Cựu Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội Nguyễn Quang Tuấn bị đề nghị 4-5 năm tù

(PLO)- VKS xác định ông Nguyễn Quang Tuấn có vai trò chủ mưu, và đề nghị mức án 4-5 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sáng nay (18-4), TAND TP Hà Nội tiếp tục phiên xử vụ vi phạm quy định đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội.

Đại diện VKS đã đề nghị mức án 4-5 năm tù đối với bị cáo Nguyễn Quang Tuấn, cựu giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. 11 bị cáo khác bị đề nghị mức án từ 24 tháng nhưng cho hưởng án treo đến 4 năm tù giam.

VKS: Bị cáo Tuấn có vai trò chủ mưu

Trình bày quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng nhiều vụ án trong ngành y tế bị phát hiện có sự thông đồng thể hiện lợi ích nhóm.

Vụ án này là minh chứng, có sự thông đồng cấu kết giữa cán bộ và doanh nghiệp, tạo điều kiện để doanh nghiệp trục lợi, gây thiệt hại cho nhà nước hàng chục tỉ đồng. Bệnh viện làm thủ tục đấu thầu chỉ là hình thức hợp thức việc thanh toán. Sau đó, doanh nghiệp trúng thầu chi từ 2 – 5% để chăm sóc Bệnh viện.

Đại diện VKS tại phiên tòa. Ảnh: BT

Đại diện VKS tại phiên tòa. Ảnh: BT

Ngày 18-12-2015, bị cáo Nguyễn Quang Tuấn ký quyết định phê duyệt danh mục mua 807 mặt hàng hóa chất, vật tư cho năm 2016, tổng số tiền 396 tỉ đồng.

Danh mục này được xây dựng dựa trên báo giá của hai công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát đưa ra. Đây là hai công ty đã ký gửi vật tư cho Bệnh viện sử dụng trước, thanh toán sau.

Trong gói thầu dịch vụ thẩm định giá, do thống nhất lựa chọn Công ty Thẩm định giá AIC nên hồ sơ chỉ định thầu chỉ là sự hợp thức hóa vì Hội đồng mua sắm không họp. Khi thẩm định giá, bên phía Bệnh viện gửi mức giá mà hai công ty đưa ra để AIC thẩm định. Các bị cáo ở AIC không thực hiện quy trình 6 bước thẩm định giá, sử dụng luôn mức giá Bệnh viện cung cấp, đưa vào Chứng thư thẩm định giá.

Sau khi trúng thầu, Công ty Hoàng Nga hỗ trợ cho Bệnh viện 300 triệu đồng/năm để chi phí các hoạt động hội nghị hội thảo, đào tạo, chuyển giao công nghệ, đưa chuyên gia nước ngoài đến đào tạo. Công ty Kim Hòa Phát hỗ trợ 60 triệu đồng/năm.

Theo đại diện VKS, bị cáo Tuấn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu, phạm vào tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Bị cáo Tuấn là Giám đốc Bệnh viện, chịu trách nhiệm toàn diện hoạt động của Bệnh viện, có vai trò chủ mưu. Tại phiên tòa, bị cáo Tuấn khai báo thành khẩn, đặc biệt ăn năn, có tình tiết giảm nhẹ đã khắc phục 6,2 tỉ đồng, có thành tích xuất sắc trong công tác, là thầy giáo nhân dân. Cần xem xét cho bị cáo.

Tuy nhiên, bị cáo cũng có tình tiết tăng nặng là phạm tội 2 lần.

Các bị cáo Đoàn Trọng Bình, Nghiêm Tuấn Linh, Hoàng Thị Ngọc Hưởng, Nguyễn Thị Dung Hạnh đã có hành vi giúp sức cho bị cáo Tuấn để thực hiện việc thông đồng giá với các doanh nghiệp.

Vụ án điển hình về móc ngoặc với doanh nghiệp

Năm 2017, bị cáo Tuấn đưa ra lý do ''cấp bách'' để xin chủ trương từ Sở Y tế, Sở Tài chính và UBND TP Hà Nội. Sau đó áp dụng trái pháp luật quy định về chỉ định thầu rút gọn trong 4 gói thầu.

Các bị cáo nghe luận tội. Ảnh: BT

Các bị cáo nghe luận tội. Ảnh: BT

Với mong muốn bán vật tư vào Bệnh viện để thu lợi, bị cáo Nguyễn Đức Đảng, Chủ tịch Công ty Hoàng Nga và bị cáo Phan Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Kim Hòa Phát đã gặp và đề nghị bị cáo Tuấn cho bán vật tư vào Bệnh viện.

Sau khi được bị cáo Tuấn đồng ý, bị cáo Đảng, bị cáo Đạt và các nhân viên đã cùng các bị cáo tại Bệnh viện có hành vi gian lận trong đấu thầu, giúp sức cho bị cáo Tuấn.

Các bị cáo Trần Phú Hưng, Nguyễn Trung Dũng, Nguyễn Hồng Dũng tại Công ty AIC đã vi phạm quy tắc đạo đức hành nghề thẩm định giá, giúp sức cho các bị cáo.

Vụ án là ví dụ điển hình về móc ngoặc, bị cáo Tuấn lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm đấu thầu, tạo điều kiện cho Công ty Hoàng Nga trúng thầu 5 gói thầu, Công ty Kim Hòa Phát trúng 4 gói thầu.

Đại diện VKS đánh giá các bị cáo đều khai báo thành khẩn, tự nguyện đã khắc phục một phần hậu quả. Một số bị cáo có vai trò không đáng kể, không hưởng lợi, làm việc theo sự chỉ đạo cần được xem xét giảm nhẹ.

Theo cáo buộc, từ năm 2015, Bệnh viện có chủ trương cho doanh nghiệp ký gửi vật tư tiêu hao để sử dụng trước. Sau đó, Bệnh viện hợp thức thanh toán bằng hình thức đấu thầu.

Quá trình thanh toán vật tư ký gửi của hai công ty Hoàng Nga, Kim Hòa Phát, 12 bị cáo có nhiều sai phạm về đấu thầu, gây thiệt hại hơn 53 tỉ đồng cho Bệnh viện và Quỹ BHXH.

Mức án VKS đề nghị với 12 bị cáo

VKS đề nghị mức án với 12 bị cáo về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng như sau:

Tại Bệnh viện Tim Hà Nội: ông Nguyễn Quang Tuấn (nguyên Giám đốc) 4-5 năm, Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc) 30-36 tháng tù, Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng) 24-30 tháng tù, Đoàn Trọng Bình 30-36 tháng tù và Nghiêm Tuấn Linh (Phó Trưởng phòng Vật tư y tế) 36 – 42 tháng tù.

Tại Công ty cổ phần Thiết bị Y tế Hoàng Nga: Nguyễn Đức Đảng (Chủ tịch HĐQT) 3 năm 6 tháng – 4 năm, Phạm Huy Lập (Giám đốc) 20-30 tháng nhưng cho hưởng án treo, Phạm Thị Kim Oanh (Kế toán trưởng) 24-30 tháng tù.

Tại Công ty cổ phần Đầu tư và Định giá AIC: Hai Phó Tổng giám đốc Trần Phú Hưng và Nguyễn Hồng Dũng cùng bị đề nghị 30-36 tháng tù; Nguyễn Trung Dũng (nhân viên thẩm định giá) 24-30 tháng tù.

Tại Công ty Công nghệ sinh học Kim Hòa Phát: Phan Tuấn Đạt (Chủ tịch HĐQT) bị đề nghị 24-30 tháng nhưng cho hưởng án treo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm