Nhiều người biết đến ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, với tư cách là một “ông trùm” trên thị trường chứng khoán tại VN. Nhưng ít ai biết ông chính là người sáng lập Tổ chức Bảo vệ động vật hoang dã (WAR), một tổ chức chẳng liên quan gì đến chứng khoán và tiền tệ.
Trả nợ ân tình
Những người trong Tổ chức WAR quen gọi ông Dominic Scriven bằng cái tên thân mật ông Dom cứu hộ. Ở cái tuổi 47, ông Dom đã có đến 20 năm sống và làm việc ở VN, gần bằng khoảng thời gian sống ở quê hương bản quán nước Anh của mình.
Rất thạo tiếng Việt, ông Dom chậm rãi kể: “Năm 1987, tôi làm việc cho một công ty đầu tư tài chính của Anh và được giao nhiệm vụ đến một số nước ở châu Á để nghiên cứu thị trường. Năm 1990, tôi đến VN. Bị cuốn hút bởi phong cảnh, thiên nhiên phong phú, xinh đẹp và con người VN mến khách nên một năm sau tôi tiếp tục quay lại Hà Nội học thêm tiếng Việt. Sau hai năm, tôi đã “lận lưng” chút vốn tiếng Việt kha khá nên quyết định vào Sài Gòn lập nghiệp. Khi đó tôi chỉ đoán nơi này sẽ có cơ hội cho mình”.
Tỉ phú Dominic Scriven. Ảnh: HUYỀN VI
Đặt chân đến Sài Gòn, ông Dom chỉ là một ông Tây “ba lô” không hơn không kém. Thất nghiệp, hết sạch tiền nhưng vài năm sau đó ông và một người bạn đã đứng ra thành lập công ty đầu tư tài chính rồi trở thành giám đốc Công ty Quản lý Quỹ đầu tư Dragon Capital, nắm giữ giá trị tài sản hơn 1 tỉ USD. Sau đó ông gặp và cưới một cô gái Bến Tre làm vợ, hiện đang chung sống vui vẻ hạnh phúc tại VN.
Khi đã thành công trên con đường kinh doanh, có điều kiện, ông bắt đầu theo đuổi sự đam mê và thực hiện những ý muốn từ thời trai trẻ của mình: Sáng lập WAR. Mục tiêu của ông là bảo vệ sự đa dạng sinh học ở VN thông qua việc ngăn chặn hoạt động nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ bất hợp pháp các loài động thực vật hoang dã và hỗ trợ bảo tồn các loài bị đe dọa tại VN.
Hỏi duyên cớ nào khiến ông bỏ tiền thành lập tổ chức này, ông không trả lời thẳng mà chỉ cười: “Tôi đã nhận rất nhiều từ đất nước này nên muốn làm một cái gì đó có ích để bảo tồn vẻ đẹp của thiên nhiên cho các bạn”.
Yêu thú, mê rừng
Tôi đã có dịp cùng ông Dom đi thả thú tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Tham quan trại cứu hộ gấu của WAR tại Cát Tiên, ông tự tay chăm sóc, vuốt ve từng con gấu đang được nuôi ở đây. Ông dành nhiều thời gian chuyện trò với anh nhân viên phụ trách cứu hộ để tìm cách khôi phục lại bản năng hoang dã của các con gấu bị nuôi nhốt trong nhà nhiều năm và tìm phương án thả chúng về rừng.
Ông Dom vục tay uống nước như một người đi rừng thực thụ. Ảnh: HUYỀN VI
Giọng ông chợt chùng xuống khi nhìn chú báo hoa mai Lucy đang được nuôi tại trung tâm cứu hộ từ năm 2009 đến nay mà chưa biết khi nào mới được thả về tự nhiên. Theo giải thích của các nhân viên, Lucy hiện vẫn còn những tập tính bị con người thuần hóa, bản năng hoang dã chưa được khôi phục nên nếu thả về rừng sẽ rất nguy hiểm. “Mặc dù rất thích nơi này nhưng cũng chính nơi đây cho tôi rất nhiều kỷ niệm buồn. Những chú gấu có tên rất dễ thương như SunShine, Ron, Lam, Nắng, Niky… và cả chú báo Lucy vẫn còn nuôi nhốt. Cuộc sống của chúng luôn bị đe dọa và hiểm nguy đang rình rập phía trước. Đặc biệt là con tê giác một sừng cuối cùng ở VN cũng chết tại vùng đất này. Thật là một điều đáng tiếc!” - ông Dom nói giọng ngậm ngùi.
Là người đau đáu chuyện sống còn của những con thú, hẳn ông Dom là người rất yêu thiên nhiên, nhất là những khu rừng. Tham quan rừng Cát Tiên, ông luôn là người vượt lên dẫn đầu và hào hứng nhất đoàn. Ông Dom tâm sự: “Không khí núi rừng thật thoải mái, nó giúp tôi giải tỏa những áp lực công việc gặp phải ở thành phố. Bạn nghĩ xem, ở thành phố không có nhiều cây xanh, không một tiếng chim hót thì buồn tẻ thế nào?”. Vì vậy mà khu nhà của ông Dom dành rất nhiều không gian để trồng cây xanh. Ông Dom xem khu vườn đó là “vườn quốc gia” mi ni, dĩ nhiên không có chuyện nuôi nhốt chim, thú trong nhà. Ông nói khi được thả hồn vào đó, được sống với thiên nhiên giữa lòng thành phố thì cảm thấy lòng bình yên và thư thái.
“Tôi đã ăn được… mắm tôm”
“Trong công việc, ông Dominic Scriven là một người rất dễ gần gũi, vui vẻ, am hiểu về động vật hoang dã cũng như môi trường tự nhiên. Ông luôn nhiệt tình trong các hoạt động phối hợp giữa Chi cục Kiểm lâm và WAR và đặc biệt rất am hiểu văn hóa VN”. Đó là những lời nhận xét của ông Nguyễn Đình Cương, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, về ông Dominic Scriven.
Một nhân viên tình nguyện đang bón từng thìa sữa cho chú voọc ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi, đơn vị do WAR và Chi cục Kiểm lâm TP.HCM hợp tác. Ảnh: HUYỀN VI
Ông Cương nhớ như in hình ảnh một ông Tây vóc dáng cao to, mái tóc dài trông giống một nghệ sĩ đến trụ sở Chi cục Kiểm lâm TP.HCM để tham quan. “Khi nghe những khó khăn trong công tác quản lý và bảo vệ động vật hoang dã ở VN, ông Dominic đã đồng ý và chấp nhận tài trợ kinh phí cho chúng tôi hoạt động. Công việc sau đó được xúc tiến nhanh chóng và đi đến ký kết các dự án bảo vệ động vật hoang dã cũng như bảo vệ sự đa dạng sinh học ở VN. Tổ chức WAR cũng đã ra đời sau đó vài tháng” - ông Cương nhớ lại.
Ông Cương kể sau bảy năm hợp tác (giữa WAR và Chi cục Kiểm lâm TP.HCM), Chi cục đã cứu hộ rất nhiều thú hoang dã bị mua bán trái phép để thả về tự nhiên. Trong đó có rất nhiều nhóm động vật thuộc loại quý hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng. Ngoài ra, WAR cũng đã phối hợp nhiều chương trình hoạt động truyền thông lớn để tuyên truyền về việc bảo vệ rừng và động vật hoang dã. Trong đó có việc vận động các nhà hàng, quán ăn ký cam kết không mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã. Mới đây nhất là việc tuyên truyền bảo vệ động vật hoang dã và tài nguyên môi trường trong các trường học trên địa bàn TP.HCM.
Ông Nguyễn Vũ Khôi, Giám đốc điều hành của Tổ chức WAR, nói về sếp của mình: “Dom là một người làm việc rất chuyên nghiệp, biết khơi gợi niềm đam mê của người khác. Nhưng điều chúng tôi học được nhiều ở ông ấy là tình yêu thiên nhiên, bầu nhiệt huyết trong bảo vệ động vật hoang dã mà không phải người nước ngoài nào cũng có được…”.
Khi được hỏi ông học được gì trong chừng đó năm sinh sống tại VN, ông Dom cười nheo mắt: “Tôi đã ăn được mắm tôm, biết nhậu theo kiểu VN và biết “có qua có lại” khi làm việc ở đất nước này”!
Mê tranh cổ động VN Ông Dom đã dành các văn phòng làm việc của mình để treo những bức tranh cổ động trong các thời kỳ kháng chiến chống ngoại xâm của VN. “Khi đến VN, tôi rất ấn tượng với những bức tranh treo bên đường hay ở một số công sở. Sau đó, tôi có tìm hiểu lịch sử đấu tranh giữ nước của dân tộc VN và được biết các biểu tượng trong tranh cổ động này đã góp phần tạo nên thành công trong đấu tranh của các bạn nên tôi chọn nó để sưu tập. Khi xem tranh cổ động, tôi cảm nhận những hình tượng và màu sắc có sức thuyết phục mạnh mẽ trong đó nhưng lại không hề phô trương mà mang một phong cách riêng. Tranh cổ động thuộc về một thời kỳ cũ nhưng thông điệp của nó thì vượt lên trên thời gian” - ông Dom lý giải cho sở thích của mình. Ông Dom cho biết trên thế giới người ta vẫn xem đây là một loại hình nghệ thuật và trân trọng lưu giữ nó tại các bảo tàng lớn. Riêng ở VN thì những bức tranh cổ động đang bị rơi vào quên lãng và một phần bị phá hoại. “Ngoài mục đích sưu tầm, tôi còn muốn quảng bá loại hình này ra thế giới. Đây cũng là cách tôi trả nợ cho VN vì đất nước này đã quá tốt đối với tôi”. Ông Dom tiết lộ hiện ông đang làm một bộ phim tài liệu về những họa sĩ vẽ tranh cổ động và dự kiến trong năm nay sẽ cho phát hành bộ phim này. |
HUYỀN VI