Ngày 2-11, tại Cần Thơ, Thời báo Kinh Tế Việt Nam,Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tổ chức Hội thảo “Sản xuất và xuất khẩu gạo Việt Nam trong giai đoạn mới”.
Ngày 15-8-2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 107/2018 về kinh doanh xuất khẩu gạo. Nghị định là bước tiến mới về thể chế, hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo và công tác điều hành xuất khẩu theo hướng mở, xây dựng thể chế kiến tạo, minh bạch.
Quang cảnh hội thảo.
Trao đổi về những tác động của Nghị định 107 đối với ngành xuất khẩu lúa gạo, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Intimex Group, cho biết: Trước khi Nghị định 107 được ban hành thì xuất khẩu gạo của chúng ta chủ yếu là xuất khẩu đầu mối với 150 doanh nghiệp nhưng thực chất chỉ có khoảng 40 doanh nghiệp xuất khẩu tương đối lớn.
Hầu hết các doanh nghiệp thực thi theo các hợp đồng Chính phủ, hợp đồng Chính phủ có hiệu quả cao thì doanh nghiệp mới tồn tại tốt, còn ngược lại thì các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn, thậm chí có doanh nghiệp từ chối không thực thi các hợp đồng Chính phủ.
Ngoài ra, việc đấu thầu các hợp đồng Chính phủ có điểm nhược là không giỏi về mở rộng trường làm cho thị trường gạo chúng ta bị phụ thuộc vào hợp đồng Chính phủ nhiều hơn.
“Đã từng có trường hợp doanh nghiệp bỏ giá rất thấp dẫn đến bản thân doanh nghiệp cũng bị lỗ và ảnh hưởng đến cả hệ thống trong nước. Khi có Nghị định 107 này thì chúng ta mở rộng thị trường cho doanh nghiệp, giao lưu học hỏi với các doanh nghiệp có kinh nghiệm về xuất nhập khẩu. Vấn đề đặt ra làm sao để có một giá đấu thầu thật tốt.
Một điểm nữa là các doanh nghiệp trước đây làm gì cũng phải đăng ký qua hiệp hội. Điều này có lợi thế là hiệp hội nắm rất rõ tình hình diễn biến, sản phẩm hàng hóa chúng ta sẽ bán ra hoặc đang bán. Nhưng đây cũng là điểm khó cho doanh nghiệp vì làm gì cũng đi đăng ký, đôi khi giá sàn cũng không làm cho chúng ta thắng thầu được. Từ đó dẫn đến có trường hợp tạo ra giá giả để làm sao có thể đăng ký được với hiệp hội.
Nay cơ chế của Nghị định 107 thì mở thoáng ra rất nhiều, tạo nhiều cơ hội nhưng cũng tạo thử thách rất nhiều. Bản thân vai trò hiệp hội cũng phải thay đổi về phương pháp quản lý điều hành.
"Điều mà chúng tôi luôn quan tâm là dù làm ngành chúng ta có mở rộng như thế nào thì các doanh nghiệp cố gắng liên kết lại, phân công khi đi đấu thầu đưa ra cái giá có lợi nhất cho người nông dân và cả doanh nghiệp. Một điểm khác các doanh nghiệp cần phải đặc biệt lưu ý là năng lực đối ngoại, năng lực đàm phán và giữ chữ tín trong kinh doanh thì sẽ tạo cơ hội lớn cho ngành gạo" - ông Nam nhận định.