Ngày 12-7, cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva bị tuyên án gần 10 năm tù vì tham nhũng và rửa tiền. Ông Lula da Silva hiện 71 tuổi, là tổng thống Brazil thời gian 2003-2010, là nhân vật có ảnh hưởng rất lớn ở Mỹ La tinh trong hàng thập niên.
Cuộc điều tra Carwash về vụ tham nhũng liên quan ông Lula da Silva kéo dài ba năm, ảnh hưởng đến rất nhiều nhân vật cấp cao Brazil. Ông Lula da Silva bị kết tội nhận hối lộ 1,1 triệu USD từ một công ty xây dựng để bôi trơn hoạt động cho công ty này. Đổi lại số tiền này, công ty xây dựng này đã nhận được nhiều hợp đồng béo bở từ tập đoàn dầu mỏ quốc gia Petrobras.
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva bị tuyên án gần 10 năm tù vì tham nhũng và rửa tiền. Ảnh: NYT
Với phán quyết này, con đường chính trị của ông Lula da Silva xem như kết thúc. Thẩm phán Sergio Moro dẫn luật Brazil rằng ông Lula da Silva sẽ không được tham gia ứng cử chính trị trong thời gian gấp đôi hình phạt tù, tức là 19 năm. Luật sư đại điện ông Lula da Silva cho biết sẽ kháng cáo.
Phán quyết của thẩm phán Moro đã gây ra một cơn địa chấn chính trị ở Brazil, nơi những người có quyền và tiền thường không bị trừng phạt.
Thái độ quyết liệt chống tham nhũng của thẩm phán Moro nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân Brazil, đất nước bị tham nhũng hoành hành nghiêm trọng. Tuy nhiên, phán quyết của ông với ông Lula da Silva có thể gây ra sự chia rẽ và thù địch giữa những người trung thành và phản đối ông Lula da Silva.
Thẩm phán Sergo Moro. Ảnh: GETTY IMAGES
“Đây là một quyết định lịch sử. Chiến dịch Carwash đã chạm tới tầng lớp cao nhất, hạ bệ một biểu tượng quyền lực của Brazil” - Giáo sư quan hệ quốc tế Christopher Sabatini tại ĐH Columbia (Mỹ) nhận định.
Sau phán quyết, tại nhiều TP Brazil xuất hiện các dòng người biểu tình, cả ủng hộ lẫn phản đối. Đảng Công nhân của ông Lula da Silva ra tuyên bố rằng phán quyết là một “đòn tấn công vào dân chủ”, cho biết có kế hoạch biểu tình phản đối trên cả nước.
Người biểu tình ủng hộ và phản đối phán quyết đối đầu nhau ở TP Sao Paolo (Brazil) tối 12-7. Ảnh: GETTY IMAGES
Từ tháng 6-2013 đến nay, Brazil thường xuyên chìm trong bất ổn vì khủng hoảng kinh tế và các cáo buộc tham nhũng, sai phạm tài chính liên quan đến các nhân vật chính trị cấp cao. Cựu Tổng thống Dilma Rousseff, người được ông Lula da Silva chọn kế nhiệm đã bị bãi chức năm 2016 vì vi phạm luật ngân sách.
Chính phủ hiện tại của Tổng thống Michel Temer cũng đang lao đao với các cáo buộc tham nhũng. Bản thân ông Temer đang là tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Brazil bị truy tố tham nhũng. Dự kiến trong tuần này, ông Temer sẽ phải đối mặt cuộc bỏ phiếu của Quốc hội đồng ý đưa ông ra Tòa án Tối cao.
Nếu nhìn qua thì phán quyết của ông Lula da Silva là tin tốt với chính phủ ông Temer, theo nghị sĩ Alvaro Dias của Brazil. Tuy nhiên, theo GS Sabatini, xét kỹ hơn thì đây là tin xấu với toàn bộ hệ thống chính trị Brazil.