Đà Nẵng quản lý chặt các dự án căn hộ đang thế chấp

(PLO)- Thông tin kịp thời từ cơ quan quản lý nhà nước và sự minh bạch pháp lý của chủ đầu tư là yếu tố để thị trường bền vững.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong số 11 dự án nhà ở thương mại/nhà ở xã hội đã có văn bản thông báo của Sở Xây dựng TP Đà Nẵng về việc nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán thì có đến sáu dự án đang thế chấp ngân hàng.

Chú ý khi mua dự án đang thế chấp

Sáu dự án đang thế chấp ngân hàng gồm The Filmore (quận Hải Châu) do Công ty cổ phần Phát triển bất động sản Filmore làm chủ đầu tư (CĐT) với 206 căn hộ; tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Duyên Hải Miền Trung (quận Sơn Trà) do Công ty TNHH Dịch vụ du lịch và Thương mại Minh Đông làm CĐT với 340 căn hộ; chung cư The Sang Residence (quận Ngũ Hành Sơn) của Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng The Sang với 298 căn hộ; khu phức hợp đô thị thương mại cao tầng Phương Trang - khu E (quận Liên Chiểu) do Công ty cổ phần Đầu tư Phương Trang làm CĐT với 73 căn nhà ở liền kề; khu căn hộ Asiana (quận Liên Chiểu) do Công ty TNHH Asiana Paramount làm CĐT với 487 căn hộ; dự án khu chung cư nhà ở xã hội Khu công nghiệp Hòa Khánh (quận Liên Chiểu) do Công ty cổ phần Địa ốc xanh Sài Gòn Thuận Phước làm CĐT với 452 căn hộ nhà ở xã hội và 188 căn hộ nhà ở thương mại.

Dự án The Filmore (quận Hải Châu) đang thế chấp ngân hàng. Ảnh: TẤN VIỆT

Dự án The Filmore (quận Hải Châu) đang thế chấp ngân hàng. Ảnh: TẤN VIỆT

Đối với các dự án này, Sở Xây dựng TP Đà Nẵng lưu ý trường hợp CĐT ký hợp đồng mua bán nhà ở hình thành trong tương lai mà thu tiền trả trước của người mua thì CĐT phải gửi kèm giấy tờ chứng minh đã giải chấp hoặc biên bản thống nhất của bên mua nhà ở và bên nhận thế chấp về việc không phải giải chấp và được mua bán nhà ở đó. Các giấy tờ này phải gửi Sở Xây dựng xem xét, ban hành văn bản thông báo nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện được bán trước khi ký hợp đồng mua bán.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (BĐS) Việt Nam, cho rằng về nguyên tắc dự án đã thế chấp thì không còn là tài sản của CĐT nữa, tức là CĐT không được bán.

“Ngân hàng đang quản lý mà CĐT bán đi thì rủi ro cho người mua rất cao. Vì vậy, Sở Xây dựng cảnh báo là đúng. Tuy nhiên, thông báo đủ điều kiện bán hàng chỉ là mặt kỹ thuật. Sở Xây dựng cần làm rõ các dự án hiện đang thế chấp ở đâu, từ đó khách hàng có thông tin để yêu cầu CĐT thực hiện các nghĩa vụ liên quan” - ông Đính lưu ý.

Hành lang pháp lý chặt chẽ

Trả lời Pháp Luật TP.HCM, Giám đốc Sở Xây dựng TP Đà Nẵng Phùng Phú Phong cho hay để thị trường BĐS phát triển minh bạch và bền vững, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước thì các chủ đầu tư và tổ chức, cá nhân kinh doanh BĐS cần thực hiện đúng quy định pháp luật về đầu tư, kinh doanh BĐS.

Đồng thời, các tổ chức, cá nhân tham gia giao dịch, mua bán BĐS phải tìm hiểu kỹ tình trạng pháp lý của dự án, các quy định pháp luật về điều kiện BĐS đưa vào kinh doanh trước khi tham gia giao dịch.

Sau khi Sở Xây dựng TP Đà Nẵng tham mưu, UBND TP đã giao Công an TP phối hợp với các cơ quan liên quan thường xuyên kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh BĐS.

UBND TP Đà Nẵng cũng giao Sở TT&TT, Sở Văn hóa và Thể thao thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động đăng tải thông tin, quảng cáo, rao vặt có liên quan đến kinh doanh BĐS.

Ngoài ra, Sở Tư pháp TP Đà Nẵng cũng được giao thường xuyên kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động công chứng, đặc biệt là tình trạng “ký chờ”, “ký gửi” trong giao dịch BĐS.

Ông Phong thông tin: “Đối với một số dự án BĐS đang có tranh chấp, khiếu kiện giữa khách hàng và chủ đầu tư trong thời gian qua, các cơ quan quản lý nhà nước của TP đang kiểm tra, xử lý và hướng dẫn xử lý tranh chấp, khiếu kiện theo đúng quy định pháp luật”.

Cũng theo ông Phong, khi nhận được thông tin về một dự án BĐS mở bán nhà ở hình thành trong tương lai mà chưa đảm bảo điều kiện, Sở Xây dựng sẽ đề nghị UBND quận, huyện nơi có dự án kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính (nếu có) theo đúng quy định.

Nên ký hợp đồng trực tiếp với chủ đầu tư

Để loại trừ rủi ro, bảo vệ quyền lợi của mình, trước khi ký kết các loại hợp đồng giao dịch BĐS người dân cần nắm rõ các điều kiện pháp lý. Người dân nên trực tiếp đến trụ sở của CĐT để tìm hiểu, xác minh, yêu cầu CĐT cung cấp các thông tin về dự án. Đồng thời, khảo sát về tiến độ triển khai dự án thực tế.

Khi ký hợp đồng phải đọc kỹ nội dung và lưu ý đến các điều khoản mấu chốt như tiến độ thanh toán, thời điểm lấy lại tiền, thời điểm bàn giao, thời điểm cấp giấy chứng nhận; lỗi, phạt, bồi thường do vi phạm của các bên... Về chủ thể giao kết hợp đồng, người dân chỉ nên ký trực tiếp với CĐT, còn nếu ký với bên môi giới thì bên môi giới phải có giấy ủy quyền từ CĐT theo quy định.

Luật sư Nguyễn Văn Tứ, Đoàn Luật sư TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm