Luật sư Đỗ Ngọc Thịnh, Chủ tịch LĐLSVN chủ trì buổi bồi dưỡng kỹ năng này với sự tham gia của các đại diện luật sư của Đoàn Luật sư TP.HCM và các đoàn luật sư các tỉnh lân cận như Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai, Bến Tre, Tiền Giang...
Luật sư ký hợp đồng trợ giúp pháp lý
Ths. Vũ Thị Hường, Phó cục trưởng Cục Trợ giúp pháp lý (Bộ Tư pháp) trình bày tham luận nội dung phối hợp giữa Bộ Tư pháp và LĐLSVN trong hoạt động trợ giúp pháp lý của luật sư và tổ chức hành nghề luật sư.
Ngày 1-1-2018, Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL) có hiệu lực. Trong đó, việc thu hút các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư tham gia trợ giúp pháp lý để kịp thời cung cấp dịch vụ pháp lý có chất lượng cho người được trợ giúp pháp lý. So với Luật TGPL năm 2016 thì Luật năm 2017 này đã bổ sung, chính sách “nâng cao chất lượng TGPL, thu hút các nguồn lực thực hiện TGPL, hỗ trợ và ghi nhận. Một trong những điểm mới của Luật TGPL mới này nữa đó là quy định về việc lựa chọn, ký hợp đồng thực hiện TGPL giữa Sở Tư pháp với các tổ chức hành nghề luật sư. Sau khi được lựa chọn, các tổ chức này ký hợp đồng thực hiện TGPL với Sở Tư pháp và được nhận thù lao, chi phí thực hiện TGPL theo quy định.
Như vậy Luật mới này khẳng định rõ hơn chính sách của Nhà nước nhằm huy động hiệu quả tất cả các nguồn lực xã hội cho công tác TGPL, trong đó có việc huy động các tổ chức hành nghề luật sư và luật sư tham gia TGPL với mục tiêu lấy người được TGPL làm trung tâm, cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, có chất lượng cho người được TGPL…
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư TP.HCM phát biểu tại buổi bồi dưỡng
Theo Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Đoàn luật sư TP.HCM thì thực hiện TGPL không chỉ là chức năng, trách nhiệm của luật sư đối với xã hội, là nghĩa vụ bắt buộc đối với luật sư đã được luật định, mà còn là đạ đức nghề nghiệp của luật sư.
Để thực hiện được tốt việc TGPL thì luật sư phải nắm được các chế định cơ bản liên quan đến việc trợ giúp pháp lý về phương thức thực hiện, người được trợ giúp pháp lý (người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, trẻ em…); lĩnh vực hình sự, hình thức…Khi luật sư TGPL là việc luật sư cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí cho người được TGPL theo quy định pháp luật, góp phần bảo đảm quyền con người; quyền công dân trong tiếp cận công lý và bình đẳng trước pháp luật…
Luật sư là công chức được Nhà nước trả lương
Luật sư Tsukahara Masanori, chuyên gia pháp lý (Dự án JICA) chia sẻ về công tác TGPL của Nhật Bản. Ở Nhật, phải chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn trước tháng 10-2006, hoạt động TGPL do Liên đoàn luật sư Nhật Bản sử dụng kinh phí đóng góp của các luật sư để mở các điểm TGPL vùng sâu, xa (trong núi, đảo). Liên đoàn sẽ cử những luật sư đến lưu trú những địa điểm trợ giúp đó để thực hiện công việc của mình. Tại Nhật có 117 điểm như vậy nhưng sau đó chỉ còn 49 điểm.
Luật sư Tsukahara Masanori, chuyên gia pháp lý (Dự án JICA)
Toàn nước Nhật có 70 trung tâm TGPL. Luật sư làm việc cho Trung tâm và được xem là công chức được trả lương và họ yên tâm thực hiện công việc TGPL cho các đối tượng cần trợ giúp. Trung tâm là nơi đầu mối để các cơ quan tòa án tìm đến khi cần có luật sư chỉ định.
Luật sư Phan Trung Hoài, Phó chủ tịch LĐLSVN giới thiệu ba tập Sổ tay Luật sư