Đà Lạt: Cần rà soát hàng loạt quy hoạch chi tiết về xây dựng

(PLO)- Đà Lạt cần đánh giá lại toàn diện tác động môi trường của các quy hoạch chi tiết, vì đây là cơ sở cho việc đã cấp phép xây dựng dày đặc và taluy không an toàn trong thời gian qua.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Sau vụ sạt lở nghiêm trọng ngày 29-6, nhiều chuyên gia cho rằng nền đất bazan yếu cùng mật độ xây dựng nén một cách dày đặc, tỉ lệ bê tông hóa cao và câu chuyện liên quan đến tai biến địa chất khiến TP Đà Lạt đang đối diện với ngập lụt, sạt lở xảy ra thường xuyên hơn.

Đất yếu “gồng”công trình dày đặc

Theo TS-kiến trúc sư (KTS) Ngô Viết Nam Sơn, Đà Lạt cho phép xây dựng công trình khối tích lớn ở các triền đồi đè nặng lên taluy, gây nguy cơ có thể làm cho cả dãy nhà trượt xuống thung lũng nếu tầng địa chất phía dưới bị xói lở do mưa lũ. Trong khi đó, taluy xây dựng quá cao và không đúng chuẩn kỹ thuật.

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ngày 29-6 tại TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Hiện trường vụ sạt lở nghiêm trọng ngày 29-6 tại TP Đà Lạt. Ảnh: VÕ TÙNG

Ông Sơn cho rằng trong quy hoạch dài hạn phải giữ mật độ xây dựng ở mức vừa phải. Cơ quan chức năng phải hạn chế bê tông hóa, cần dành nhiều đất (khoảng 40%-50%) cho không gian xanh. Ngoài ra, cần trồng lại rừng, không chặt hay xâm phạm cây xanh để dòng chảy của nước chậm lại khi mưa lớn, không gây ngập lũ.

“Ở các vị trí đã lỡ làm bê tông hóa quá cao thì có thể cần phải làm thêm hầm điều tiết ngầm dưới lòng đất dành không gian thoát nước, kết nối với mạng lưới sông, hồ, suối hay công viên để tăng hiệu quả chống ngập” - ông Sơn phân tích.

Tương tự, KTS Trần Công Hòa (Trường ĐH Yersin, Đà Lạt) cũng cho rằng ngoài yếu tố thiên tai, cũng nên xem lại quy chuẩn xây dựng của Đà Lạt có phù hợp với địa hình địa chất không.

“Cần phải xem lại tầng cao, khoảng lùi, khoảng cách giữa các nhà, kết cấu nhà ở, các taluy âm, taluy dương… Hiện nay ở Đà Lạt, cơ quan chức năng cũng đang rà soát và xử lý các vấn đề này” - ông Hòa nói.

Taluy thiết kế 4 m, xây 14 m là không ổn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, kỹ sư xây dựng Phạm Công Hóa ở Lâm Đồng cho rằng ngoài yếu tố thời tiết, địa hình thì giữa thiết kế và thi công bờ taluy có độ sai lệch.

Theo thiết kế, bờ taluy cao khoảng 4-4,7 m nhưng thực tế khi thi công như báo cáo của Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng thì taluy cao hơn 14 m là không ổn. Taluy trước hết phải tính được áp lực của đất và cả áp lực của đất khi ngập nước vì khi đó áp lực tăng 3-5 lần. Lúc đầu người thiết kế tính áp lực cho 4 m thôi nhưng khi thi công lên đến 14 m như vậy áp lực rất khủng.

Trong báo cáo về những kết quả nghiên cứu chính trong lĩnh vực khoa học tự nhiên của Chương trình Tây Nguyên 3 (chương trình của Chính phủ giao cho các nhóm nghiên cứu thực hiện) cũng cho biết tai biến địa chất gồm bốn loại: Nứt, sụt đất, trượt lở đất, lũ quét - lũ bùn và xói lở dòng sông.

Theo đó, tai biến địa chất xảy ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương với cường độ ngày càng gia tăng, quy mô ngày càng lớn. Vùng có nguy cơ tai biến địa chất cao tập trung chủ yếu ở tỉnh Kon Tum, kế đến là tỉnh Lâm Đồng.

Đánh giá toàn diện tác động môi trường của các quy hoạch chi tiết

Theo TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, biến đổi khí hậu gây mưa nhiều hơn và các biến đổi địa chất diễn ra hàng thập niên cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở ở Đà Lạt, bên cạnh các yếu tố về xây dựng và quy hoạch.

Ông Nguyên cho rằng khi xây dựng ở các địa hình đồi núi như xây nhà cửa, công trình, đường sá thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng từ thiên nhiên. Dù có xây taluy hay không thì cũng khó lường trước được sự tác động từ thiên nhiên, vì có khi sạt lở thì sạt lở cả một diện tích bề mặt rất lớn chứ không chỉ riêng nơi có xây taluy.

“Quy hoạch và xây dựng là một phần, không nhà địa chất nào có thể khẳng định chỗ này sau này sẽ sạt lở, chỗ kia thì không. Chúng ta nên rút ra các kinh nghiệm về xây dựng quy hoạch như hạn chế làm công trình ở những nơi đồi quá dốc, xây chồng lên nhau hay chỗ xói mòn bởi mưa…” - ông Nguyên nói.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cho hay ở Đà Lạt, nhiều khu vực phát triển trên đồi dốc sau này không được xây dựng hệ thống đường ống cái lớn để thoát nước mưa và nước thải nối ra suối, hồ và để hạ tầng thoát nước các công trình đấu nối vào mà chủ yếu chỉ cho thoát tự nhiên hoặc cho thấm hút vào đất. Ông Sơn góp ý các khu vực này cần được chỉnh trang lắp đặt hạ tầng thoát nước để tránh gây ngập cho khu vực vùng thấp lân cận.

Trước cảnh báo nguy cơ sạt lở và ngập lụt đang trên đà gia tăng tại Đà Lạt, ông Sơn đề nghị lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng nên yêu cầu các đơn vị chức năng rà soát, xem xét, đánh giá lại toàn diện tác động môi trường của các quy hoạch chi tiết. Kể cả các quy hoạch này đã được phê duyệt, vì đây là cơ sở cho việc đã cấp phép xây dựng dày đặc và taluy không an toàn thời gian qua.

“Từ việc rà soát, đánh giá đó, có thể tránh được các hệ lụy tương tự như việc sập taluy gây chết người vừa qua và xử lý các nguyên nhân gây ngập để điều chỉnh, đánh giá lại để hoàn thiện, phát triển Đà Lạt bền vững hơn trong tương lai” - ông Sơn phân tích.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm