Chiều 20-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án liên quan đết sai phạm xảy ra tại Tổng công ty Máy động lực và Máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM), Công ty Vận tải Thương mại VEAM (Vetranco).
Lấy tiền công ty cho vay, đầu tư vô tội vạ
Đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt 16 bị cáo cùng phạm tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng. Trong đó, bị cáo Trần Ngọc Hà (cựu chủ tịch HĐTV, cựu tổng giám đốc VEAM) bị VKS đề nghị mức án 15-16 năm tù, Lâm Chí Quang (cựu tổng giám đốc VEAM) 10-11 năm tù, Vũ Từ Công (cựu kế toán trưởng VEAM) 8-9 năm tù, Đào Quốc Việt (cựu giám đốc Vetranco) 13-14 năm tù. Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 18 năm tù.
Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (cựu trưởng Ban kiểm soát, thành viên HĐTV VEAM) bị VKS đề nghị mức án 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Về trách nhiệm dân sự, VKS đề nghị tòa tuyên buộc các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại trong vụ án được xác định là hơn 300 tỉ đồng.
Bị cáo Trần Ngọc Hà (trái) và Lâm Chí Quang tại tòa. Ảnh: UYÊN TRANG |
Theo VKS, VEAM trực thuộc Bộ Công Thương, do Nhà nước sở hữu hơn 88% vốn. Vetranco là công ty con thuộc VEAM, do VEAM sở hữu 51% vốn. Từ năm 2011 đến 2013, VEAM bảo lãnh thanh toán ngân hàng trái quy định cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng, dẫn tới thiệt hại hơn 65 tỉ đồng.
Đến năm 2014, VEAM ra nghị quyết về việc đầu tư dự án sản xuất máy kéo hạng trung với tổng mức đầu tư khoảng 1.400 tỉ đồng. Dù chưa được Bộ Công Thương quyết định đầu tư, VEAM đã chi hơn 56 tỉ đồng mua quyền sở hữu công nghiệp máy kéo của Công ty ISEKI (Nhật Bản). Dự án sau đó bị dừng khiến VEAM thiệt hại số tiền đã chi ra.
Năm 2015, VEAM tiếp tục hợp tác với Công ty T-King (Trung Quốc) thực hiện kế hoạc đầu tư phát triển sản phẩm ô tô tay lái bên phải để xuất khẩu sang Sri Lanka. Kế hoạch hợp tác sau đó cũng bị dừng, VEAM bị thiệt hại gần 10 tỉ đồng.
Đối với Vetranco, năm 2013, công ty này dùng vốn tự có, vốn vay ngân hàng hoặc vay từ VEAM để lấy tiền cho vay trái quy định thông qua các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Do phía vay mất khả năng thanh toán, Vetranco bị thiệt hại 182 tỉ đồng.
Cựu chủ tịch chưa thành khẩn
Suốt quá trình xét hỏi, ông Trần Ngọc Hà nhiều lần khẳng định không sai phạm gì, đồng thời phủ nhận hầu hết cáo buộc của cơ quan công tố. Về việc bảo lãnh vay cho Vetranco, ông Hà nói đây là thẩm quyền của tổng giám đốc, tổng giám đốc không cần phải báo cáo với HĐTV, do đó HĐTV (bao gồm bị cáo) không biết, cũng không có điều kiện để biết.
Với dự án máy kéo hạng trung, ông Hà cho rằng việc dừng dự án là trái pháp luật bởi trong phương án cổ phần hóa doanh nghiệp (DN) đã được lãnh đạo Chính phủ phê duyệt có hạng mục đầu tư sản xuất máy kéo nhưng khi dừng dự án lại không xin ý kiến của lãnh đạo Chính phủ. “Nếu thực hiện đúng, không dừng dự án trái pháp luật thì không có vụ án này, dự án đã có thể hoàn thành và đi vào hoạt động” - bị cáo trình bày…
Đại diện VKS đánh giá bị cáo Trần Ngọc Hà có vai trò chính trong vụ án, trực tiếp và liên đới gây thiệt hại hơn 130 tỉ đồng. Quá trình điều tra và xét xử, bị cáo chưa thành khẩn khai báo. Dù vậy, VKS vẫn ghi nhận một số tình tiết giảm nhẹ như có nhiều thành tích khi còn công tác, gia đình tự nguyện nộp 1 tỉ đồng để khắc phục…
Bào chữa cho ông Hà, luật sư cho rằng bị cáo chỉ có trách nhiệm với sự vô ý trong việc VEAM bảo lãnh vay tiền cho Vetranco, vì đã quá tin tưởng vào ban điều hành VEAM và không quyết liệt chỉ đạo thu hồi nợ đối với Vetranco. Còn hai dự án đầu tư máy kéo hạng trung và ô tô tay lái bên phải, luật sư nói cả hai đều không có thiệt hại nên không có căn cứ để truy cứu trách nhiệm của thân chủ mình.
Gây tác hại nặng nề đến nền kinh tế
Theo đại diện VKS, các bị cáo tại VEAM và Vetranco đều là những người được giao chức trách quan trọng, quản lý tài sản lớn của Nhà nước, đều có trình độ và trách nhiệm cao. Các bị cáo hoàn toàn ý thức được hành vi của mình nhưng vẫn thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm.
Hành vi của các bị cáo gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, gây tác hại nặng nề đến kinh tế và tiến trình phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động và các cổ đông tại hai công ty.