Đã kiểm soát 2 chùm ca nhiễm ở quận 1 và Gò Vấp

Chiều 21-2, Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế TP.HCM đã tổ chức họp báo định kỳ về tình hình dịch trên địa bàn.

Quận 1 phong tỏa chung cư đúng hướng dẫn

Liên quan đến việc UBND phường Bến Nghé ra văn bản ban hành quyết định phong tỏa tạm thời chung cư 89-91 Nguyễn Du sau khi phát hiện nhiều ca mắc COVID-19 và gỡ phong tỏa sau 6 giờ đồng hồ, lãnh đạo UBND quận 1 và Sở Y tế đã có giải trình về việc này.

Phó Chủ tịch UBND quận 1 Nguyễn Duy An cho biết sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân hôm 18-2 về các triệu chứng nghi nhiễm COVID-19 ở chung cư 89-91 Nguyễn Du, Trạm y tế phường Bến Nghé đã tiến hành test nhanh và phát hiện sáu trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2.

Ông Nguyễn Duy An, Phó Chủ tịch UBND quận 1, thông tin tại họp báo.
Ảnh: TÁ LÂM

Đến ngày 20-2, tiếp tục test nhanh toàn bộ người dân trong chung cư này và đã ghi nhận thêm 17 người mắc COVID-19, nâng tổng số người nhiễm lên 23 người thuộc 15 hộ dân trong tổng số 65 hộ dân của chung cư này. “Qua đánh giá mức độ giao lưu, quận xác định đây là chung cư nhỏ nhưng khá đông dân, buổi trưa có nhiều người đến gửi xe, ăn uống” - ông An nói.

Do vậy, căn cứ theo Công văn 7963 của Sở Y tế, phường Bến Nghé đã xử lý ổ dịch tại cộng đồng theo hướng phong tỏa tạm thời chung cư 89-91 Nguyễn Du trong vòng 24 giờ để xét nghiệm lần hai nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn nguồn lây nhiễm, tránh phát sinh ca nhiễm dẫn đến tình huống phức tạp xảy ra.

Đến trưa 21-2, qua kết quả xét nghiệm sàng lọc và trên cơ sở đánh giá tình hình dịch bệnh, Trạm y tế phường Bến Nghé nhận thấy ổ dịch cơ bản được kiểm soát. Do vậy, UBND phường Bến Nghé đã ban hành văn bản thông báo kết thúc thời gian tạm thời phong tỏa chung cư 89-91 Nguyễn Du, chỉ cách ly một số hộ dân có ca nhiễm.

Phó chủ tịch UBND quận 1 cho biết thời gian tới, do xác định đây là vùng nguy cơ thấp nên sẽ xét nghiệm năm ngày/lần đến khi không còn phát hiện F0 nữa. Những người xét nghiệm âm tính được đi lại nhưng giới hạn trong việc giao tiếp và khai báo y tế để theo dõi tình hình di động, không được tham dự sự kiện tập trung quá 10 người, nếu có triệu chứng sẽ được test nhanh. Phường Bến Nghé cũng chỉ đạo tổ COVID-19 cộng đồng tăng cường giám sát những người dân và hộ gia đình có F0, không để dịch bệnh lây lan và xử lý nghiêm những người vi phạm hoặc cố tình vi phạm.

Chung cư 89-91 Nguyễn Du (quận 1, TP.HCM) đượgỡ phong tỏa sau 6 giờ đồng hồ khi lực lượng chức năng đã kiểm soát được số ca nhiễm COVID-19
ở đây. Ảnh: NGUYỆT NHI

Tại buổi họp báo, PV đặt câu hỏi về việc phường Bến Nghé ra văn bản phong tỏa tạm thời chung cư 89-91 Nguyễn Du trong bối cảnh TP.HCM cùng cả nước thực hiện “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì có hợp lý hay không?

Trả lời câu hỏi này, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho rằng phường Bến Nghé, quận 1 đã làm đúng hướng dẫn của Sở Y tế và Bộ Y tế.

Theo bà Mai, Sở Y tế có hướng dẫn tạm thời phong tỏa để có thể thực hiện các nhiệm vụ, bao gồm điều tra, truy vết, khoanh vùng và được thể hiện trong Quyết định 218 mà Bộ Y tế ban hành về việc hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128 (thay thế Quyết định 4800 trước đây). Nghĩa là phải làm nhanh việc này, sau khi xét nghiệm xong, phường phải dỡ bỏ phong tỏa để người dân có thể hoạt động bình thường, linh hoạt theo Nghị quyết 128 của Chính phủ. “Việc một số người hoang mang rằng chúng ta có thể trở về thời kỳ trước đây, tức là khi có ca bệnh thì trong bán kính 100 m phải giăng dây là hoàn toàn không có. Quận 1 và quận Gò Vấp đã thực hiện đúng hướng dẫn” - bà Mai nói.

Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho rằng điều phức tạp của chuỗi lây nhiễm ở quận Gò Vấp là các F0 học tập tại bảy trường khác nhau. Do vậy, nếu việc truy vết không chính xác và quyết liệt, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ xảy ra. 

Chuỗi lây nhiễm ở quận Gò Vấp đã được kiểm soát

Liên quan đến chuỗi lây nhiễm mới được phát hiện tại một tu viện trên đường Dương Quảng Hàm (phường 5), Phó Chủ tịch UBND quận Gò Vấp Nguyễn Ngọc Anh cho biết tu viện này có giấy phép hoạt động theo quy định. Nhiều năm qua, tu viện đã tạo điều kiện cho các học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương cũng như tại các tỉnh lân cận lưu trú để tham gia các lớp học trên địa bàn TP.HCM.

Hiện tu viện này đang nhận hỗ trợ 140 học sinh tuổi từ 11 trở lên theo học từ lớp 6 đến lớp 12. Thời điểm ghi nhận chuỗi ca nhiễm, có 20 linh mục, tu sĩ thường xuyên ăn ở, sinh hoạt tôn giáo tại tu viện.

Ngày 15-2, Trường THCS An Nhơn phát hiện một học sinh lớp 7 có triệu chứng nghi ngờ nhiễm COVID-19. Đây là học sinh cư trú tại tu viện trên. Sau khi em này có kết quả dương tính, ngành y tế quận, phường và tu viện đã phối hợp thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và khoanh vùng, cách ly tất cả người đang sinh sống trong tu viện để tiến hành xét nghiệm theo quy định. Kết quả đã phát hiện 54 trường hợp F0, trong đó có một tu sĩ sinh năm 1990, người này làm nhiệm vụ quản lý trực tiếp học sinh lưu trú tại tu viện. Do tất cả 54 F0 này đã được tiêm vaccine nên hầu như các em không có triệu chứng, một số có triệu chứng rất nhẹ, chưa cần can thiệp điều trị.

“Do khuôn viên tu viện rộng, có ba dãy nhà riêng biệt, ngành y tế đã hướng dẫn tu viện để 54 trường hợp F0 này cách ly tại một dãy nhà và tiến hành các biện pháp cần thiết như khử khuẩn toàn khuôn viên, cách ly F1. Ngoài ra, ngành y tế đã xác định 53 trường hợp F1 tiếp xúc gần với F0 và đã được cách ly tại một dãy nhà riêng khác” - ông Anh nói.

Đối với các linh mục, tu sĩ do sinh hoạt tại một khu riêng, vì thế qua xét nghiệm và theo dõi, ngành y tế chưa phát hiện triệu chứng tại nhóm này. Hiện tại, nhiều ngày nay tu viện này không có thêm F0 và không có thêm người có triệu chứng, những khu vực sinh hoạt tập trung đã hoạt động bình thường.

80% trung tâm ngoại ngữ đóng cửa, ngưng hoặc giải thể

Trả lời câu hỏi về tình trạng nhiều phụ huynh phản ánh không liên hệ được với các trung tâm tiếng Anh sau dịch do đóng cửa, ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng chính trị tư tưởng Sở GD&ĐT TP.HCM, cho biết do ảnh hưởng của dịch, gần 80% trung tâm ngoại ngữ phải đóng cửa, ngưng hoạt động hoặc giải thể. Khi người dân phản ánh không liên hệ được với các trung tâm này, sở rà soát thì thấy hầu hết chưa được cấp phép hoạt động giáo dục.

Với trung tâm được cấp phép, sở đã mời chủ đầu tư đến làm việc nhưng một số đơn vị chưa đến. Với trung tâm chưa được cấp phép, sở đã hướng dẫn người dân liên hệ công an để giải quyết. Trung tâm có phép và muốn giải thể phải thực hiện theo quy định, trong đó cần đảm bảo quyền lợi của người học và người làm việc trước khi ban hành quyết định giải thể. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm