Theo bác sĩ Ngô Dũng Cường - trưởng khoa cấp cứu hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Triều An, bà Y. nhập viện ngày 10-3 trong tình trạng viêm gan cấp, tổn thương thận cấp nặng. Trước đó bà Y. uống mật cá ét để bồi bổ sức khỏe, nhưng sáu ngày sau khi uống bà thấy mệt, buồn nôn, tiểu tiện rất ít. Qua hai tuần điều trị tích cực, lọc máu sáu lần, chức năng gan và thận của bà Y. được cải thiện và xuất viện ngày 24-3.
Bác sĩ Cường cho biết trong mật, gan và tụy cá ét (một loài cá nước ngọt có tên khoa học là Morulius chrysophekadion, sống chủ yếu ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long) có độc tố cyprinol sulfate - một axit mật gây độc cho các cơ quan nội tạng, cơ quan sinh sản và máu. Cyprinol có đặc điểm rất bền với nhiệt nên dù ăn những túi mật đã được nấu chín vẫn bị ngộ độc. Việc người dân truyền nhau nuốt mật cá để trị nhiều bệnh và tẩm bổ là không đúng vì mật của các loại cá thuộc họ chép (Cypridae) trong đó có cá ét có chứa độc tố cyprinol sulfate.
Bác sĩ Cường cảnh báo một số triệu chứng của ngộ độc mật cá ét cần được phát hiện sớm để cấp cứu kịp thời là hội chứng rối loạn tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy); các dấu hiệu sưng thận cấp là tiểu ít, vô niệu (nước tiểu dưới 300 ml/24 giờ); rối loạn nước và điện giải; viêm tế bào gan cấp với biểu hiện vàng da, vàng mắt, tăng men gan; nhịp tim chậm, co giật toàn thân.
Theo L.TH.H. (TTO)