Bộ KH&ĐT vừa phát đi thông tin về Nghị quyết của Chính phủ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Nghị quyết này được Thủ tướng giao cho Bộ KH&ĐT chủ trì, phối hợp với các cơ quan trung ương triển khai xây dựng.
Cần nắm cơ hội cải cách
Dự thảo nghị quyết được hoàn thiện sau cuộc họp của Thường trực Chính phủ ngày 5-4. Ngay hôm qua, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT đã ký báo cáo của Chính phủ gửi UB Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối Nghị quyết này. Trong đó, có một số vấn đề vượt thẩm quyền của Chính phủ, cần có ý kiến của UB Thường vụ Quốc hội để tổ chức, triển khai và thực hiện.
An sinh xã hội như được xác định là vấn đề cấp bách, vì vậy, theo Bộ KH&ĐT, cần phải xác định những việc cần làm ngay trong thời điểm hiện nay để có những phản ứng chính sách kịp thời; và chủ động xây dựng kịch bản phát triển quốc gia đón đầu sự phục hồi nền kinh tế sau đại dịch.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần phải chuẩn bị kịch bản và tận dụng cơ hội về một "trật tự mới" sau COVID-19. Trong ảnh: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đang trình bày dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về an sinh xã hội, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 hôm 5-4 tại phiên họp Thường trực Chính phủ. Ảnh: VGP
Những việc ấy, ngoài giảm tối đa ảnh hưởng của COVID-19 lên nền kinh tế và đời sống nhân dân, thì còn phải dự báo được tác động đến trật tự khu vực và thế giới; tận dụng cơ hội và xu thế mới trong phát triển để chuẩn bị ngay những giải pháp, kịch bản cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững của đất nước.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới theo hướng tích cực qua đại dịch COVID-19. Các cấu trúc kinh tế (sản xuất, thương mại, đầu tư…) và trật tự thế giới sẽ có sự điều chỉnh và thay đổi sâu sắc. Đây là cơ hội đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đang thực hiện lâu nay”.
Cụ thể hơn, cần bổ sung các ngành nghề, chuỗi cung ứng mới để tăng cường năng lực chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc về dịch bệnh toàn cầu; hoàn thiện thể chế, cơ chế phối hợp toàn cầu và khu vực trong xử lý các cú sốc kiểu COVID-19. Bộ trưởng Dũng coi đây là cơ hội để Việt Nam có các quyết sách đúng đắn và kịp thời.
Theo đó, phải đẩy nhanh việc cải cách, cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực và toàn bộ nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh… nhằm đủ sức tham gia ngay các trật tự mới, cấu trúc mới sau khi hết dịch (dự kiến sẽ diễn ra rất nhanh).
“Không thể một lần nữa lại đứng ngoài hoặc đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới sắp diễn ra” - Bộ trưởng Dũng khuyến nghị.
Người yếu thế, khuyết tật… vẫn chưa có chính sách
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 có nhiều ý nghĩa. Bởi lúc dịch bệnh lây lan và bùng phát thì những người nghèo, người yếu thế trong xã hội rất dễ bị tổn thương, rất cần những hỗ trợ của Nhà nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Việc gì có lợi cho dân ta phải hết sức làm”, do vậy việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ cần phải được triển khai ngay vì đời sống người dân và người lao động đang rất khó khăn. Đồng thời phải tính độ trễ của việc ban hành và tổ chức thực hiện các quy định, nhằm bảo đảm tính kịp thời, hiệu quả của chính sách.
Khi dịch bệnh lây lan thì tình người cũng lan tỏa, đó là giải pháp không có trong mọi kế hoạch nhưng luôn phải được thực thi một cách nhanh chóng. Người xưa có câu “Chén cơm cho người nghèo lúc khốn khó quý hơn ngàn lần những luận bàn cao siêu”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Do vậy việc sớm ban hành các chính sách để hỗ trợ người nghèo, người yếu thế, người lao động… như dự thảo Nghị quyết có ý nghĩa vô cùng lớn
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho rằng: Các mục tiêu các chính sách cần bao trùm và nhân văn. Các đối tượng mà Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ nhắm đến gồm: người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng, đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Tuy vậy, theo rà soát của Bộ KH&ĐT, các chính sách hỗ trợ phòng, chống, giảm thiểu ảnh hưởng của dịch COVID-19 hiện nay chưa có chính sách nào của Nhà nước hỗ trợ thêm cho các đối tượng thuộc nhóm yếu thế, người khuyết tật.
“Một số nhà tài trợ gặp khó khăn kinh tế do dịch COVID-19 đã thông báo rút các khoản hỗ trợ thường xuyên như gạo, đi lại… đã khiến nhiều người khuyết tật, yếu thế cảm thấy mình như đang bị xã hội bỏ rơi” - thông tin từ Bộ KH&ĐT cho hay