Phía sau việc doanh nghiệp gửi tiền khủng vào ngân hàng

(PLO)- Lãi suất huy động giảm kỷ lục nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn gia tăng gửi tiền vào ngân hàng cho thấy cơ hội kinh doanh ở thời điểm hiện tại không nhiều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thay vì đưa tiền vào sản xuất, kinh doanh trong mùa cao điểm cuối năm, nhiều doanh nghiệp (DN) lại gửi tiền vào ngân hàng kiếm lãi. Nguồn lãi này có khi đem lại lợi nhuận tốt hơn cả ngành nghề kinh doanh chính của DN.

P11_gui-tien-ngan--hang-1.jpg
Bất chấp mặt bằng lãi suất huy động giảm rất sâu, nhiều doanh nghiệp vẫn gửi tiền vào ngân hàng. Ảnh: PM

Kiếm lợi hàng chục tỉ từ tiền gửi ngân hàng

Được xem là một ông lớn trong ngành bia với mức doanh thu theo quý dao động 7.000-10.000 tỉ đồng nhưng Tổng Công ty CP Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) còn kiếm thêm nguồn tiền rất lớn từ tiền lãi ngân hàng. Báo cáo tài chính của Sabeco cho thấy hiện công ty đang có đến 20.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Lũy kế chín tháng đầu năm nay, đơn vị này đã nhận được lãi từ tiền gửi ngân hàng lên đến 1.052 tỉ đồng.

Khoản lãi tiền gửi ngân hàng đã hỗ trợ kinh doanh của Sabeco khá nhiều. Trong giải trình gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ông Chuan Lester, Tổng Giám đốc Sabeco, cho biết trong chín tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận của công ty thấp hơn cùng kỳ do cạnh tranh gay gắt trên thị trường, nhu cầu tiêu dùng thấp và những ảnh hưởng chi phí tăng cao.

Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp về vốn tín dụng, giảm lãi suất, đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, giảm các loại thuế, phí.

Một ông lớn khác trong ngành bán lẻ là Thế Giới Di Động đang có đến gần 22.000 tỉ đồng gửi ngân hàng. Lũy kế đến tháng 9 vừa qua, công ty đã nhận được gần 1.400 tỉ đồng tiền lãi. Con số này gần như trái ngược với lợi nhuận kinh doanh đang xuống dốc của công ty khi kết thúc quý III-2023 chỉ có đúng 77,5 tỉ đồng, giảm 98% so với cùng kỳ là 3.481 tỉ đồng.

Báo cáo quý III-2023 của Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) cho thấy đơn vị này đang gửi tiền trong ngân hàng gần 1.000 tỉ đồng với các kỳ hạn trên ba tháng. Trong khi đó, số tiền gửi ngân hàng vào cuối năm 2022 chỉ là 200 tỉ đồng. Ông lớn bán lẻ này cũng đã nhận được khoản tiền lãi là 24 tỉ đồng.

Hàng loạt công ty khác cũng đang gửi ngân hàng số tiền khủng. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 9-2023, Dược Hậu Giang có số tiền gửi ngân hàng lên đến 2.290 tỉ đồng. Tổng Công ty Khí Việt Nam gửi ngân hàng gần 39.800 tỉ đồng tính đến cuối tháng 9 và mang về cho công ty số tiền lãi 1.570 tỉ đồng.

Đại diện một số công ty giải thích hiện nay đang là cao điểm kinh doanh cuối năm nhưng cơ hội đầu tư không nhiều nên chấp nhận gửi tiền vào ngân hàng.

Gửi trên 6 triệu tỉ đồng tại ngân hàng

Bất chấp mặt bằng lãi suất huy động đã giảm sâu, tiền gửi vào ngân hàng vẫn tăng mạnh. Theo số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến tháng 8-2023, tiền gửi ngân hàng của các tổ chức kinh tế đã vượt 6 triệu tỉ đồng; còn số dư tiền gửi của dân cư vào hệ thống tổ chức tín dụng đạt trên 6,43 triệu tỉ đồng, tăng mạnh 9,68% so với cuối năm ngoái.

Cơ hội làm ăn chưa nhiều

Theo chuyên gia tài chính Trần Đình Phương, tiền mặt gửi ngân hàng nhiều đã đóng góp quan trọng vào vị thế kinh doanh của nhiều công ty, vì khoản tiền gửi sinh ra lợi nhuận ổn định. Trong bối cảnh lạm phát vẫn thấp và kinh tế khó khăn như hiện nay, tiền gửi ngân hàng còn được xem là khoản đầu tư hầu như không có rủi ro.

Thông thường các công ty kinh doanh hàng tiêu dùng, giải khát và dược có nguồn tiền thu vào lớn nên sẽ có lượng dự trữ tiền mặt cao. Ngược lại, các công ty thâm dụng vốn gặp khó khăn hơn nhiều trong việc duy trì dự trữ tiền mặt.

“Trong khi chưa có kế hoạch tái đầu tư dòng tiền trong bối cảnh kinh tế còn khó khăn thì gửi ngân hàng là giải pháp được nhiều công ty lựa chọn. Nguồn tiền này còn giúp các công ty vượt qua các chu kỳ suy thoái của nền kinh tế. Tiền lãi hỗ trợ doanh thu và lợi nhuận suy giảm” - ông Phương phân tích.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng tiền gửi ngân hàng mang lại sự “bảo hiểm tuyệt vời” trong thời điểm bất ổn kinh tế thế giới leo thang. Nó bảo vệ các công ty khỏi rủi ro trên thị trường tài chính, đảm bảo khả năng tài trợ cho các dự án quan trọng và cạnh tranh chiến lược trên thị trường.

Giảm lãi suất, giảm các loại thuế

Theo ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.HCM (Huba), khó khăn lớn nhất hiện nay là đơn hàng sụt giảm. Thị trường tiêu thụ khó khăn đã góp phần làm tăng hàng tồn kho ngoài dự kiến, ảnh hưởng đến kinh doanh. Sự kết hợp giữa lực cầu suy yếu, lạm phát cao và gánh nặng nợ tạo nên khó khăn thực sự cho DN.

Để DN có thể mạnh dạn tiếp tục đầu tư nguồn lực cho kinh doanh, Nhà nước nên có nhiều cải tiến và đổi mới trong việc hỗ trợ kinh doanh. Theo đó, Nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ vốn tín dụng, giảm lãi suất, đẩy mạnh kích cầu đầu tư và tiêu dùng, giảm các loại thuế, phí, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông cũng như nhanh chóng giải quyết các kiến nghị hợp lý của DN.

Giải phóng nguồn lực cho DN

Tuy nhiên, ở góc độ khác, tiền gửi ngân hàng tăng mạnh cho thấy DN vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn trong kinh doanh, phải cẩn trọng trong đầu tư, mở rộng kinh doanh hay tạm dừng sản xuất. Điều này buộc DN phải hành động theo hướng phòng thủ nguồn lực, không dám mạo hiểm tìm kiếm cơ hội từ thị trường.

Ông Toshiyuki Ishii, Tổng Giám đốc Dược Hậu Giang, cho biết trong năm 2023, dưới tác động từ tình hình kinh tế khó khăn chung đã làm giảm sức mua, tăng trưởng trong nhiều ngành kinh tế tại Việt Nam chưa đạt mức kỳ vọng, trong đó có lĩnh vực dược phẩm. Dưới tác động này, doanh thu và lợi nhuận của DN đều giảm so với cùng kỳ.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, nhìn nhận từ đầu năm đến nay, hoạt động kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn vì thị trường đầu ra khó khăn, đơn hàng xuất khẩu phục hồi chậm. Do đó, việc các DN, tổ chức gửi tiền vào ngân hàng không có gì khó hiểu vì họ phải cẩn trọng trong việc đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh khi còn nhiều yếu tố bất định ở phía trước.

Vì vậy, để DN mạnh dạn đưa tiền vào kinh doanh, một mặt DN phải chủ động tìm đầu ra, xây dựng các chiến lược kinh doanh hợp lý. Mặt khác, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hỗ trợ DN thông qua chính sách bình ổn, lành mạnh hóa thị trường; tiếp tục giảm, miễn thuế phí; xây dựng cơ chế kinh doanh thông thoáng, quyết liệt tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, hỗ trợ nhà kinh doanh tiếp cận vốn với lãi suất hợp lý. Qua đó sẽ củng cố niềm tin cho DN và họ sẽ đưa dòng tiền nhàn rỗi vào sản xuất, kinh doanh, tạo công ăn việc làm, tạo ra của cải, thúc đẩy kinh tế phát triển.•

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm