Mới đây, trả lời Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Đà Nẵng, cho biết: “Một dự án phải có chấp thuận chủ trương đầu tư rồi mới làm được các bước tiếp theo. Tuy nhiên, có một giai đoạn mình đã để nhiều dự án bất động sản bị hổng. Các bộ, ngành, trung ương chưa có hướng dẫn nên còn thiếu hình thức để quản lý nhà nước được tốt hơn”.
Cởi trói dự án?
Đầu tháng 8, UBND TP Đà Nẵng ra Quyết định 3387/QĐ-UBND quy định giá đất cụ thể đối với dự án khu nhà ở Phú Gia (Phú Gia Compound, phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) để làm cơ sở xác định nghĩa vụ tài chính do chuyển mục đích sử dụng từ đất thương mại dịch vụ sang đất ở. Quyết định này quy định giá đất ở tại dự án Phú Gia Compound là hơn 69 triệu đồng/m2, giá đất thương mại dịch vụ là hơn 35 triệu đồng/m2.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, Phú Gia Compound có diện tích hơn 2 ha. Năm 2007, khu đất này được TP chuyển quyền cho một doanh nghiệp với giá 100 tỉ đồng. Dự án sau đó được chuyển nhượng lại cho Công ty TNHH Phú Gia Compound và hiện đã hoàn thành, đưa vào sử dụng với 137 căn hộ. Được biết mức giá nhà tại đây là 10 tỉ đồng/căn bán theo hình thức góp vốn.
Đáng nói dự án từng được Sở Xây dựng tp Đà Nẵng phát hiện là bàn giao, đưa vào sử dụng khi chưa đủ điều kiện và quận Thanh Khê đang lập thủ tục xử phạt theo quy định. Phú Gia Compound cũng nằm trong số chín dự án và 31 nhà công sản tại Đà Nẵng thuộc diện thanh tra, điều tra của cơ quan chức năng do có liên quan tới vụ án Phan Văn Anh Vũ (Vũ “nhôm”).
Trước đó TP Đà Nẵng cũng gây bất ngờ khi ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án khu dân cư Phùng Hưng (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu) hiện do PGT Group làm chủ đầu tư (CĐT).
Dự án có quy mô khoảng 1 ha với 78 lô gồm nhà ở thương mại để bán hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng, thời gian thực hiện dự án là 50 năm. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, từ năm 2014-2015, CĐT đã phân lô, bán nền với giá gần 700 triệu đồng/lô khi chưa có đủ chủ quyền với khu đất.
Một góc khu dân cư Phùng Hưng đang xây dựng nhà cửa. Ảnh: TẤN VIỆT
Thiếu cơ sở xử lý hợp đồng đặt cọc
Lý giải về trường hợp dự án khu dân cư Phùng Hưng, lãnh đạo Sở Xây dựng TP Đà Nẵng cho biết khi tiếp nhận hồ sơ đề xuất của CĐT, đơn vị đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan. Kết quả thẩm định cho thấy thành phần hồ sơ phù hợp với quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 99/2015. Cụ thể, CĐT đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất đai, hoàn thành thủ tục đăng ký kế hoạch bảo vệ môi trường dự án theo quy định.
Theo Sở Xây dựng, khu dân cư Phùng Hưng phù hợp với quy hoạch 1/500 đã được TP phê duyệt. Hơn nữa kế hoạch phát triển nhà ở Đà Nẵng đến năm 2020 sẽ tiếp tục triển khai 22 dự án. Căn cứ tình hình thực tế, có thể xem xét bổ sung một số dự án cung cấp được sản phẩm trong giai đoạn này và giai đoạn sau.
“22 dự án trong kế hoạch phần lớn đều đang trong quá trình thanh tra, điều tra hoặc chậm triển khai, khó có thể hoàn thành theo đúng tiến độ. Do đó, Sở Xây dựng đề nghị UBND TP xem xét, thống nhất bổ sung dự án trên vào danh mục dự án nhà ở thương mại đến năm 2020” - lãnh đạo Sở Xây dựng lý giải.
Trả lời câu hỏi dự án khu dân cư Phùng Hưng và nhiều dự án khác bị tố huy động vốn trái phép, việc kiểm tra, xử lý như thế nào, ông Lê Văn Tuấn, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng, cho rằng: “Hiện nay rất nhiều dự án như vậy. Toàn bộ là hợp đồng đặt cọc, chưa có hợp đồng mua bán nên lúc kiểm tra thì chưa đủ cơ sở xử lý”.
Theo ông Tuấn, đơn vị đã có nhiều văn bản xin ý kiến Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp nhưng đến nay chưa có câu trả lời dứt khoát. Mới đây nhất, Thanh tra Sở Xây dựng cũng tham mưu gửi câu hỏi cho Thanh tra Bộ Xây dựng để có hướng dẫn xử lý đối với các hợp đồng đặt cọc, đặt chỗ… nhưng vẫn chưa có kết quả.
“Hợp đồng đặt cọc liên quan luật dân sự. Luật không quy định rõ đặt cọc tối đa bao nhiêu nên có nơi đặt cọc đến 90%-95% giá trị bất động sản. Với người dân, chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn nếu trong hợp đồng có điều khoản không thỏa thuận được thì hai bên ra tòa xử lý thôi” - ông Tuấn nói.
Đối với dự án Phú Gia Compound, ông Trần Văn Miên, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, khẳng định: “Quyết định chỉ quy định về giá để tính tiền sử dụng đất mà thôi. Nếu suy diễn đây là hợp thức hóa dự án thì không đúng”. Cụ thể, Phú Gia Compound vẫn đang được xem xét, xử lý, không phải từ quyết định này của TP mà người dân được nộp tiền chuyển đổi để cấp sổ đỏ. “Hiện chưa thể làm như vậy được vì dự án làm sai phép, vi phạm pháp luật và CQĐT đang làm việc” - ông Miên nhấn mạnh.
Về nguyên tắc, nếu có dự án mà đất nhà nước quản lý thì doanh nghiệp phải tham gia đấu giá, đấu thầu. Sau đó mới được công nhận CĐT hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư. “Đây được xem như là giấy khai sinh của một dự án. Từ đó CĐT mới có thể thực hiện các bước tiếp theo đúng quy định pháp luật trước khi được phép bán nhà hình thành trong tương lai hoặc được huy động vốn để hình thành nhà ở trong tương lai. Ông LÊ VĂN TUẤN, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng |