Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff ngày 31-8 đã chính thức bị phế truất. Với 61 phiếu thuận và 20 phiếu chống, Thượng viện Brazil đã luận tội và thống nhất bãi nhiệm chức vụ tổng thống của bà Rousseff.
Cái kết cay đắng
Người thay thế bà Rousseff chính là “phó tướng” của bà - Phó Tổng thống Michel Temer. Nữ chính trị gia Brazil đã từng đặc biệt tin cậy ông Michel Temer, gọi ông một cách thân mật là “Michel thân mến của tôi”. Thế nhưng cuộc khủng hoảng chính trị tại Brazil đã dẫn đến cái kết vô cùng cay đắng cho bà Rousseff. Tháng 4-2016, nữ chính trị gia Brazil đã công khai cáo buộc người cộng sự thân tín của mình chính là kẻ đứng sau toàn bộ âm mưu lật đổ bà tại Brazil.
Các đối thủ chính trị của bà Rousseff đã yêu cầu Thượng viện luận tội bà với cáo buộc che giấu thâm hụt ngân sách từ các dự án xã hội, đưa ra chi tiêu ngân sách mà không có sự thông qua của Quốc hội. Nhóm đối lập cho rằng bà Rousseff đã phạm tội cấp quốc gia và cần bị phế truất. Cựu tổng thống Brazil đã bác bỏ các cáo buộc này và khẳng định các nhóm đối lập tìm cách thổi phồng vấn đề do không thể chấp nhận chiến thắng của đảng cánh tả.
Trong suốt 10 tháng qua, bà Rousseff đã tìm mọi cách để lật ngược tình thế nhưng cuối cùng vẫn thất bại. “Họ nghĩ rằng chúng ta đã bị đánh bại.
Nữ Tổng thống Brazil Dilma Rousseff chính thức bị phế truất sau khi Thượng viện bỏ phiếu luận tội. Ảnh: REUTERS
Đại án tham nhũng: Đòn chí tử
Về bề mặt, quyết định luận tội bà Rousseff dựa trên các cáo buộc nữ chính trị gia Brazil chỉ đạo chỉnh sửa sổ sách của chính phủ trong thời gian vận động tái tranh cử tổng thống Brazil năm 2014. Các cáo buộc cho rằng bà cố tình che giấu quy mô của thâm hụt ngân sách quốc gia nhằm giành chiến thắng trong kỳ tổng tuyển cử. Tuy nhiên, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến thất bại cay đắng của bà Rousseff chính là những bê bối tham nhũng quy mô khổng lồ liên quan đến Tập đoàn Petrobras, tập đoàn dầu khí quốc gia mà bà từng giữ vị trí lãnh đạo.
Trong khoảng thời gian từ năm 2004 đến 2014, Petrobras, tập đoàn lớn nhất Brazil và nằm trong số những tập đoàn lớn nhất thế giới, đã dính líu vào một mạng lưới tham nhũng khổng lồ vô tiền khoáng hậu. Tổng số tiền hối lộ và lót tay giữa các cá nhân và tổ chức có thể lên đến gần 5,3 tỉ USD, theo trang phân tích thời sự Vox. Lãnh đạo các công ty xây dựng trong và ngoài Brazil đã bí mật tạo lập một mạng lưới chi phối hoạt động đấu thầu cho các hợp đồng của Petrobras. Mạng lưới này đã buộc tập đoàn Brazil phải trả các khoản tiền vô cùng đắt đỏ. Các doanh nhân này sau đó chuyển một phần lợi nhuận hối lộ cho quan chức của Petrobras và các chính trị gia để giữ cho mạng lưới này không bị bại lộ. Thế nhưng trong một cuộc điều tra vào năm 2013, cảnh sát Brazil đã khui ra được các hoạt động hối lộ và gian lận đấu thầu khổng lồ này. Xã hội Brazil khi đó đã vô cùng phẫn nộ trước mức độ tham nhũng khủng khiếp của các chính trị gia và giới doanh nhân hàng đầu của đất nước. Hàng triệu người đã xuống đường biểu tình.
Vụ đại án tham nhũng Petrobras là một đòn chí tử đối với sự nghiệp chính trị của bà Rousseff và đảng Công nhân (PT) lãnh đạo Brazil suốt gần 13 năm qua. Không có bất kỳ bằng chứng nào cho thấy bà Rousseff trực tiếp liên quan đến mạng lưới tham nhũng. Tuy nhiên, bà Rousseff giữ ghế chủ tịch hội đồng quản trị Petrobras từ năm 2003 đến 2010, đúng khoảng thời gian mà hoạt động hối lộ và gian lận đấu thầu diễn ra với lượng tiền khổng lồ, theo Mercopress. Điều này tác động ghê gớm lên uy tín và năng lực quản lý của bà Rousseff. Đảng cánh tả của bà Rousseff cũng đánh mất hoàn toàn hình ảnh ngọn cờ đầu trong đấu tranh chống tham nhũng của Brazil.
Giữa lúc nền kinh tế Brazil đang suy thoái, vụ bê bối tham nhũng này như đổ thêm dầu vào lửa khiến người dân Brazil vô cùng phẫn nộ. Các đối thủ chính trị của bà Rousseff nhanh chóng tranh thủ thời cơ đưa ra các cáo buộc để tìm cách luận tội bà. Trang The Foreign Policy bình luận số phận của vị nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử Brazil đã được an bài từ trước khi Hạ viện bắt đầu bỏ phiếu.
Tân Tổng thống Michel Temer từng là cộng sự thân cận của bà Rousseff. Ảnh: TÂN HOA XÃ
Hàng triệu người dân Brazil đã biểu tình sau khi đại án tham nhũng Petrobras bị phanh phui. Ảnh: GETTY
Tương lai bất ổn
Với quyết định này, Phó Tổng thống Michel Temer sẽ chính thức đảm nhiệm chức vụ tổng thống Brazil trong thời gian chờ đợi kỳ tổng tuyển cử kế tiếp, nhiều khả năng sẽ được tổ chức sớm vào cuối năm 2016. Nếu theo đúng nhiệm kỳ bốn năm, cuộc tổng tuyển cử kế tiếp bầu tổng thống, Quốc hội và chính quyền các bang tại Brazil đáng lẽ sẽ được tổ chức vào năm 2018. Hiện Quốc hội Brazil vẫn chưa chính thức thống nhất về thời điểm tổ chức tổng tuyển cử.
Tuy nhiên, bất ổn chính trị của Brazil chắc chắn vẫn chưa đến hồi kết. Giới lãnh đạo mới của Brazil giờ đây vẫn chưa hết lo lắng tìm cách bảo vệ tính hợp pháp của mình. Trong vài tháng qua, liên minh chính trị hạ bệ bà Rousseff đã vấp phải nhiều chỉ trích cho rằng hành động của họ không khác gì đảo chính. Một số chính trị gia còn đe dọa kiện những quan chức nào dám đưa ra luận điểm này. Bản thân ông Temer trong thời gian tới cũng phải tìm cách tự vệ. Các cuộc điều tra chống tham nhũng vẫn diễn ra độc lập song song với các biến động chính trị của Brazil. Theo The Guardian, tân Tổng thống Temer và các đồng minh chính trị thân cận của ông cũng có thể bị đe dọa, do đại án tham nhũng quy mô rất lớn. Sự chia rẽ về quan điểm chính trị tại Brazil hiện rất căng thẳng, chỉ một mảy may sai lầm cũng có khả năng đẩy ông Temer vào tình cảnh khốn đốn như người tiền nhiệm của mình.
Tờ The Guardian bình luận quyết định phế truất bà Rousseff sẽ để lại những hệ quả lâu dài đối với đời sống chính trị Brazil. Nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ giờ không được lãnh đạo bởi một chính phủ dân cử mà là một kết quả của những dàn xếp chính trị. Không những vậy, liên minh cầm quyền mới tại Brazil sẽ quyết liệt tìm cách thay đổi chính sách kinh tế-xã hội gần như 180 độ. Sau bốn kỳ tổng tuyển cử thất bại, các đối thủ của đảng PT sẽ quyết liệt tìm cách làm suy yếu các luật bảo vệ công nhân, cắt giảm ngân sách cho các chương trình giáo dục và sức khỏe cộng đồng. Quốc hội Brazil cũng đang cân nhắc thông qua một loạt biện pháp tác động đến đất đai của các dân tộc thiểu số, nới lỏng các biện pháp bảo vệ môi trường… Các thay đổi này nhiều khả năng sẽ châm ngòi cho những bất ổn xã hội tiềm tàng ở Brazil, đặc biệt là tình trạng bất bình đẳng.
Nhân vật chính trị nổi cộm nhất của đảng PT dính líu đến đại án Petrobras lại chính là cựu Tổng thống Luiz Inácio Lula da Silva, người thầy dẫn dắt bà Rousseff trên chính trường. Các điều tra viên phát hiện ông Lula da Silva cùng quỹ từ thiện do ông lập ra đã nhận gần 7,8 triệu USD từ các hãng xây dựng dính líu đến đại án tham nhũng Petrobras. Vào tháng 3-2016, cảnh sát Brazil đã khám xét tư dinh của vị cựu tổng thống, đồng thời tạm giam ông một thời gian ngắn để điều tra. Thế nhưng cũng vào tháng 3-2016, nữ Tổng thống Rousseff đã cố tìm cách chỉ định đưa “thầy” mình vào nội các chính phủ. Theo luật pháp Brazil, các bộ trưởng chính phủ sẽ được xét xử tại những phiên tòa đặc biệt. Thế nhưng các phiên tòa này chưa từng kết tội một bộ trưởng nào cả, theo trang phân tích Vox. Một đoạn băng nghe lén bà Rousseff sau đó đã bất ngờ được công bố, xác nhận quyết định nhân sự của bà là nhằm bảo vệ thầy mình khỏi các cáo buộc tham nhũng. Tòa án Brazil quyết định hoãn việc bổ nhiệm ông Lula da Silva, cáo buộc quyết định này là bất hợp pháp. |