Sở TN&MT Đà Nẵng cho biết Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản (gọi tắt là KCN) Đà Nẵng có 13 doanh nghiệp thủy sản hoạt động. Trước năm 2011, các cơ sở có lượng nước thải trên 50 m3/ngày đều đã đầu tư hệ thống xử lý nước thải. Nhưng hầu hết các trạm xử lý của doanh nghiệp đều hoạt động không ổn định, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Trước tình hình đó, TP Đà Nẵng cho phép Công ty TNHH Quốc Việt đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Thọ Quang với công suất 2.000 m3/ngày. Nhà máy này có chức năng thu gom, xử lý toàn bộ hệ thống nước thải của các cơ sở trong KCN trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động nhà máy thường xuyên xảy ra sự cố, phát sinh mùi hôi. “Nhà máy sử dụng công nghệ, thiết bị lạc hậu, công suất xử lý quá nhỏ dẫn đến quá tải khi các doanh nghiệp đồng loạt đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải” - nhiều doanh nghiệp trong KCN phản ánh tại cuộc họp sáng 8-5.
Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, TP đã chọn được địa điểm xây dựng một nhà máy xử lý nước thải mới với công suất xử lý 10.000 m3/ngày. Dự kiến đến tháng 7 mới khởi công nên tạm thời phải sử dụng nhà máy của Công ty Quốc Việt. Để giảm ô nhiễm, lãnh đạo TP yêu cầu các doanh nghiệp phải xử lý nước thải trước khi xả vào hệ thống thu gom của KCN.
Yêu cầu trên khiến nhiều doanh nghiệp băn khoăn vì phần lớn hệ thống xử lý nước thải cũ của họ đã bị hư hỏng hoặc dỡ bỏ. “Sau khi có nhà máy của Công ty Quốc Việt, chúng tôi đã tháo gỡ các hệ thống xử lý nước thải cũ để lấy mặt bằng. Nếu giờ phải khôi phục lại thì rất tốn kém, đề nghị TP xem xét lại vấn đề này” - các doanh nghiệp kiến nghị.
TẤN TÀI