Cuộc sống của 3 đứa trẻ được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới

(PLO)- 3 đứa trẻ được nhà khoa học di truyền Trung Quốc Hạ Kiến Khuê chỉnh sửa gene đang có cuộc sống yên bình bên cha mẹ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong cuộc trả lời phỏng vấn với tờ South China Morning Post hôm 3-2, nhà khoa học di truyền Hạ Kiến Khuê cho biết 3 đứa trẻ được chỉnh sửa gene đầu tiên trên thế giới với sự góp sức của ông đang sống một cuộc sống "bình thường" và "yên bình" với cha mẹ chúng.

"Họ có cuộc sống bình thường, yên bình và không bị xáo trộn. Đây là nguyện vọng của họ và chúng ta nên tôn trọng họ" - ông Hạ nói.

Nhà khoa học lưu ý "hạnh phúc của đám trẻ và gia đình chúng phải được đặt lên hàng đầu" và ông không muốn bọn trẻ bị làm phiền vì mục đích nghiên cứu khoa học.

Nhà khoa học di truyền người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê. Ảnh: CNN

Nhà khoa học di truyền người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê. Ảnh: CNN

Khi được hỏi liệu ông có lo lắng cho tương lai của những đứa trẻ không, ông Hạ cho biết cảm giác của ông cũng giống như sự chờ đợi, lo lắng mà bất kỳ người cha nào cũng có cho tương lai của con mình.

“Bạn sẽ có những kỳ vọng cao ở chúng, nhưng bạn cũng cảm thấy rất lo lắng” - ông nói.

Sự ra đời của 3 đứa trẻ được chỉnh sửa gene

Năm 2018, nhà khoa học di truyền Hạ Kiến Khuê khiến cả thế giới choáng váng khi thông báo đã tạo ra thành công 2 bé gái song sinh chỉnh sửa gene, được các nhà khoa học Trung Quốc đặt tên là Lulu và Nana. Một năm sau đó, em bé thứ 3 được ông Hạ chỉnh sửa gene tên Amy chào đời.

Lulu và Nana được sinh ra bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm từ một phôi đã được chỉnh sửa gene trước khi được cấy vào tử cung của người mẹ. Bố của 2 đứa trẻ bị nhiễm HIV nên không thể có con theo cách thông thường.

Ông Hạ cho biết đã sử dụng kỹ thuật CRISPR-Cas9, còn gọi là kỹ thuật "cắt dán gene", cụ thể là cắt bỏ và thay thế một phần bộ gene, để can thiệp vào bộ gene của cặp song sinh nhằm bảo vệ các bé khỏi bị nhiễm HIV trong tương lai.

Trong một nghiên cứu chưa được công bố của ông Hạ và nhóm khoa học của ông, họ cho biết gene CCR5 của cặp song sinh đã được “chỉnh sửa thành công” và có thể tạo ra kháng HIV hoàn toàn hoặc một phần.

Nhà khoa học di truyền người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê. Ảnh: CNN

Nhà khoa học di truyền người Trung Quốc Hạ Kiến Khuê. Ảnh: CNN

Tuy nhiên, một số nhà khoa học và chuyên gia cho biết dữ liệu của nhóm ông Hạ không đủ chứng minh điều này, theo hãng tin Sputnik.

“Nhóm nghiên cứu không thực sự tái tạo đột biến đã biết. Thay vào đó, họ tạo ra những đột biến mới, có thể kháng HIV nhưng cũng có thể không” - một nhà khoa học bình luận.

Ông Hạ cho hay nhóm của ông có nghĩa vụ theo dõi tình trạng sức khỏe của các bé, và khi chúng bước vào tuổi 18, chúng sẽ có quyền tự quyết định có nên theo dõi y tế theo nhu cầu cá nhân hay không.

Bị bắt giam song vẫn không bỏ cuộc

Nhà khoa học di truyền Hạ Kiến Khuê đã phải trả giá đắt cho những thí nghiệm của mình. Ông Hạ đã bị cộng đồng khoa học chỉ trích, trong khi chính quyền Trung Quốc buộc tội ông hành nghề y bất hợp pháp. Vào ngày 30-12-2019, ông bị kết án 3 năm tù giam và bị phạt 3 triệu nhân dân tệ (khoảng 422.500 USD).

Sau khi ra tù vào tháng 4-2022, ông Hạ mở một phòng thí nghiệm mới ở Bắc Kinh để nghiên cứu các liệu pháp gene hợp lý cho các bệnh di truyền hiếm gặp như chứng loạn dưỡng cơ Duchenne, một căn bệnh chết người chủ yếu ảnh hưởng đến các nam thanh thiếu niên.

Ông Hạ cũng có kế hoạch đăng ký thành lập tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có tên là Viện nghiên cứu bệnh hiếm gặp Bắc Kinh.

“Tôi có tầm nhìn dài hạn, đó là mỗi chúng ta sẽ không mắc các bệnh di truyền. Tôi đã học được rất nhiều điều và thay đổi rất nhiều trong 4 năm qua" - ông Hạ nói, đề cập khoảng thời gian ông ở trong tù.

Khi được hỏi liệu ông có làm khác đi nếu có cơ hội tương tự hay không, ông cho biết "câu hỏi quá phức tạp” và ông “chưa có câu trả lời thích hợp”.

Nhà khoa học Trung Quốc dự tính sẽ viết một bài báo về những suy nghĩ của ông và chia sẻ với cộng đồng khoa học quốc tế vào thời điểm thích hợp. Ông cũng được mời đến thăm ĐH Oxford ở Anh vào tháng tới để nói chuyện về việc sử dụng công nghệ chỉnh sửa gene CRISPR trong y học sinh sản.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm