Phát biểu tại một sự kiện ở bang California (Mỹ) mới đây, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein cảnh báo mối đe dọa lớn nhất mà Nga và Trung Quốc (TQ) tạo ra cho Mỹ là ở trên không gian vũ trụ.
“Nga là mối đe dọa tương đối nguy hiểm vì nền kinh tế của nước này suy yếu và dân số của họ tăng trưởng kém, trong khi TQ là mối đe dọa thực sự với nền kinh tế lớn” - tạp chí quân sự Defense News ngày 11-12 dẫn lời ông Goldfein cho biết. Đánh giá của tướng lĩnh này xuất hiện trong bối cảnh giới lập pháp Mỹ chuẩn bị phê chuẩn việc thành lập một quân chủng tác chiến mới trong không gian (United States Space Force).
Các thách thức đối với Mỹ
Theo tạp chí The National Interest, Nga và TQ hiện nay bên cạnh các hệ thống gây nhiễu trên mặt đất đều sở hữu các hệ thống laser và tên lửa có thể làm “câm, mù” hoặc phá hủy các vệ tinh bay ở tầm thấp, qua đó làm hư hại các thiết bị của Mỹ hoạt động trên không gian.
Đầu tháng 12-2019, báo cáo của Ủy ban Đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ-TQ (USSCC) khẳng định Bắc Kinh đang muốn thống trị vùng không gian nằm giữa Trái đất và mặt trăng trong chiến lược được gọi là “giấc mơ chinh phục không gian”. “Các đối thủ của chúng ta đang có những tiến bộ nhanh chóng về công nghệ, từ đó đặt ra các mối đe dọa mới và các mối đe dọa này vẫn đang gia tăng, đặc biệt là trong lĩnh vực không gian, không gian mạng, vi tính và các công nghệ phá rối mới nổi khác” - báo cáo ghi rõ.
USSCC cảnh báo không gian sẽ không còn là địa hạt riêng của Washington một khi Moscow và Bắc Kinh xuất hiện để tranh giành ảnh hưởng. Theo báo cáo này, các vũ khí chống vệ tinh của Nga và TQ có thể giảm mức độ hiệu quả quân sự cũng như an ninh tổng thể của Mỹ.
Giữa năm 2013 và 2015, chính quyền Nga đã phóng vào quỹ đạo một số vệ tinh mà Mỹ cho là bí hiểm. Các vật thể không gian Kosmos-2491, -2499 và -2504 của Nga có thể bay dọc ngang trên các mặt phẳng quỹ đạo ở độ cao hàng trăm ngàn mét so với mặt đất. Với phần khung nhỏ và cơ động, các vệ tinh này có thể áp sát các vệ tinh khác trong khu vực ở khoảng cách tính bằng mét. Chuyên gia về khoa học không gian Anatoly Zak nhận định: Các vệ tinh của Nga hoàn toàn có thể được trang bị thiết bị phóng laser hoặc vật liệu nổ để phá hủy bất kỳ mục tiêu nào trên không gian.
Phó Tổng thống Mike Pence phát biểu trước Hội đồng Không gian quốc gia Mỹ hồi tháng 9-2019. Ảnh: GETTY
Về phía TQ, Cục Không gian quốc gia nước này hồi tháng 6-2016 đã phóng thành công vệ tinh Roaming Dragon lên quỹ đạo thấp của Trái đất. Bắc Kinh khẳng định Roaming Dragon là một thiết bị thu hồi rác thải không gian với một cánh tay robot dài để thu hồi các mảnh vỡ vệ tinh và đem xuống mặt đất tiêu hủy. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia chỉ ra cánh tay của Roaming Dragon cũng có thể tháo gỡ vệ tinh của quốc gia đối thủ khi cần.
Cựu quan chức tình báo Mỹ Larry Wortzel đánh giá TQ đang trở thành đối thủ cạnh tranh ngang hàng với Mỹ từ lĩnh vực quân sự cho đến thương mại. Bắc Kinh đang sử dụng hệ thống định vị riêng BeiDou nhằm thay thế GPS, đồng thời xúc tiến hợp tác kinh tế toàn cầu trong khuôn khổ Sáng kiến Một vành đai - Một con đường. “Đây là thách thức lớn cho Mỹ” - ông Wortzel kết luận.
Nga và TQ không phải là các nước duy nhất trong việc triển khai các thiết bị không gian có thể vũ khí hóa được. Mỹ, Thụy Điển và Nhật Bản đều đã thử nghiệm hoặc triển khai các vệ tinh cơ động có thể thực hiện các thủ thuật bay gần mà cả vệ tinh của Nga và TQ đều làm được. Tuy nhiên, Moscow và Bắc Kinh đều đang triển khai các vũ khí không gian tiềm tàng với số lượng lớn hơn các nước khác.
Đã đến lúc Mỹ cần chiếm ưu thế trong không gian như cách chúng ta làm chủ bầu trời. Có khả năng sẽ xảy ra chiến tranh vũ trụ trong những năm tới và Mỹ cần đi đầu trong lĩnh vực này. Ông DOUGLAS LOVERRO, cựu trợ lý bộ trưởng Quốc phòng Mỹ về chính sách không gian |
Đối sách của Mỹ trước tình hình mới
Nhằm đối phó với mối đe dọa từ TQ và Nga, Tham mưu trưởng Không quân Mỹ David Goldfein khẳng định đã đề ra các phương châm cốt lõi nhằm giữ vững ưu thế của Washington trên không gian. “Chúng tôi phải bảo vệ những gì chúng tôi có. Đồng thời chúng tôi cần chuyển đổi sang cơ sở hạ tầng có thể bảo vệ được. Và chúng tôi cần chuyển đổi lực lượng của chúng tôi thành một lực lượng chiến đấu, chứ không phải dừng lại ở một lực lượng chỉ quen vận hành thiết bị không gian trong một môi trường quen thuộc dưới mặt đất” - ông Goldfein giải thích.
Tướng Goldfein cũng khẳng định sẽ tiến hành tấn công phủ đầu nếu cần thiết. Theo ông, việc tấn công trước dù không đảm bảo đem lại chiến thắng nhưng cơ hội thành công sẽ cao hơn là ngồi chờ đối phương tấn công rồi phản đòn.
Giới chuyên gia cũng cho biết Lầu Năm Góc đang tiến hành chương trình phát triển vũ khí không gian tuyệt mật tại Cơ quan Phát triển không gian và căn cứ không quân Kirtland ở bang New Mexico. Các loại vũ khí không gian Mỹ hiện có bao gồm tên lửa, thiết bị gây nhiễu sóng điện từ và vũ khí laser. Tàu vũ trụ không người lái X-37B tối mật dự kiến đóng vai trò quan trọng trong kho vũ khí không gian của Washington.
Mỹ triển khai quân chủng không gian mới vào năm 2020 Theo đài CNN, Quốc hội Mỹ dự kiến sẽ phê chuẩn việc thiết lập quân chủng không gian và cấp ngân sách hoạt động vào năm 2020. Động thái được kỳ vọng sẽ tái định hướng các lực lượng không gian của Mỹ để ứng phó với một môi trường không gian khắc nghiệt hơn. Lực lượng không gian sẽ hoạt động độc lập dưới quyền Không quân Mỹ, tương tự lực lượng Thủy quân lục chiến được Bộ Hải quân quản lý. Nhân sự từ Không quân Mỹ sẽ được điều chuyển sang quân chủng mới này. |