Đa dạng hóa sinh kế giúp dân thoát nghèo

(PLO)- Nhờ thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) từng bước giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm vươn lên thoát nghèo.

Hàng ngàn hộ thoát nghèo

Theo thống kê của Phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Cơ, năm 2021 toàn huyện có 2.923 hộ nghèo, chiếm 15,21%. Trong đó, số hộ nghèo là người đồng bào dân tộc thiểu số 2.628 hộ, chiếm 32,74%.

Tuy nhiên, sau ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, số hộ nghèo toàn huyện đã giảm nhanh chóng, còn 1.570 hộ nghèo, chiếm 7,92 %, giảm 1.353 hộ so với cuối năm 2021 (hàng năm giảm 2,43%), vượt chỉ tiêu tỉnh và huyện giao là giảm trên 2,2%.

Nhiều gia đình từ hoàn cảnh cực kỳ khó khăn đã vươn lên thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Ksor Vi (28 tuổi, ngụ làng Zit Rông 2, xã Ia Din) từ hoàn gia cảnh nghèo khó, thiếu ăn thường xuyên nay đã có cơ ngơi đầy đủ, tài sản hàng trăm triệu đồng và nhà xây khang trang.

Chị Vi vui mừng kể: “Cách đây vài năm, nhà mình khổ lắm, thường xuyên thiếu ăn, nhà dột mưa không có chỗ để mà ngủ. Nay được nhà nước hỗ trợ xây nhà bê tông, hỗ trợ bò giống và vay vốn nên đã thoát được nghèo rồi”.

Hiện nay, kinh tế gia đình chị Vi đã có thu nhập ổn định trên 100 triệu đồng/năm, có 500 cây cà phê đang vào kỳ kinh doanh, bốn con bò và chồng làm công nhân cạo mủ cao su, lương ổn định.

Đa dạng hóa sinh kế giúp dân thoát nghèo.jpg
Gia đình chị Ksor Vi đã thoát nghèo, vươn lên khá.

Tương tự, hộ chị Kpuih Phư (35 tuổi) từ nghèo đã vươn lên cận nghèo. Cách đây 5 năm, gia đình chị được bố mẹ cho tách hộ ở riêng với hai bàn tay trắng, trong khi phải nuôi thêm ba con nhỏ.

Nhờ được hỗ trợ kịp thời, vợ chồng mình đã tiết kiệm mua rẫy cà phê 600 cây và trồng thêm vườn điều, cuộc sống giờ đã ổn định và chuẩn bị thoát nghèo”, chị Phư nói.

Theo ông Siu Bíu, Phó Chủ tịch UBND Ia Din, nhờ có Chương trình MTQG, nhiều hộ nghèo trên địa bàn xã được hỗ trợ kịp thời về vốn, mô hình phát triển kinh tế thoát nghèo, bà con rất phấn khởi.

Tùy vào điều kiện gia đình, các hộ nghèo có thể lựa chọn cho mình mô hình phù hợp, được cán bộ tập huấn và hỗ trợ kỹ thuật. Xã cũng đang triển khai mô hình mới, nuôi heo sọc dưa phù hợp với nhiều hộ dân.

Thay đổi nếp nghĩ, cách làm

Theo UBND huyện Đức Cơ, hàng năm địa phương đều ban hành các kế hoạch và văn bản phù hợp với tình hình thực tế, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương triển khai thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và phổ biến sâu rộng trong nhân dân.

Ban Chỉ đạo các Chương trình MTQG huyện giai đoạn 2021-2025 cũng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện tốt công tác giảm nghèo, nhân rộng được các mô hình giảm nghèo hiệu quả.

Kết quả, từ năm 2022 đến nay, huyện Đức Cơ đã có 1.400 hộ thoát nghèo và tổ chức hàng chục lớp tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo cho người dân.

Thực hiện đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất 16/31 mô hình theo các loại hình nông, lâm nghiệp; đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho giáo dục nghề nghiệp; đào tạo nghề cho người lao động; tổ chức tập huấn nâng cao năng lực giảm nghèo; ưu đãi vốn vay cho hộ nghèo... và xóa nhà dột nát cho 192 hộ nghèo.

Ông Trương Minh Hiệp, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Đức Cơ, cho biết: “Từ khi Chương trình triển khai sâu rộng trên địa bàn đã làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của người dân. Các hộ dân đã chủ động hơn trong công tác giảm nghèo, thay vì bị động trông chờ hỗ trợ”.

Theo ông Hiệp, các mô hình hỗ trợ giảm nghèo hiện nay rất đa dạng, người dân có thể tự ý lựa chọn mô hình phù hợp với điều kiện của mình. Tuy nhiên, cái khó nhất hiện nay mà nhiều hộ nghèo gặp phải là tỉ lệ đối ứng vốn dự án còn cao (40%), gây khó khăn cho các hộ nghèo.

Trong thời gian tới, huyện Đức Cơ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo. Nâng cao năng lực đội ngũ những người làm công tác giảm nghèo.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm