Đà Nẵng qua một năm sóng gió

Đà Nẵng qua một năm sóng gió

(PLO)- Những tin bắt giam, kỉ luật trở thành tâm điểm dư luận tại TP này.

Những tin bắt giam, kỉ luật trở thành tâm điểm dư luận tại TP này.

Năm 2018, các chỉ tiêu về kinh tế, chính trị-xã hội Đà Nẵng đều đạt được và vượt mức đề ra. Nhưng đây cũng là năm TP này chịu nhiều tổn thất về niềm tin, mất mát cán bộ, bị thanh tra, kiểm tra thường xuyên. TP không chỉ mất mát các cán bộ cấp cao đã nghỉ hưu mà cả những cán bộ chủ chốt còn tại vị.

Đà Nẵng qua một năm sóng gió ảnh 2

Đó là một năm đầy sóng gió và ngày 28-1-2019, liên quan tới xét xử ông Vũ 'Nhôm' tại TAND TP Hà Nội các vấn đề sai phạm quản lý đất đai tại Đà Nẵng lại tiếp tục được nhắc tới.

Giữa năm 2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an hiện điều tra làm rõ những sai phạm trong việc thực hiện 9 dự án và mua, chuyển nhượng 31 nhà đất công sản thuộc sở hữu nhà nước tại Đà Nẵng theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Sáng 6-12-2017, tại trụ sở Trung tâm hành chính TP Đà Nẵng, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam chủ trì công bố quyết định thanh tra toàn diện các dự án trên bán đảo Sơn Trà và dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước thực hiện theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trương Hòa Bình.

17 giờ 42 phút ngày 21-12-2017, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an tiến hành khám xét nhà ông Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm) và vụ án “cố ý làm lộ tài liệu bí mật nhà nước” được khởi tố.

Chiều 4-1-2018, Bộ công an thông báo đã bắt giữ được ông Vũ 'Nhôm' sau khi di lý trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Singapore về Hà Nội. Sau khi Bộ Công an bắt giữ ông Vũ 'Nhôm' cũng là lúc mở đầu một năm sóng gió tại TP.

Chiều 18-1-2018, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng đã thống nhất thi hành kỷ luật đối với năm cán bộ chủ chốt của TP.

Ban Chấp hành Đảng bộ TP Đà Nẵng đã tiến hành thảo luận và bỏ phiếu thống nhất hình thức kỷ luật. Theo đó, kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Đình Hồng (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban tổ chức Thành uỷ); ông Trần Thanh Vân (Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Nội chính Thành ủy); ông Đào Tấn Bằng (Bí thư Đảng ủy các khu công nghiệp Đà Nẵng). 

Việc xem xét thi hành kỉ luật đối với các cán bộ chủ chốt nói trên được thực hiện sau kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến các sai phạm tại Đà Nẵng.

Theo đó, các cá nhân trên có liên quan đến công tác tham mưu bổ nhiệm cán bộ không đúng quy trình, quy định; kiểm tra, giám sát một số vụ việc không đúng thẩm quyền; vi phạm trong công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị, công tác quản lý đất đai, dự án đồng thời tham mưu việc giao đất không đúng quy định của pháp luật.

Ngày 17-4-2018, liên quan đến vụ án của Vũ Nhôm, Bộ Công an ra quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam đối với ông Trần Văn Minh (nguyên chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2006-2011). 

Ngoài ra Bộ công an còn khởi tố bị can và áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các ông: Văn Hữu Chiến (nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (2011-2014); Nguyễn Điểu (nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng); Trần Văn Toán (nguyên Phó Giám đốc Sở TN&MT TP Đà Nẵng) và ông Lê Cảnh Dương (Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP Đà Nẵng).

Những nguyên lãnh đạo cấp cao, lãnh đạo đương nhiệm trên bị khởi tố về các hành vi vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí quy định Điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015 và vi phạm các quy định của nhà nước về quản lý đất đai quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Liên quan đến Phan Văn Anh Vũ tại TP Đà Nẵng, ngày 18-9-2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với các bị can về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015 đối với ông Đào Tấn Bằng (nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng, nay là bí thư Đảng ủy khối các Khu công nghiệp TP Đà Nẵng);  ông Nguyễn Viết Vĩnh (nguyên trưởng phòng Quản lý đô thị, UBND TP Đà Nẵng, nay là giám đốc Cảng vụ đường thủy nội địa).

Đồng thời, ra quyết định khởi tố bị can, lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với các bị can về hành vi vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự năm 2015, đối với ông Nguyễn Văn Cán (nguyên chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng); ông Phan Xuân Ít (nguyên phó chánh Văn phòng UBND TP Đà Nẵng).

Ngày 9-8-2018, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ công đã ra quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ  về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, quy định theo điều 219 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đồng thời cơ quan này cũng ra các quyết định khởi tố bị can về cùng tội danh trên, áp dụng lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú và lệnh khám xét chỗ ở đối với ông Nguyễn Công Lang (nguyên Giám đốc Công ty Quản lý nhà Đà Nẵng); ông Phan Ngọc Thạch (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Đà Nẵng); ông Trần Phi (nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Đà Nẵng) và ông Huỳnh Tấn Lộc (Tổng giám đốc Công ty Công nghệ phẩm Đà Nẵng).

Những bị can trên đều có liên quan đến việc mua bán, chuyển nhượng nhà công sản của Đà Nẵng có liên quan đến vụ án của ông Vũ 'Nhôm' tại số 106 Trần Phú; 34 Hoàng Văn Thụ; 37 Pasteur; 57 Lê Duẩn; 100 Bạch Đằng; 20 Bạch Đằng.

Ngày 27-12-2018, tại buổi tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ đã thông tin về việc ông bị kỷ luật. Nói về nguyên nhân bị kỷ luật, ông Thơ cho hay trên cương vị chủ tịch UBND TP, ông bị kỷ luật vì ba vi phạm.

Trước hết, ông phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của tập thể Thường vụ Thành ủy trong việc vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, công tác cán bộ, công tác quản lý đất đai, đô thị. Tuy nhiên, ông khẳng định trong tập thể Thường vụ không phải ai cũng sai phạm như nhau nhưng vì quyết định của tập thể nên phải chịu.

“Tập thể dù chỉ có một vài anh làm sai thì những người còn lại cũng phải chịu kỷ luật. Dù nhiều quyết định của Thường vụ thông qua, nhiều đồng chí đấu tranh kiên quyết không chấp nhận nhưng không làm gì được vì thiểu số phục tùng đa số” - ông Thơ nói.

Cũng trong ngày 27-12-2018, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ cùng một số đại biểu HĐND TP Đà Nẵng đã tiếp xúc cử tri quận Thanh Khê.

Ông Thơ cho rằng, đã làm việc với Thanh tra Chính phủ về dự thảo kết luận thanh tra các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà. Theo đó, những sai sót, vướng mắc của các dự án trên bán đảo Sơn Trà cũng giống như các dự án trước đây đã được nêu trong Kết luận số 2852 của Thanh tra Chính phủ như: giảm tiền sử dụng đất 5 – 10% không đúng quy định; giao đất không thông qua đấu giá đất; cấp sổ đỏ không đúng.... Đến nay Thanh tra Chính phủ chưa công bố kết luận chính thức. Ông Thơ khẳng định đối với 137 lô đất biệt thự trên Sơn Trà mà cử tri đề cập thì việc giao đất, cấp đất có vi phạm, thất thoát.

Về vụ án liên quan đến ông Phạm Công Danh và số phận sân vận động Chi Lăng. Ông Huỳnh Đức Thơ (Chủ tịch UBNDTP Đà Nẵng) cho biết liên quan đến khu đất sân vận động Chi Lăng, vừa qua UBND TP Đà Nẵng đã có văn bản gởi chánh án TAND tối cao, viện trưởng Viện KSND tối cao và Bộ Tư pháp.

Theo ông Thơ, theo quy định việc cấp đất, giao đất, tách thửa của các lô đất ở sân vận động Chi Lăng là không đúng quy định pháp luật. Khi chưa có quy hoạch vẫn cho chia tách ra các lô đất nhỏ, trong khi đó nhiều hộ dân chưa bàn giao mặt bằng nhưng vẫn cấp sổ đỏ cho nhà đầu tư.

"Nếu thực hiện thi hành án thì không có cơ quan, cá nhân nào dám mua tài sản này để triển khai xây dựng, vì hiện ở vị trí đất đó không có quy hoạch gì cả. Để giải quyết, TP Đà Nẵng kiến nghị các cơ quan trung ương xem xét lại vụ việc và trên tinh thần UBND TP sẽ làm việc lại với các cơ quan để Đà Nẵng có thể hoàn tiền để thu hồi lại đất", ông Thơ nói.

Trước đó, ông Thơ cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được giữ lại toàn bộ diện tích sân Chi Lăng thông qua THA bằng cách tự nguyện, thỏa thuận với bên được THA. Theo đó, TP sẽ chuyển trả toàn bộ tiền sử dụng đất mà các doanh nghiệp thực nộp vào ngân sách khi được giao khu đất này để đảm bảo nghĩa vụ thanh toán của người sử dụng đất có đất đang bị thế chấp. Số tiền này là 1.251 tỉ đồng.
Đà Nẵng qua một năm sóng gió ảnh 16

Sáng 28-3-2018, Thành ủy Đà Nẵng, Tỉnh ủy Quảng Nam có buổi gặp mặt các lão thành cách mạng nguyên là Đặc khu ủy viên – Đặc khu Quảng Đà, Tỉnh ủy viên – Tỉnh ủy Quảng Nam thời kì kháng chiến chống Mỹ.

Theo ông Nghĩa, việc tổ chức thực hiện các nguyên tắc sinh hoạt Đảng thời gian qua chưa nghiêm túc dẫn đến những sai phạm, khuyết điểm phải thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy và các cá nhân liên quan.

Tại buổi gặp mặt, các vị lão thành cách mạng nhắc lại câu chuyện xử lý cán bộ vừa qua tại hai tỉnh, thành và đồng tình cho rằng đây là bài học lớn. Bây giờ, cả hai địa phương cần xốc lại tinh thần, đưa địa phương phát triển mạnh mẽ hơn nữa, xứng đáng với kỳ vọng của Trung ương đối với Quảng Nam - Đà Nẵng trong tình hình mới.

Tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị lão thành, ông Trương Quang Nghĩa cho hay qua những vụ việc vừa rồi, chúng tôi thấy là một bài học. Đà Nẵng và Quảng Nam đã hết sức nghiêm túc, kiểm điểm, đánh giá những bài học rút ra. Đây cũng là bài học chung cho các tỉnh, thành khác trên cả nước.

“Bài học lớn nhất là dân chủ trong sinh hoạt, minh bạch trong các hoạt động của mình. Mong rằng các bác tin tưởng, sau các bài học vừa rồi thì hai tỉnh sẽ không mắc phải những việc đó nữa”, ông Nghĩa nói.

Một tháng sau, ngày 26-4-2018, ông Nghĩa cho rằng năm 2017, sau khi có kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, việc kiểm điểm các cá nhân sai phạm khiến cho người Đà Nẵng rất buồn. Và hãy xem những sai phạm bị khởi tố này là một bài học cho các cán bộ của Đà Nẵng. Việc này được nhiều cử tri phát biểu đồng tình, phấn khởi với quyết tâm của Đảng.

Cử tri Đặng Vân (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) từng chia sẻ với PLO.VN rằng: : “Chúng tôi rất đau xót về những sai phạm của lãnh đạo TP trong thời gian qua. Đặc biệt, những việc như vậy đã làm mất đi cái uy của TP đáng sống”.

Ngày 27-4-2018, tiếp xúc với Bí thư Thành uỷ Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa, cử tri Lê Đức Sơn (tổ 74, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành) nói nếu không có những vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây thì chắc rằng bộ mặt, diện mạo của Đà Nẵng sẽ sáng sủa hơn bây giờ.

Cử tri Sơn cho rằng thế lực ngầm ở Đà Nẵng thì đã thấy. Sau khi ông Phan Văn Anh Vũ bị bắt thì hàng loạt cán bộ của chúng ta cũng rơi vào vòng tố tụng. Nếu trước đó chúng ta giám sát, tăng cường vai trò giám sát bộ máy thì chúng ta có thể phát hiện sớm, vấn đề này sẽ không xảy ra hoặc ta sẽ hạn chế và ngăn chặn được”.

Đọc thêm