Nhìn từ một ca trị bệnh ở nước ngoài

Cháu VLTQ, hơn ba tuổi, nhà ở Khu công nghiệp Tân Bình (TP.HCM) nhiều tháng qua thường bị ói, mất ngủ, tâm lý bị kích động bất thường. Mẹ cháu đưa đi khám ở nhiều nơi được bác sĩ chẩn đoán là bị rối loạn giấc ngủ và cho uống thuốc an thần.

Trong nước cho về nhà, nước ngoài cho cấp cứu

Tuy nhiên, càng ngày chu kỳ rối loạn của cháu càng thu ngắn lại. Theo kết quả điện não đồ thì cháu bị động kinh. Đến ngày 5-2-2013, cháu lơ mơ nhiều hơn và bị mất tri giác. Mắt mở nhưng không nhìn thấy gì, không nhận biết chung quanh và không còn nói được. Mẹ cháu đưa đi khám tại một bệnh viện, bác sĩ cho chụp MRI và xác định cháu bị tổn thương não không rõ nguyên nhân, có thể do bị một chấn thương cũ nào đó hoặc do viêm não. Tuy nhiên, do cháu còn nhỏ nên không thể can thiệp bằng phẫu thuật, do không xác định nguyên nhân tổn thương nên không có liệu pháp nào khác ngoài việc cho thuốc uống và điều trị tại nhà. Theo bác sĩ điều trị thì những can thiệp cần làm đã làm hết rồi.

Trước tình trạng nguy kịch của cháu, gia đình quyết định đưa cháu Q. đi Singapore điều trị. Trưa 8-2, ngày cuối cùng nhận bệnh trước khi nghỉ tết Nguyên đán ở Singapore, cháu được đưa vào phòng cấp cứu của BV KK Hospital, một bệnh viện công chuyên điều trị phụ nữ và trẻ em. Sau khi nhập viện cháu bị hôn mê sâu, tay chân không còn phản ứng nhưng chỉ sau một đêm cấp cứu đến sáng ngày 9 cháu Q. đã tỉnh lại, hồi phục tri giác, nói được và được xuất viện vào ngày hôm nay, 22-2.

Nhìn từ một ca trị bệnh ở nước ngoài ảnh 1

Cháu Q. đã tỉnh táo sau một ngày ở BV KK Hospital.

Không lạm dụng thiết bị!

Theo gia đình cháu Q., vấn đề đáng nói ở đây không phải là sự hiện đại, mức độ vệ sinh, tiện nghi bệnh viện hay trình độ của các y, bác sĩ của BV KK so với Việt Nam mà vấn đề quan trọng là thái độ, cách ứng xử với bệnh nhân của người thầy thuốc ở đây có khoảng cách rất xa.

Thái độ tiếp nhận bệnh nhân ở bệnh viện này làm thân nhân cháu Q. ngạc nhiên. Vừa nhìn thấy cách cháu lơ mơ, các y, bác sĩ đã bế thốc cháu vào phòng cấp cứu. Chân của các y, bác sĩ gần như chạy chứ không đi, kèm theo đó là đủ thứ thiết bị máy móc được kéo đến với những động tác vừa khẩn trương vừa chính xác. Sau khi cấp cứu, cháu được đưa vào khoa High Dependency (HD) và công việc chẩn đoán tiếp tục cùng với việc theo dõi nghiêm ngặt. Công việc tìm hiểu bệnh qua thân nhân kéo dài hơn 1 giờ, từ tình trạng bệnh lý, những biểu hiện của cháu từ ăn uống, đi đứng, những phản ứng trước và sau khi uống thuốc. Nhiều tình huống còn mơ hồ, bác sĩ đã vẽ phác họa để người thân cháu Q. xác định thật chính xác tư thế té, cách đi đứng, nằm ngồi của cháu.

Bác sĩ ở KK Hospital chấp nhận sử dụng hình ảnh MRI của cháu Q. đã chụp ở Việt Nam để chẩn đoán mà không chụp lại (tiết kiệm cho gia đình bệnh nhân ít nhất 3.000 SGD và khoảng thời gian đáng kể). Tuy nhiên, cùng hình ảnh đó, cách xem xét của bác sĩ KK rất chi tiết, tỉ mỉ. Không chỉ vậy, hình ảnh MRI còn được chuyển đến một bác sĩ chuyên khoa cao cấp hơn để tiếp tục phân tích. Từ những đánh giá thận trọng đó, KK chẩn đoán cháu bị hội chứng Reye.

Tỉ mỉ đến từng gram

Công việc điều trị cháu Q. được một nhóm (team) bác sĩ chuyên trách gồm nhiều chuyên khoa khác nhau do một bác sĩ chuyên khoa thần kinh làm trưởng. Cháu được thử máu, thử nước tiểu, rút dịch não tủy để xét nghiệm. Đến 10 giờ đêm, phát hiện hàm lượng amonium trong máu tăng đến mức nguy hiểm, đồng thời cháu có biểu hiện hôn mê sâu, mất các phản xạ thần kinh, cháu Q. được chuyển đến phòng Săn sóc đặc biệt (ICU) có đủ phương tiện theo dõi hơn cho dù khoa HD đã được trang bị rất hiện đại. Đến 2 giờ sáng, cháu Q. hồi tỉnh và đến 5 giờ sáng đã phục hồi tri giác, nhận biết được người thân và nói được. Đến 9 giờ sáng, bệnh nhân được trả về khoa HD để theo dõi trong năm ngày, sau đó ra trại bệnh thường.

Dù ở vị trí nào việc theo dõi diễn biến cơ thể cũng đều sát sao, tỉ mỉ. Cháu được cho ăn theo chế độ đặc biệt mà sự gia giảm hàm lượng đạm được cân nhắc từng gram. Lượng nước uống và lượng nước tiểu của cháu hằng ngày cũng được đo đạc và ghi nhận chặt chẽ tương tự. Mỗi y tá có một máy vi tính di động đặt trên một xe đẩy. Dữ liệu được cập nhật tỉ mỉ. Mỗi ngày, bệnh nhi được bác sĩ trưởng team khám theo quy trình thống nhất: Các bác sĩ thường trực tổng hợp thông tin, dữ liệu từ thiết bị theo dõi cho các bác sĩ chuyên khoa, bác sĩ chuyên khoa xem xét, hội ý và báo cáo bác sĩ trưởng, bác sĩ trưởng khám lâm sàng và tư vấn với thân nhân. Thời gian tư vấn với thân nhân mỗi lần khám không dưới 20 phút. Thân nhân được thông tin đầy đủ về bệnh trạng, những liệu pháp đã thực hiện và dự đoán tiên lượng về khả năng sắp tới. Ngay cả một động tác nhỏ là thử máu cũng được báo ít nhất là ba lần bởi ba người với vai trò khác nhau: điều dưỡng trưởng, điều dưỡng và người lấy mẫu máu.

Dẫu có muốn tìm một thái độ thiếu thân thiện hay thờ ơ để bắt bẻ các thầy thuốc ở đây cũng khó tìm thấy. Nụ cười luôn có sẵn trên môi, lời lẽ trấn an mang tính chuyên nghiệp, giọng điệu quan tâm, dường như tất cả nhân viên y tế ở từng cấp, từng lĩnh vực khác nhau đều có cùng một phong cách.

Trước khi xuất viện, thân nhân được tư vấn trong một phòng họp với team điều trị. Các biện pháp chăm sóc, theo dõi tại nhà, các đầu mối liên lạc với các bệnh viện ở Việt Nam để phối hợp trao đổi thông tin, dữ liệu để theo dõi thường xuyên và chế độ tái khám được trình bày và thân nhân được mời đặt câu hỏi.

Buổi chiều ngày xuất viện, một nhóm cán bộ cao cấp đến tận giường để thăm dò ý kiến của bệnh nhân về cách làm việc của bệnh viện. Trước khi ra viện, cán bộ khoa chuyển danh sách các thứ giấy tờ giao lại cho người bệnh và cuối cùng là một phiếu góp ý. Dĩ nhiên là họ làm tất cả những điều này với nụ cười.

Biết nói gì đây về khoảng cách y tế của Việt Nam với nước ngoài mà cụ thể là Singapore? Khi mà ở Việt Nam một bác sĩ phải khám vài chục bệnh nhân cho một buổi sáng thì không còn hơi sức đâu để đi sâu nghiên cứu. Khi mà một khoa bệnh nhân vừa nằm trên giường, vừa nằm dưới đất thì khó mà chăm sóc có chất lượng.

Chúng ta rồi cũng sẽ có trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại nếu chúng ta có tiền. Nhưng trình độ y học, mức đầu tư cho y tế, cách thức tổ chức bệnh viện, đào tạo cán bộ mà trước hết là thái độ, cách ứng xử với người bệnh là cái không phải hễ có GDP cao là có được.

Hiện tượng người Việt bỏ hàng tỉ đôla để trị bệnh ở nước ngoài không phải do thừa tiền, xài sang mà thực sự ngoài việc người ta mong tìm được cơ may sống sót người ta còn mong được đối xử đúng với quan hệ của người thầy thuốc - bệnh nhân.

BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm BV Nhi đồng 1:

Ở BV Nhi đồng 1 thỉnh thoảng có gặp bệnh nhân mắc hội chứng Reye nhập viện với bệnh cảnh bị viêm não. Chẩn đoán ban đầu thường là viêm não, xét nghiệm thấy có tổn thương gan. Đây là bệnh cảnh não + gan. Muốn chẩn đoán hội chứng Reye chính xác ngoài chẩn đoán hình ảnh ở não thì cần phải sinh thiết gan.

Nguyên nhân mắc hội chứng Reye có thể do cúm hoặc thủy đậu, người bệnh kèm dùng một loại thuốc nào đó, đặc biệt là Aspirin. Người mắc hội chứng Reye còn có một loại men chuyển hóa thuốc ở gan đặc biệt, nó mang tính cơ địa bẩm sinh.

Nếu bị mắc hội chứng này thì không có thuốc đặc trị mà chỉ điều trị bảo tồn, không để suy gan quá nặng và giữ không cho phù não gây tử vong, sau đó cơ thể sẽ từ từ điều chỉnh các chức năng trở lại.

Những đứa trẻ bị cảm cúm, thủy đậu phụ huynh không nên cho con uống thuốc lung tung, rất nguy hiểm. Nếu trẻ nôn ói nhiều có thể là chỉ điểm của hội chứng Reye. Tuy nhiên, với trẻ mắc bệnh này thì tình trạng diễn tiến nhanh, rất nặng và thường phải nhập viện cấp cứu, điều trị chuyên khoa.

DUY TÍNH ghi

ANH THƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm