Sau hai ngày xét xử sơ thẩm, ngày 16-5, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Lê Thành Công (SN 1954, nguyên giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương, thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex)) 16 năm tù về tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ.
Tổng hợp với bản án trước đó 25 năm tù, bị cáo Công phải chấp hành là 30 năm tù.
HĐXX nhận định căn cứ vào hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định bị cáo Công phạm tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ. Bị cáo là người đủ năng lực nhận thức để biết hành vi của mình là sai trái nhưng vì động cơ vụ lợi nên đã thực hiện hành vi vượt quá thẩm quyền.
Tuy nhiên, bị cáo thành khẩn khai báo, có quá trình công tác trong quân ngũ, có thành tích trong quá trình công tác là những tình tiết HĐXX xem xét giảm nhẹ cho bị cáo.
Bị cáo Lê Thành Công trả lời HĐXX.
Đồng thời toà cũng đồng ý với việc xử lý của VKS tối cao đối với trường hợp ông Đào Anh Kiệt (khi đó làm giám đốc Sở TN&MT TP.HCM) cùng hai cấp dưới. Cụ thể, các cán bộ này đã ký, tham mưu, làm thủ tục cho phép Công ty Dệt kim Đông Phương chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ từ sản xuất kinh doanh sang đất ở lâu dài để thực hiện Dự án xây dựng chung cư thương mại dịch vụ.
Tại thời điểm đó, mặc dù chưa có quyết định hành chính nhưng UBND TP đã đồng ý chủ trương cho phép chuyển mục đích sử dụng đất số 10 Âu Cơ thông qua các văn bản chỉ đạo, văn bản duyệt giá đất theo chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc.
Đồng thời Kho bạc Nhà nước TP xác nhận chủ đầu tư hoàn thành nghĩa vụ tài chính, Bộ Tài chính có quyết định chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất để lập Dự án xây dựng khu thương mại dịch vụ và chung cư cao tầng theo quy hoạch. Xét vi phạm trên không trực tiếp gây ra hậu quả nên VKS kiến nghị UBND TP xem xét xử lý ông Kiệt cùng hai cấp dưới đúng luật.
Như PLO đã đưa tin, ông Công bị VKS cáo buộc trong quá trình ký hợp đồng góp vốn, chuyển nhượng tài sản, Công không thực hiện đúng thủ tục định giá và bán đấu giá đối với quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ. Sai phạm trên khiến Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) thiệt hại hơn 33,8 tỉ đồng.
Tại tòa, bị cáo Công khai khu đất số 10 Âu Cơ thuộc trường hợp di dời do ô nhiễm môi trường. Bộ Tài chính và UBND TP.HCM đã phê duyệt phương án di dời, đồng thời cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án khu thương mại.
Công ty Đông Phương được phép liên doanh để thực hiện dự án. Tập đoàn đã cho phép, bị cáo thực hiện quyền góp vốn quyền sử dụng đất vào Công ty Đông Phương Phát. Có nghĩa Tập đoàn Dệt may đã chấp nhận cho sự liên doanh này cũng như các thủ tục liên quan nhằm thực hiện dự án tại số 10 Âu Cơ.
Bào chữa cho bị cáo, luật sư cho rằng cáo trạng và lời luận tội nhận định bị cáo Lê Thành Công đã gây thiệt hại khi góp vốn vào công ty Đông Phương Phát 33 tỉ đồng cho Tập đoàn Dệt may là không có căn cứ. Công ty Đông Phương là doanh nghiệp Nhà nước, không đủ năng lục tài chính để thực hiện việc chuyển mục đích sử dụng đất nên Công ty Đông Phương đã xin phép tập đoàn đấu thầu chọn lựa đối tác để ký kết hợp đồng liên doanh.
Đây là một phương thức huy động vốn ngoài ngân sách nhà nước để thực hiện dự án Khu phức hợp mà Công ty Đông Phương và Tập đoàn đã lựa chọn. Điều này đã thể hiện thông qua số tiền 30 tỉ đồng mà Công ty Đông Phương mượn Công ty Phương Nam nhằm mục đích thực hiện nghĩa vụ tài chính hoàn thành thủ tục định giá, thuê tư vấn trong công tác chuyển quyền sử dụng đất số 10 Âu Cơ. Từ đó, luật sư đề nghị HĐXX trả hồ sơ điều tra bổ sung.