Những năm gần đây, thanh toán không tiền mặt tại các ngân hàng thương mại tăng trưởng ấn tượng, nhờ vậy mà cuộc đua thu hút tiền gửi không kỳ hạn (CASA) giữa các nhà băng cũng bùng nổ theo.
Các nhà băng đua nhau hút CASA
Cụ thể, trong báo cáo tài chính kết quả kinh doanh năm 2023 mà ngân hàng Quân đội (MBB) vừa công bố cho thấy nhà băng này đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ về quy mô với tổng tài sản tăng gần 30%, đạt khoảng 950.000 tỉ đồng.
Đáng chú ý, lượng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) duy trì mức trên 40%, quản lý hiệu quả chi phí hoạt động, đồng thời tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu trong cuộc đua chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Ông Lưu Trung Thái – Chủ tịch HĐQT ngân hàng MB cho biết: Trong năm qua, số lượng thanh toán không tiền mặt của MB đạt 3,6 tỉ giao dịch, tăng 1,5 lần so với năm 2022. Doanh thu trên các nền tảng số của MB chạm mốc 24,4%. Trong 4 năm tới, MB xác định doanh thu trên nền tảng số sẽ chiếm 50% doanh thu của ngân hàng".
Tương tự, trong báo cáo tài chính quý IV-2023 mà VPBank vừa công bố cho thấy, dù cầu tiêu dùng trong nước phục hồi yếu, sản xuất kinh doanh đình trệ và thị trường bất động sản ảm đạm, song quy mô huy động và tín dụng của VPBank vẫn tăng trưởng ổn định, với huy động vốn ngoại và CASA từ mảng bán lẻ.
Cụ thể, tính đến hết năm 2023, tiền gửi không kỳ hạn tại VPBank tăng 33% so với cùng kỳ năm trước. Điều này giúp nâng tỉ lệ CASA trong cơ cấu huy động vốn của nhà băng này lên 17,6%.
Điểm sáng CASA cho thấy hiệu quả của các chương trình hành động và giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tiền gửi của VPBank thông qua các giải pháp thanh toán và dịch vụ tài khoản vượt trội, đáp ứng đúng và trúng nhu cầu của khách hàng.
Tại Tienphongbank (TPBank), nhờ đẩy mạnh chiến lược phát triển ngân hàng số mà tỉ trọng tiền gửi không kỳ hạn tính đến cuối năm 2023 của ngân hàng này đã tăng tới 34% so với đầu năm, vượt 47.000 tỉ đồng.
Theo kết quả kinh doanh năm 2023 của ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB), tổng tiền gửi của cả năm ngoái đạt trên 132.350 tỉ đồng, tăng 13% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, tiền gửi không kỳ hạn chiếm 26,54% tổng huy động vốn.
Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) ghi nhận tổng huy động vốn năm 2023 đạt 283.000 tỉ đồng, trong đó số dư tiền gửi không kỳ hạn đã tăng tới 33% so với đầu năm.
Còn tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), quy mô huy động năm 2023 đạt gần 483.000 tỉ đồng, tăng 16,6% so với đầu năm, với tỉ lệ tiền gửi không tiền mặt tăng trưởng tới 22%...
Tiền gửi vẫn chạy vào ngân hàng dù lãi suất thấp
Hiện nay, lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng tại nhiều ngân hàng chỉ còn 1,9%/năm, với các kỳ hạn từ 6-9 tháng chỉ còn khoảng 3%/năm và lãi suất kỳ hạn từ 12 tháng trở lên chỉ quanh ngưỡng 5%/năm. Dù lãi suất huy động đang ở mức thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, song dòng tiền nhàn rỗi của người dân vẫn “chạy” vào ngân hàng. Công ty chứng khoán VnDirect cho rằng lãi suất huy động sẽ tiếp tục giảm trong năm nay.
Theo số liệu của NHNN công bố, lượng tiền gửi của người dân và tổ chức kinh tế vào các ngân hàng trong năm 2023 đã đạt mức cao kỷ lục với hơn 13,5 triệu tỉ đồng vào cuối năm 2023, tăng 14% so với năm 2022.
Tại TP.HCM, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP.HCM cho biết: “Tính đến cuối năm 2023, tổng tiền gửi tiết kiệm dân cư của các tổ chức tín dụng (TCTD) trên địa bàn TP.HCM đạt hơn 1,34 triệu tỉ đồng, tăng 7,8% so với năm 2022, chiếm 38% so với tổng tiền gửi trên địa bàn thành phố. Đây là bộ phận tiền gửi luôn chiếm tỉ trọng cao trong tổng tiền gửi”.
Phân tích về tốc độ tăng trưởng tiền gửi tại địa bàn thành phố, ông Lệnh cho biết: So với 10 năm trước đây, cơ cấu tiền gửi có sự thay đổi theo xu hướng tiền gửi của tổ chức kinh tế và cá nhân tăng, chiếm tỉ trọng cao nhất. Do các sản phẩm dịch vụ huy động vốn của các ngân hàng thương mại không chỉ ngày càng đa dạng mà còn đem lại sự thuận lợi cho người gửi tiền (cả về lợi ích, kết hợp khả năng thanh toán, tín dụng…)
“Trong đó, xu hướng phát triển thanh toán không dùng tiền mặt đã tác động tích cực đến tiền gửi thanh toán, tiền gửi không kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại trong những năm gần đây ngày càng tăng, mang lại nhiều lợi ích cho ngân hàng, khách hàng và nền kinh tế”, ông Lệnh nhấn mạnh.