Cướp lộng hành ở Đông Nam Á

Theo một tờ báo chuyên thống kê các số liệu về cướp giật, tính đến năm 2006, Indonesia có số vụ cướp ít hơn các quốc gia láng giềng. Nhưng giờ đây đảo quốc này đứng ngồi không yên về nạn cướp cạn.

Trộm cướp tràn lan ở quốc đảo

Jeje năm nay 20 tuổi. Cô nhân viên bán hàng này không bao giờ nghĩ mình sẽ trở thành nạn nhân của bọn cướp giật khi cô đi làm ca đêm hồi tháng trước tại một cửa hàng thuộc hệ thống siêu thị mini Alfamart trong khu phức hợp ở Jati Asih, Bekasi. Lúc đó khoảng 4 giờ 30 sáng, một chiếc xe tải nhỏ đỗ xịch ở trước cửa hàng mở cửa 24/24 giờ, một cô gái trẻ khoảng 25 tuổi ra khỏi xe và bước vào cửa hàng.

“Cô ta trông rất gọn gàng như thể cô ta chuẩn bị đến văn phòng làm việc. Tôi nghĩ cô ta mua một thứ gì đó vì cô ta chỉ vào một số đồ mỹ phẩm trên giá hàng phía sau tôi” - Jeje kể.

Jeje làm việc với hai người khác. Một người tên là Novan đang ở bên máy tính tiền với Jeje, người còn lại đang ngủ trong một phòng khác. Khoảng 2 phút sau, ba người đàn ông đeo mặt nạ đen thui ra khỏi chiếc xe tải và lao vào cửa hàng. “Chúng xông vào cửa hàng và một tên gí dao vào người tôi và Novan, những tên còn lại cho chúng tôi thấy súng bên dưới lớp áo của chúng” - Jeje nhớ lại. Ba tên cướp dẫn hai cô gái vào một căn phòng phía sau cửa hàng và trói họ. “Tôi không biết chuyện gì xảy ra sau đó” - Jeje kể.

Cướp lộng hành ở Đông Nam Á ảnh 1

Hai tên cướp diễn lại vụ giết người do chúng thực hiện tại thiên đường du lịch Phuket, Thái Lan. Ảnh: thaivisa.com

Ông Rohman, quản lý cửa hàng, cho biết sáng đó, họ biết mấy tên cướp tẩu thoát với 40 triệu rupiah (Rp, tương đương 4.300 USD). Ông nói sau vụ cướp, cửa hàng cho lắp camera mạch kín và nhân viên ngày càng cảnh giác hơn. “Mặc dù bị mất mát trong vụ cướp, chúng tôi đang cố gắng để quay lại làm việc như bình thường. Tuy nhiên, từ giờ trở đi, chúng tôi sẽ cảnh giác hơn” - ông Rohman nói.

Vụ cướp trên chỉ là một trong nhiều vụ nhắm mục tiêu vào các siêu thị nhỏ khắp thành phố, cảnh sát cho rằng đó là một xu hướng tội phạm đáng lo ngại. Theo cảnh sát Jakarta, đã xảy ra 21 vụ cướp tại các siêu thị nhỏ ở Greater Jakarta (đô thị vệ tinh của Jakarta) kể từ tháng Giêng năm nay. “Chúng tôi nhận thấy số vụ cướp siêu thị nhỏ tăng lên trong thời gian gần đây” - người phát ngôn của cảnh sát Jakarta Sr Comr. Rikwanto nói. 

Khoảng 5 giờ chiều thứ Bảy, một cửa hàng Alfamart ở Nam Tambun, Bekasi bị cướp. Bốn tên cướp đeo mặt nạ đe dọa nhân viên cửa hàng bằng dao phay và súng ngắn, cướp 13,7 triệu Rp từ két và máy tính tiền. Đầu tháng 5-2012, một cửa hàng của hệ thống Indomaret và một cửa hàng thuộc hệ thống Alfamidi ở Serpong, phía tây Jakarta, bị cướp trong hai ngày liên tiếp. 

Trước đó, cuối tháng 4-2012, bốn tên cướp tấn công một cửa hàng thuộc hệ thống Alfamart ở Koja, Bắc Jakarta, lấy 20 triệu Rp tiền mặt, thuốc lá và sữa. Người ta đoán mấy tên này là thành viên của cùng một nhóm đã cướp ít nhất bảy siêu thị nhỏ. Giữa lúc như thế, một cửa hàng thuộc hệ thống Indomaret lại bị cướp vào buổi sáng. Lần này, chúng lấy thuốc lá, nước hoa, đồ uống và đồ lót. Mặc dù các vụ cướp khiến nhân viên các cửa hàng hoảng sợ, họ nói rằng họ đang cố gắng đối đầu với nó như là một nguy cơ của công việc. 

Lắp đặt nút báo động chống cướp

“Tôi sợ quá nhưng chúng tôi biết nói gì đây? Chúng tôi cần công ăn việc làm” - anh Fajar, 24 tuổi, một nhân viên cửa hàng Alfamart ở Cawang, Đông Jakarta, nói. Anh cho hay chủ các cửa hàng đã đặt thêm camera kể từ khi xảy ra các vụ cướp nhưng các cửa hàng không có một nhân viên bảo vệ nào. “Bên cạnh lắp camera, điều duy nhất mà chúng ta có thể làm là để càng ít tiền trong máy tính tiền càng tốt. Điều quá tệ hại ở đây là chúng ta không có một nhân viên an ninh nào” - anh Fajar nói. 

Cướp lộng hành ở Đông Nam Á ảnh 2

Tên ngồi sau Surasak được cảnh sát bảo vệ trước sự phẫn nộ của đám đông. Ảnh: thaivisa.com

William, 24 tuổi, làm việc cho cửa hàng của hệ thống 7-Eleven ở Pos Pengumben, Joglo, phía tây Jakarta, tin rằng nếu các cửa hàng hợp đồng nhân viên an ninh thì họ sẽ đủ sức ngăn chặn nạn cướp. “Tôi không sợ vì chúng ta có đủ camera và nhân viên bảo vệ làm việc theo ca 24 giờ một ngày” - anh nói - “Hơn hết thảy, chúng ta cần liên hệ với tổ chức nhân dân địa phương, họ sẵn sàng huy động thành viên của họ đến giúp”.

Trong một nỗ lực ngăn chặn nạn cướp, cảnh sát Jakarta đã đề xuất các cửa hàng nên sử dụng nút báo động nguy hiểm như các ngân hàng. Ông Rikwanto, người phát ngôn của cảnh sát Jakarta, cho rằng hệ thống nút báo nguy hiểm có tác dụng báo cho nhà chức trách biết có cướp sẽ là một giải pháp tốt hơn nhiều. “Chúng tôi đã thảo luận về khả năng sử dụng các loại nút báo động dành cho các cửa hàng với các quan chức ở Aprindo (hiệp hội đại diện cho các nhà bán lẻ trên toàn Indonesia)” - ông Rikwanto nói. 

Theo ông Rikwanto, Aprindo đang tìm kiếm những đối tác có thể cung cấp hệ thống nút bấm báo động. Loại nút báo nguy hiểm này sẽ được bấm để cảnh báo cho tổ nhân viên bảo vệ hoặc đồn cảnh sát gần đó biết có cướp. Nút này cũng có thể được thiết kế để kích hoạt, báo cho người ngoài, người dân trong khu phố biết đang có cướp. Với tình hình nạn cướp đang gia tăng, ông Rikwanto hy vọng hệ thống nút báo động sẽ sớm được triển khai thực hiện.

Lấy lại bộ mặt đất nước

Thái Lan là quốc gia có số vụ cướp thuộc loại cao ở Đông Nam Á. Quốc gia này đã vào cuộc mạnh mẽ để phòng, chống cướp. Nhưng thật trái khoáy, tháng 6 năm nay, ở Thái Lan lại có cướp, và lần này, nạn nhân là khách nước ngoài.

Theo cơ quan chức năng, nạn nhân người Úc tên là Michelle Elizabeth Smith, 59 tuổi, bị đâm chết ở thiên đường du lịch Phuket. Bà Michelle từ tỉnh Perth của Úc đến Thái Lan cùng với 11 đồng hương khác. Bà bị một vết thương do dao đâm vào ngực. Một phụ nữ đi cùng bà Michelle cũng phải nhập viện sau khi bị một vết đâm vào tay.

“Cảnh sát đang thu thập bằng chứng, chẳng hạn như đoạn camera, giúp chúng tôi có thể nhận ra khuôn mặt của kẻ tấn công, sau đó đề nghị tòa án ban hành lệnh bắt giữ” - một sĩ quan cảnh sát giấu tên ở Phuket nói.

Nói là làm, cảnh sát đã tóm được hai tên cướp làm xấu mặt đất nước. Tên Surasak bị tóm ở tỉnh Chumphon, tên Surin bị bắt tại tỉnh Samut Sakhon, giáp thành phố Bangkok. Hai nghi can này đã thú nhận tội ác. Chúng khai chúng chỉ cắt dây ví đựng tiền chứ không muốn đâm bà khách này.

Cảnh sát đưa hai can phạm đến hiện trường để tái hiện hành vi tội ác. Đám đông khoảng 200 người giận dữ gào thét phản đối hai tên tội phạm đang bị còng. Họ cáo buộc mấy tên cướp đã gieo tiếng xấu cho khu vực sống nhờ vào du lịch này.

Tướng Pansiri Prapawat, Cục phó Cục Cảnh sát quốc gia Thái Lan, cho biết cảnh sát nước này ra sức theo dõi bọn cướp để bảo vệ hình ảnh du lịch của đất nước mình.

Nạn trộm cắp và cướp giật trên đường cao tốc tiếp tục xảy ra tại Philippines như bệnh dịch hạch, nhất là ở các thành phố lớn, khiến người ta ngày càng thận trọng và cần những lời khuyên về việc phòng tránh như thế nào. Theo kết quả thống kê của Cục Thống kê Quốc gia Philippines, năm 2009 nước này đã xảy ra 8.822 vụ mất xe; năm 2010 là 6.000 vụ. Philippines thậm chí nhắc nhở người dân không nên dừng xe khi người phất cờ mặc đồng phục cảnh sát nhưng đi xe dân sự nhằm phòng tránh cướp.

Trên thế giới, theo một thống kê, 10 quốc gia có tỉ lệ người dân tin tưởng vào hiệu lực tác nghiệp của cảnh sát trong việc chống cướp giật gồm: Mỹ (89%), Canada (87%), New Zealand (79%), Úc (76%), Áo (76%), Anh (72%), Đan Mạch (71%), Na Uy (70%), Phần Lan (70%), Nhật Bản (69%). Năm vị trí tiếp theo là các nước: Thụy Sĩ, Đức, Pháp, Bỉ, Thụy Điển. 

KHIẾT ĐAM (Theo Jakartapost, thejakartaglobe.com, philstar.com, AP, nationmaster.com)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm