan hệ với các nước láng giềng và khôi phục phần ảnh hưởng đã bị mất. Bangladesh nhiều năm nay bất mãn với luật công dân của Ấn Độ vốn xem nhẹ quyền lợi của người Hồi giáo và bất đồng quanh chuyện chia sẻ nguồn nước sông Teesta. Với Nepal, đây là cơ hội để Ấn Độ giành lại ảnh hưởng sau nhiều năm chỉ biết quan sát trong bất an cảnh TQ đầu tư hạ tầng quy mô lớn và hỗ trợ kinh tế cho Nepal. Vaccine sẽ giúp cải thiện quan hệ láng giềng vốn xấu đi gần đây liên quan tranh chấp lãnh thổ. Nhà phân tích Đông Nam Á Baladas Ghoshal cho rằng việc Campuchia hỏi vaccine từ Ấn Độ “giúp thúc đẩy uy tín của Ấn Độ ở châu Á”. Theo ông, “người TQ có mặt khắp Campuchia và không ai nghĩ chính phủ thân Bắc Kinh sẽ quay sang bất cứ ai vì bất cứ điều gì, vì thế việc Campuchia đề nghị nhận vaccine Ấn Độ là điều rất khích lệ”. Tuy nhiên, dù đánh giá Ấn Độ đang vượt trước trong cuộc chiến ngoại giao vaccine nhưng nhiều nhà quan sát cho rằng tác động tích cực của việc này sẽ không tồn tại lâu nếu Ấn Độ không có các biện pháp thực chất hơn như đầu tư, hỗ trợ phát triển, gắn kết chiến lược với các nước. |