Cựu cảnh sát chống buôn lậu bị đề nghị 16 năm tù về tội buôn lậu

(PLO)- Hoàng Duy Tiến, cựu cán bộ Đội chống buôn lậu Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM, bị cáo buộc có vai trò chủ mưu trong đường dây nhập lậu 1.287 container máy móc cũ.

Ngày 26-5, TAND TP.HCM xét xử Hoàng Duy Tiến, Võ Văn Đông (hai cựu cán bộ Đội chống buôn lậu Phòng Cảnh sát kinh tế (PC03) Công an TP.HCM) và 24 đồng phạm về tội buôn lậu.

Phiên tòa hôm qua, đại diện VKSND TP.HCM đã phát biểu quan điểm luận tội, đồng thời đề nghị mức án đối với các bị cáo. Các luật sư (LS) cũng đã tham gia tranh luận, bào chữa cho các bị cáo.

26 bị cáo trong đường dây nhập lậu 1.287 container máy móc cũ. Ảnh: HỮU ĐĂNG

Lập 47 công ty để nhập lậu 1.287 container

Bị cáo buộc với vai trò chủ mưu, bị cáo Tiến bị đại diện VKS đề nghị mức án 14-16 năm tù về tội buôn lậu. Cùng tội danh buôn lậu, bị cáo Đông bị đề nghị mức án 8-10 năm tù.

Các bị cáo khác trong vụ án bị VKS đề nghị mức án cho người thấp nhất 7-8 năm tù, người cao nhất 12-14 năm tù.

Theo đại diện VKS, Quyết định 18 ngày 19-4-2019 của Thủ tướng quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng vào Việt Nam phải đảm bảo tiêu chí, hồ sơ, trình tự, thủ tục nhập khẩu và hoạt động giám định.

Tuy nhiên, vì động cơ vụ lợi, Tiến đã thành lập rất nhiều công ty, để mỗi công ty không nhập quá nhiều nhằm tránh bị phát hiện, rồi bỏ không sử dụng nữa mà tiếp tục sử dụng pháp nhân của công ty khác để nhập hàng.

Từ tháng 9-2019 đến ngày 24-5-2021, Tiến lập 47 công ty, thuê 15 cá nhân đứng tên, trực tiếp sử dụng pháp nhân của 45/47 công ty để mở 1.153 bộ tờ khai hải quan, nhập lậu 1.287 container hàng với tổng giá trị 217,6 tỉ đồng.

Ngoài ra, các bị cáo thuộc Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt đã cấp khống các chứng thư giám định, tạo điều kiện cho Tiến đủ điều kiện để nhập khẩu trót lọt lượng lớn hàng hóa là máy móc, thiết bị cũ từ nước ngoài về Việt Nam. Do đó, các bị cáo này phải chịu trách nhiệm hình sự về tội buôn lậu với vai trò đồng phạm giúp sức.

Đề nghị buộc Hoàng Duy Tiến nộp lại 5 tỉ thu lợi bất chính

Về trách nhiệm dân sự, đại diện VKS đề nghị HĐXX buộc các bị cáo nộp lại số tiền đã thu lợi bất chính để sung công quỹ nhà nước, gồm: Hoàng Duy Tiến phải nộp 5 tỉ đồng, Đinh Văn Hiên (giám đốc Công ty cổ phần Giám định Đại Minh Việt) phải nộp 3,687 tỉ đồng...

Trước đó, bị cáo Tiến đã nộp 3,5 tỉ đồng, bị cáo Hiên đã nộp 2 tỉ đồng.

Một cựu cảnh sát kêu oan

Ngoài bị cáo Tiến là cựu cảnh sát thì bị cáo Võ Văn Đông cũng là đồng nghiệp của Tiến tại PC03, Công an TP.HCM. Đáng chú ý, trong quá trình thẩm vấn tại phiên tòa, Đông cho rằng mình bị oan và cho biết cáo trạng truy tố là không đúng. Đông phủ nhận việc liên lạc với Tiến, không nhờ Tiến nhập hàng hóa là máy móc, thiết bị đã qua sử dụng.

Tuy nhiên, theo đại diện VKS, dữ liệu trên điện thoại của Tiến thể hiện giữa Tiến và Đông có trao đổi thông tin về việc nhập sáu container hàng. Ngoài ra, kết quả xác minh tại các kho hàng, lời khai từ người liên quan cho thấy đủ căn cứ để xác định Đông là người nhờ Tiến nhập sáu container hàng như cáo trạng đã truy tố. Việc Đông không thừa nhận hành vi phạm tội thể hiện thái độ quanh co chối tội, né tránh trách nhiệm.

LS bào chữa cho Đông không đồng ý tội danh mà đại diện VKS đã truy tố. LS cho rằng cơ quan điều tra chưa chứng minh được Đông thu lợi bất chính bao nhiêu tiền từ hành vi buôn lậu.

Theo LS, Đông không hề liên quan đến các công ty do Tiến thành lập, cũng không có thông tin nào liên quan đến sáu container mà VKS đề cập trong cáo trạng. LS cũng cho rằng Đông không sử dụng mạng xã hội Viber nên không có căn cứ để xác định Tiến và Đông có trao đổi qua điện thoại. Từ đó, LS đề nghị HĐXX tuyên Đông vô tội.

Tranh luận về vai trò chủ mưu

LS bào chữa cho Tiến cho rằng bị cáo không phải chủ mưu, điều hành đường dây buôn lậu này. Giữa Tiến và các bị cáo khác không câu kết, bàn bạc, thống nhất để cùng nhau cố ý thực hiện tội phạm. Bởi lẽ hành vi của Tiến, hành vi của nhân viên của Tiến là độc lập và tách bạch so với nhóm các bị cáo trong công ty giám định và nhóm các bị cáo là chủ hàng.

Ngoài ra, LS cho rằng để chứng minh vai trò chủ mưu, cầm đầu thì phải chứng minh được sự chỉ huy, tổ chức thực hiện tội phạm của Tiến đối với các bị cáo là chủ hàng, bị cáo thuộc công ty giám định. Tuy nhiên, các chủ hàng đã chủ động tìm đến Tiến nhờ nhập hàng, còn công ty giám định thì thực hiện giám định theo yêu cầu và thu phí một cách độc lập.

LS cũng đề nghị HĐXX xem xét lại tình tiết tăng nặng “phạm tội có tổ chức” mà đại diện VKS đang áp dụng vì Tiến bị truy tố tại khoản 4 Điều 188 BLHS; tình tiết này đã được sử dụng để định khung hình phạt nhưng lại tiếp tục được sử dụng để áp dụng tình tiết tăng nặng là chưa phù hợp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới