Ngày 13-3, một cuộc siêu biểu tình đã diễn ra đồng loạt ở khắp Brazil với quy mô hơn triệu người đòi lật đổ Tổng thống Dilma Rousseff và đảng cầm quyền Lao động.
Cảnh sát ước tính biểu tình diễn ra ở hơn 236 TP ở 26 bang với khoảng 3,5 triệu người tham gia. Người biểu tình mặc trang phục màu cờ quốc gia chạy ra các đường phố cho biết hy vọng áp lực từ cuộc siêu biểu tình này sẽ buộc Quốc hội phế truất Tổng thống Dilma Rousseff.
Siêu biểu tình lật đổ chính phủ ở Sao Paulo (Brazil) ngày 13-3. Ảnh: AFP
Cuộc biểu tình lớn nhất diễn ra ở TP Sao Paulo, trung tâm tài chính lớn nhất của Brazil và là căn cứ chính của phe phản đối chính phủ với hơn 450.000 người tham gia. Con số này vượt qua cả quy mô cuộc tuần hành ủng hộ dân chủ tháng 4-1984 khi Brazil chấm dứt 20 năm giới quân sự cầm quyền.
Tổng thống Dilma Rousseff lên truyền thông tuyên bố sẽ không từ chức, đề nghị người dân bình tĩnh không để biểu tình biến thành bạo lực.
Brazil đang trong cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế nghiêm trọng. Kinh tế Brazil đang trong giai đoạn suy thoái tồi tệ nhất trong 25 năm. Mới đây nhất, tín nhiệm đầu tư vào Brazil bị giảm. Dân Brazil bất mãn vì các nhà chính trị không có hành động gì cứu vãn kinh tế đang đi xuống mà chỉ lo bất đồng, tranh giành quyền lực.
Siêu biểu tình lật đổ chính phủ ở Sao Paulo (Brazil) ngày 13-3. Ảnh: AFP
Các cuộc thăm dò ý kiến cho thấy hơn một nửa dân Brazil muốn thay tổng thống. Bà Dilma Rousseff làm Tổng thống Brazil từ năm 2011 và được bầu lại nhiệm kỳ hai vào năm 2014.
Uy tín của Tổng thống Dilma Rousseff trước Quốc hội đang giảm mạnh không chỉ vì kinh tế suy thoái và còn vì dính với một vụ bê bối tham nhũng lớn liên quan đến Công ty Petrobras.
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva (nhiệm kỳ 2003-2010) hiện là cố vấn trưởng của bà Dilma Rousseff cũng đang đối mặt cáo buộc là một phần trong đường dây tham nhũng Petrobras. Chưa hết, ngày 9-3, ông Luiz Inacio Lula da Silva đã bị khởi tố vì cáo buộc sở hữu một căn hộ cao cấp mà không khai báo.
Một số cố vấn thân cận của Tổng thống Dilma Rousseff cũng đang bị giam chờ điều tra cáo buộc tham nhũng.
Siêu biểu tình lật đổ chính phủ ở Sao Paulo (Brazil) ngày 13-3. Ảnh: AFP
Viễn cảnh chính trị u ám của bà Dilma Rousseff và đảng Lao động làm đảng Phong trào Dân chủ Brazil (PMDB), liên minh chủ chốt của chính phủ bà Dilma Rousseff cảnh báo sẽ rời khỏi liên minh trong một tháng nữa.
Nếu bà Dilma Rousseff bị Quốc hội tước quyền tổng thống, Phó Tổng thống Michel Temer, lãnh đạo đảng PMDB sẽ kế nhiệm.
Chưa rõ liệu cuộc siêu biểu tình sẽ dẫn đến thay đổi chính trị ở Brazil. Tuy nhiên, báo Wall Street Journal (Mỹ) nhận định các nhóm đối lập Brazil thiếu chuyên nghiệp và không đủ năng lực tận dụng cơ hội này để lật đổ bà Dilma Rousseff.
Nhà khoa học chính trị Pedro Fassoni Arruda đang là giáo sư tại ĐH Pontifical (Brazil) nỗ lực lật đổ bà Dilma Rousseff sẽ chỉ dừng ở các cuộc biểu tình.