Ngày 8-11, Cục Hộ tịch quốc tịch chứng thực (Bộ Tư pháp) tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện 9 tháng đầu năm và giải quyết tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến với điểm cầu chính tại trụ sở Bộ Tư pháp và các điểm cầu thành phần là Sở Tư pháp 63 tỉnh, thành.
Theo Cục Hộ tịch Quốc tịch Chứng thực, Cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử (CSDLHTĐT) đã được hình thành bước đầu từ dữ liệu đăng ký hộ tịch trên phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử dùng chung và dữ liệu số hóa.
Tính từ tháng 1 đến tháng 10-2023, trên hệ thống đã ghi nhận mới hơn 1,5 triệu trường hợp đăng ký khai sinh; 516.810 trường hợp đăng ký kết hôn; 491.483 trường hợp đăng ký khai tử... Đồng thời, Bộ Tư pháp cũng đã phê duyệt chủ trương đầu tư và đang khẩn trương triển khai dự án nâng cấp, hoàn thiện CSDLHTĐT.
Ông Nguyễn Triều Lưu, trưởng phòng hộ tịch – quốc tịch, Sở Tư pháp TP.HCM cho biết TP.HCM là địa phương có dữ liệu hộ tịch lớn cần phải số hoá. Đến nay đã có gần 11 triệu dữ liệu hộ tịch đã được số hoá và đủ điều kiện chuyển vào CSDLHTĐT và đây đều là những dữ liệu sạch. Từ đó, ông đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu cho phép các địa phương được khai thác dữ liệu hộ tịch trên phạm vi toàn quốc từ CSDLHTĐT đúng theo quy định tại Nghị định 87/2020.
Đại diện Sở Tư pháp TP.HCM cũng kiến nghị Bộ Tư pháp xem xét giải quyết liên quan đến vấn đề hiện nay nhận được rất nhiều yêu cầu của các cơ quan tố tụng yêu cầu cung cấp thông tin hộ tịch của công dân.
"Các cơ quan tố tụng yêu cầu cung cấp tất cả thông tin hộ tịch của công dân, trong khi hiện nay chưa có quy định nào về phạm vi thông tin phải cung cấp. Nếu không cung cấp thì bị chế tài xử lý, còn cung cấp hết thông tin hộ tịch của công dân thì lại không đảm bảo về quyền bảo mật thông tin cá nhân"- ông Lưu kiến nghị.
Cũng liên quan đến vấn đề hộ tịch, Phó giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Lâm Đồng cho biết thực trạng tại huyện Đam Rông hiện có hơn 1.000 người dân là người đồng bào hiện không có giấy tờ hộ tịch, do đó kiến nghị Bộ Tư pháp hướng dẫn giải quyết những trường hợp này. Cạnh đó, nhiều người dân là người đồng bào dân tộc thiểu số chỉ có tên mà không có họ. Vậy thông tin hộ tịch của những trường hợp này có được số hoá hay không?
Liên quan đến lĩnh vực chứng thực, đại diện nhiều Sở Tư pháp bày tỏ băn khoăn chứng thực bản sao từ bản chính các văn bản do cơ quan có thẩm quyền cấp đã hết hiệu lực hoặc không còn giá trị sử dụng. Pháp luật hiện nay chưa có quy định nên có cơ quan tiếp nhận, có cơ quan từ chối giải quyết, gây ra tình trạng không thống nhất.
Trao đổi, giải đáp những vấn đề trên ông Nhâm Ngọc Hiển, Phó cục Trưởng Cục Hộ tịch quốc tịch chứng thực cho biết hiện nay, dự án nâng cấp, hoàn thiện CSDLHTĐT đang được hoàn thiện và bổ sung dữ liệu. Vấn đề các địa phương đề xuất khai thác dữ liệu hộ tịch trong cơ sở dữ liệu này sẽ được thực hiện khi CSDLHTĐT và theo dự kiến khoảng cuối năm 2024 dự án này sẽ hoàn thành, khi đó các địa phương sẽ được khai thác dữ liệu này.
Đối với vấn đề số hoá dữ liệu hộ tịch của các trường hợp người đồng bào chỉ có tên mà không có họ, ông Hiển cho biết đây là những trường hợp đặc thù của từng vùng miền và từng dân tộc, nếu cán bộ hộ tịch đã ghi thông tin trong trong sổ hộ tịch thì vẫn thực hiện số hoá cho người dân.
"Đối với hơn 1.000 trường hợp người dân huyện Đam Rông chưa có giấy tờ hộ tịch, đoàn công tác của Bộ Tư pháp cũng đã đi khảo sát và Cục cũng đã đề nghị sở Tư pháp tỉnh tổng hợp hồ sơ của các trường hợp này gửi về Cục để có hướng xử lý trong từng trường hợp cụ thể chứ không thể có hướng dẫn chung cho tất cả các trường hợp" ông Hiển thông tin.
Cũng theo đại diện Cục Hộ tịch Quốc tịch Chứng thực đối với các trường hợp xác định hộ tịch, quốc tịch này liên quan đến vấn đề di cư. Chủ trương chung của Nhà nước hướng tới di cư an toàn, trật tự, không cố suý cho di cư bất hợp pháp. Trường hợp ở Lâm Đồng là di cư nội địa, mỗi địa phương sẽ có những nhóm công dân đặc thù, mang yếu tố lịch sử nên sẽ có hướng dẫn xử lý trong từng trường hợp cụ thể.
Giấy tờ hết hạn vẫn có thể cấp chứng thực bản sao
Đối với các trường hợp giấy tờ hết thời hạn nhưng vẫn có giá trị chứng minh khi thực hiện một số thủ tục hành chính (như: đăng ký lại khai sinh, cấp xác nhận là người gốc Việt Nam, xác nhận có quốc tịch Việt Nam...). Do đó, bản chính giấy tờ đã hết hạn sử dụng nhưng không thuộc các trường hợp nêu tại Điều 22 Nghị định số 23/2015 (các trường hợp bản chính giấy tờ, văn bản không được dùng làm cơ sở để chứng thực bản sao như tẩy xoá, sửa chữa, hư hỏng cũ nát...) thì vẫn được thực hiện chứng thực bản sao.