Đà Nẵng: Chấn chỉnh tình trạng đùn đẩy trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm

(PLO)- Lãnh đạo Đà Nẵng đề nghị chấn chỉnh tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm khi xử lý nguồn tin tội phạm.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-9, Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và tăng cường công tác phối hợp trong việc tiếp nhận, phân loại, xử lý tin tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố”.

Theo báo cáo, năm năm qua, các cơ quan điều tra tại Đà Nẵng đã tiếp nhận hơn 7.800 tin tố giác, tin báo về tội phạm. Qua đó đã giải quyết gần 7.000 tin.

đà nẵng

Hội thảo do Ban chỉ đạo cải cách tư pháp TP Đà Nẵng tổ chức. Ảnh: ĐT

Ban chỉ đạo đánh giá các cơ quan đã tích cực phối hợp, nâng cao chất lượng điều tra, xác minh thông tin tố giác. Công tác điều tra, giải quyết được thực hiện đúng thẩm quyền, trình tự tố tụng.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động của tội phạm kinh tế ngày càng tinh vi, có nhiều phương thức, thủ đoạn mới.

Một số doanh nghiệp (DN) lợi dụng biểu thuế ưu đãi đối với những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được để khai báo hải quan nhập khẩu. Sau đó lại lợi dụng chính sách thông quan hàng hóa để nhập khẩu các mặt hàng thuộc danh mục cấm nhập khẩu hoặc nhập khẩu có điều kiện vào tiêu thụ nội địa, qua mặt lực lượng chức năng.

Tại hội thảo, các đại biểu cho rằng có tình trạng thành lập DN “ma” để mua bán hóa đơn trái phép, trốn thuế. Các đối tượng thành lập DN “ma” hoặc mua lại DN để làm thủ tục nhập khẩu hàng cấm.

Một số đối tượng sử dụng hóa đơn khống để hợp thức hóa chứng từ, gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xác minh, điều tra. Đồng thời quá trình điều tra tốn nhiều thời gian khi phải xác định chủ DN.

Các đại biểu tham dự hội thảo kiến nghị sửa đổi các quy định liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý tình trạng thành lập DN “ma” hoạt động bất hợp pháp.

Theo ông Lương Nguyễn Minh Triết, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng, công tác phối hợp cung cấp thông tin còn hạn chế trong quá trình giải quyết tin tố giác tội phạm. Có trường hợp các cơ quan không đồng quan điểm thì đùn đẩy trách nhiệm.

“Cấp quận/huyện thấy lúng túng, chưa rõ lắm thì đẩy lên TP xin ý kiến làm kéo dài thời gian, dẫn đến hết thời hạn xác minh, không xử lý được”, ông Triết nói.

Ông Triết cho rằng đây là biểu hiện né tránh, đùn đẩy trách nhiệm, không chủ động trong xử lý vụ việc thuộc thẩm quyền và cần tập trung chấn chỉnh.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm