Cứu người trước, tiền bạc tính sau!

Trước đây, chị tôi sinh cháu trai nặng hơn 3 kg tại BV huyện nhưng qua hai ngày mà bé vẫn không bú, không tiêu, tiểu được. Người thân ráng nhỏ từng giọt sữa vào miệng bé thì sau đó bé cũng ọc ra hết. Gia đình lo lắng đã báo ngay với bác sĩ tình trạng này nhưng bác sĩ cho rằng trẻ em mới sinh có hiện tượng như trên là bình thường. Thay vì thăm khám cho bé thì bác sĩ này khuyên gia đình ẵm bé lên sau khi nhỏ sữa để bé khỏi bị ọc. Gia đình đã làm theo chỉ dẫn của bác sĩ mà bé vẫn bị ọc sữa, quấy khóc liên tục và còn bị sốt. Nghe báo vậy nhưng bác sĩ vẫn không thăm khám cho bé. Suốt ruột, chị tôi đã lén ẵm bé chạy ra bác sĩ tư bên ngoài nhưng họ cũng không tìm ra bệnh nên chị ấy đành ẵm bé về lại BV.

Đến trưa ngày thứ ba thì bé có dấu hiệu sốt nặng và khó thở. Gia đình chạy kiếm bác sĩ khóc bù lu bù loa thì bấy giờ bác sĩ mới thăm khám cho bé và cho bé thở máy ôxy. Đồng thời, bác sĩ làm thủ tục chuyển viện cho bé lên BV tỉnh vì không tìm ra bệnh để điều trị.

Trái với sự thờ ơ của bác sĩ ở BV huyện, các bác sĩ tại BV tỉnh đã khám, chỉ định làm ngay các xét nghiệm cần thiết để tìm ra bệnh. Kết quả: Bé bị nhiễm trùng sơ sinh, có dấu hiệu hoại tử ruột nhưng do không xử lý được nên BV tỉnh đã chuyển bé lên BV ở TP.HCM để điều trị.

Cứu người trước, tiền bạc tính sau! ảnh 1

Bác sĩ đang tận tình chăm sóc một ca bệnh tay-chân-miệng tại BV Nhi đồng 1. Ảnh: HTD

11 giờ đêm xe mới tới BV này. Bé được đưa vào phòng cấp cứu. Ngay lập tức, các bác sĩ, điều dưỡng đã vây lấy bé. Bác sĩ trực xem bệnh án do BV tỉnh chuyển lên rồi vừa khám cho bé vừa hỏi người nhà. Giọng bác sĩ rất khẩn trương: “Chuyền nước ngay, lấy máu, siêu âm bụng (đem máy siêu âm tới đây…)”. Quay sang cha của bé, bác sĩ trấn an: “Bé bị nặng lắm, chậm 10 phút nữa sẽ khó cứu nhưng giờ có chúng tôi, gia đình yên tâm đi!”. Cũng bác sĩ này bảo điều dưỡng: “Gọi ngay bác sĩ gây mê”. 2 phút sau, bác sĩ gây mê có mặt tại phòng cấp cứu và sau khi xem xét bệnh tình của bé, ông ấy cho biết có thể gây mê liền.

Cháu tôi nằm đó, mắt nhắm nghiền, thở bằng máy ôxy cộng với một mớ dây nhợ lòng thòng, còn các bác sĩ thì căng thẳng qua từng khuôn mặt, ánh mắt. Họ hội chẩn và quyết định mổ gấp cho bé vì ruột bé bị thủng, bị nhiễm trùng và hoại tử.

Nghe con được mổ, cha bé vừa mừng vừa lo khi trên tay chỉ có hơn 1 triệu đồng. Níu tay bác sĩ, anh tôi lo lắng: “Sợ tôi không có đủ tiền…”. Nhưng anh đã thật bất ngờ khi được vị bác sĩ nắm tay: “Cứu bé trước, tiền bạc tính sau”. Ông cũng kịp thời vỗ vai trấn an anh tôi làm cho anh ấy bật khóc ngon lành vì xúc động.

Quả thật, chúng tôi chưa cần phải nộp đồng nào mà bé vẫn được các bác sĩ tích cực cứu chữa. Ca mổ đã thành công và bé đã được cứu sống. Sau khi mổ, bé phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt ba ngày. Lúc đó dù không gặp được bé nhưng hằng ngày chúng tôi đều biết được diễn biến sức khỏe của bé (qua bản thông báo dán ngoài cửa). 25 ngày sau, bé được xuất viện và giờ đây bé đã gần một tuổi và khỏe mạnh. Trước khi bé xuất viện, bác sĩ nơi này cũng mời anh tôi vào phòng hướng dẫn cách chăm sóc, thời gian tái khám và chế độ dinh dưỡng cho bé…

Tôi không rành rẽ để có thể nêu ra những khoảng cách y tế giữa BV huyện với BV tỉnh…, BV trong nước với BV nước ngoài. Chỉ biết là sự tận tụy, cách làm việc có trách nhiệm của các bác sĩ trong câu chuyện này luôn để lại một hình ảnh đẹp trong tôi và gia đình tôi.

NGUYỄN QUỲNH (TP.HCM)

Đi ra nước ngoài mới biết

Do mắc nhiều bệnh mạn tính nên mẹ tôi có rất nhiều lần đi BV. Chị tôi, em trai tôi và tôi cũng có một số lần đi khám bệnh. Vậy nên nếu hỏi được đối xử như thế nào thì cả bốn người trong chúng tôi đều dễ dàng có những nhận xét không vui. Trong đó, “đau đớn” nhất là chị tôi khi có lần đi khám rồi làm nhiều xét nghiệm theo yêu cầu mà vẫn không biết mình bệnh gì, có trầm trọng không bởi lẽ bà bác sĩ đã rất kiệm lời và tỏ vẻ lạnh lùng trước nỗi lo của người đang có một số dấu hiệu bất thường: “Tôi cũng không biết chị bệnh gì” (!).

Giờ thì em trai tôi đang làm việc ở Hàn Quốc và có nhiều điều kiện so sánh để thấy “tội nghiệp” cho người thân nếu chẳng may mắc bệnh. Không giống như ở nhiều BV nước mình, các bác sĩ ở Hàn Quốc luôn gây được cảm tình cho bệnh nhân ở chỗ dành nhiều thời gian hỏi han, thăm khám kỹ lưỡng và sẵn sàng… trả lời. Nói theo cách của em tôi là “họ chu đáo không chê vào đâu được”.

Lần đó, em tôi cảm thấy bất an về cái gì đó cứng cứng ở ngực. Sau khi cho biết “không có gì” nhưng thấy em còn băn khoăn, ông lấy tay em đặt vào ngực ông để thấy ông cũng có chỗ cứng như thế. Vậy là em tôi thấy nhẹ người và sau lần tái khám tiếp đó thì em tôi không còn lo lắng nữa. Hay như ở một lần điều trị răng, sợ em tôi quên nên trước ngày em phải đến tái khám theo lịch hẹn, nhân viên BV đã nhắn tin, gọi điện thoại nhắc nhở…

THẾ THƯỜNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm