Đã mở phiên tòa thì không được trả hồ sơ?

Khoản 1 Điều 280 BLTTHS 2015 quy định thẩm phán chủ tọa phiên tòa ra quyết định trả hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung trong bốn trường hợp. Nhiều ý kiến đề xuất nên bỏ quy định này vì nó xung đột với nguyên tắc suy đoán vô tội và cổ xúy cho tâm lý định kiến sẵn là bị cáo sẽ có tội.

Tòa chỉ làm trọng tài

Thứ nhất, thẩm phán được trả hồ sơ khi thiếu chứng cứ dùng để chứng minh một trong những vấn đề quy định tại Điều 85 (Những vấn đề phải chứng minh trong vụ án hình sự) của bộ luật này mà không thể bổ sung tại phiên tòa được.

Theo ông Vũ Phi Long (nguyên Phó Chánh Tòa Hình sự TAND TP.HCM), tình huống này có nghĩa VKS ra cáo trạng quyết định truy tố nhưng không đủ chứng cứ chứng minh tội phạm. Nếu như vậy thì VKS phải rút quyết định truy tố hoặc tòa án xét xử và tuyên bố bị cáo không phạm tội vì không có hành vi phạm tội hoặc hành vi không cấu thành tội phạm.

Thứ hai, có căn cứ cho rằng ngoài hành vi mà VKS đã truy tố, bị can còn thực hiện hành vi khác mà BLHS quy định là tội phạm. “Tình huống này xác định VKS đã bỏ lọt tội phạm. Nhưng chưa tranh tụng xét xử mà tòa đã xác định được bị can còn phạm tội khác nên cần trả hồ sơ để khởi tố là không phù hợp với nguyên tắc suy đoán vô tội. Trong khi luật cho phép nếu thông qua tranh tụng, HĐXX có thể ra quyết định khởi tố tại phiên tòa” - ông Long nói.

Thứ ba, có căn cứ cho rằng còn có đồng phạm khác hoặc có người khác thực hiện hành vi mà BLHS quy định là tội phạm liên quan đến vụ án nhưng chưa được khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Theo ông Long, tương tự trường hợp trên quy định này xác định VKS đã bỏ lọt người phạm tội hoặc bỏ sót đồng phạm.

Thứ tư, việc khởi tố, điều tra, truy tố vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Ông Long nhận xét quy định này giúp cơ quan điều tra, VKS khắc phục những vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng. Nếu tòa ra bản án mà vi phạm một trong các điểm nói trên thì sẽ bị hủy án, HĐXX sẽ không được xét xử tiếp, thậm chí thẩm phán chủ tọa bị kỷ luật. Nhưng nếu cơ quan điều tra, VKS có vi phạm thì chỉ là rút kinh nghiệm.

Ông Long phân tích theo Hiến pháp 2013, tòa án là cơ quan xét xử, bảo vệ công lý và thực hiện quyền tư pháp cần bảo đảm sự bình đẳng, dân chủ và công khai. Trước khi xét xử, tòa không có nghĩa vụ phải chỉ ra những thiếu sót, vi phạm tố tụng của bên buộc tội và gỡ tội. Tất cả vấn đề kể cả việc trả hồ sơ cũng phải được tranh tụng bình đẳng, dân chủ tại phiên tòa công khai. Kết quả tranh tụng tại tòa sẽ là căn cứ để HĐXX xem xét, quyết định.

Có nên bỏ quy định tòa mở phiên xử rồi trả hồ sơ? Ảnh minh họa: T.TÙNG

Không dễ bỏ?

Một số luật sư (LS) cho rằng quy định cho chủ tọa quyền trả hồ sơ điều tra bổ sung nhưng nếu VKS và CQĐT không làm được thì phải xử lý thế nào. Nếu không đủ chứng cứ mà không được trả hồ sơ thì liệu tòa có dám tuyên vô tội không và nếu không tuyên vô tội thì có dẫn đến oan, sai? Nguyên tắc suy đoán vô tội có được các thẩm phán áp dụng triệt để?

LS Nguyễn Hữu Thế Trạch và LS Đặng Đức Trí (cùng Đoàn LS TP.HCM) cho rằng quy định trên cho thấy yếu tố định kiến bị cáo có tội trong việc chứng minh và đánh giá chứng cứ của tòa. Nó biến tòa án thành cơ quan buộc tội, tạo ra “lực lượng” buộc tội hùng mạnh gồm: CQĐT, VKS và tòa án. Nếu thấy chứng cứ chứng minh tội phạm của VKS chưa đầy đủ thì tòa có quyền tuyên bị cáo không phạm tội. Việc trả hồ sơ bổ sung giống hành vi “hợp sức” buộc tội đến cùng, thậm chí là hợp pháp hóa những vi phạm trước đó.

Theo LS Trạch, quy định này còn vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội thể hiện bằng việc trả hồ sơ điều tra bổ sung khi: Có căn cứ cho rằng bị cáo phạm tội khác hoặc có đồng phạm khác. Trong khi suy đoán vô tội khẳng định chỉ khi có bản án có hiệu lực của tòa mới kết luận một người nào đó có tội. Nếu luật cho phép chủ tọa định kiến trước bị cáo có tội để trả hồ sơ điều tra cho ra tội thì không ổn. Việc này chẳng khác nào để ra bản án có hai trình tự chứng minh. Đó là trình tự chứng minh và kết tội sơ bộ do thẩm phán chủ tọa phiên tòa làm và trình tự chính thức là bản án. Từ đây sẽ kéo theo tính hình thức của phiên tòa mà kết quả bị cáo có tội đã được thẩm phán dự liệu trước.

Ngược lại, một kiểm sát viên cao cấp tại TP.HCM lại cho rằng không thể bỏ quy định trên bởi khi nhà làm luật đưa vào thì nó sẽ có ý nghĩa nhất định. Ngoài việc đấu tranh với tội phạm theo đúng quy định pháp luật thì nó còn bảo vệ quyền lợi chính đáng của phía nạn nhân.

Việc cho phép chủ tọa trả hồ sơ để điều tra bổ sung là một sự cẩn trọng khi xét xử, tránh việc kết tội non hoặc chủ quan kết tội dẫn đến oan, sai. Nếu quy định thẩm phán chỉ được mở phiên tòa một lần thì dẫn đến tình trạng xử bừa, xử ẩu cho xong. Lúc này bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, thậm chí bị hủy án, kéo dài quá trình tố tụng.

Đã trả hồ sơ thì không được xử tiếp

Một số thẩm phán chuyên xử hình sự cho rằng việc xét xử cần cẩn trọng vì nó liên quan đến danh dự, tính mạng con người. Quan trọng hơn việc bảo vệ lẽ công bằng tiếp cận đến chân lý trong vụ án là cả một quá trình, người thẩm phán có thể lúc nghiên cứu hồ sơ chưa nhìn rõ hết mọi ngóc ngách của vụ án. Ra tòa, quá trình tranh tụng hé lên nhiều vấn đề nhưng cần phải làm rõ thì việc trả hồ sơ là cần thiết.

Nếu cần thay đổi thì nên quy định sau khi trả hồ sơ để điều tra bổ sung vụ án thì thẩm phán chủ tọa đó cũng kết thúc vai trò xét xử của mình (coi như một lần xử). Khi hồ sơ đã được điều tra bổ sung, chuyển lại qua tòa thì một thẩm phán khác sẽ phụ trách xét xử.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm